Bà Căn Nga, người dân tộc PaKô, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vui vẻ kể cho chúng tôi nghe bằng tiếng Pakô khi lần đầu tiên được nói chuyện với đứa cháu trai đang học đại học tại Hà Nội bằng điện thoại.
Xã “A lô”
Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, điện thoại đã trở thành phương tiện truyền tải thông tin liên lạc phổ biến đối với người dân sống ở các đô thị và khu vực đồng bằng ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, ở xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, người dân mới thực sự biết sử dụng và ứng dụng chức năng điện thoại vào cuộc sống từ cuối năm 2007, khi ngành ngành điện lực Quảng Trị đầu tư xây dựng cột ăng ten, hỗ trợ điện thoại bàn (không dây) cho các đơn vị và 100 hộ dân ở xã Tà Rụt. Từ khi có điện thoại, đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây có những đổi thay rõ rệt. Bà Căn Nga cho biết, từ ngày có điện thoại đến nay, tuần nào bà và người dân trong bản cũng kể chuyện bản làng với người thân ở xa bằng… “A lô”.
Ông Hồ Trọng Biên, Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt, cho biết: “Cả xã có 725 hộ dân với 3.447 nhân khẩu. Trước khi chưa có điện thoại của ngành điện lực, cả xã chỉ được trang bị một chiếc điện thoại “di động” chạy bằng năng lượng mặt trời, nghe và gọi được trong vòng bán kính vài cây số. Vì vậy, mỗi khi có thông tin khẩn báo như tai nạn giao thông, đau ốm, thiên tai… người dân và cán bộ xã chỉ biết chạy bộ đi báo với cơ quan chức năng.
Cụ Căn Nga ngừng câu chuyên với người thân bằng điện thoại trong ngôi nhà nhỏ của đại gia đình bên cạnh trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tà Rụt, huyện Đakrông, nói: “Trước khi có điện thoại, cực nhất là bà con nghèo ở những bản xa xôi như A Liêng, A Vương (các bản thuộc địa phận xã Tà Rụt nằm cách nhau hàng cây số- PV). Mỗi khi ốm đau, do không có phương tiện đi lại và không biết liên lạc với cán bộ xã bằng cách nào nên đành cõng người bệnh đi xa hàng cây số mới đến được Trạm y tế xã. Nhưng bây giờ, mỗi khi có việc khẩn cấp cần chính quyền can thiệp, bà con trong bản chỉ cần nhấc máy điện thoại và “A lô” thế là “ô khề”!
Dân bản không còn bị ép giá
Không chỉ đảm nhận việc kết nối một cách nhanh nhất trong việc liên lạc giữa chính quyền địa phương với người dân mà từ ngày có điện thoại cả xã Tà Rụt đã có nhiều thay đổi, nhất là việc buôn bán, làm ăn. “Trước đây, mỗi lần mua hàng của người Kinh vận chuyển từ đồng bằng lên bán lại cho bà con, tôi thường bị người buôn chuyến ép giá vì thiếu thông tin liên lạc, cả bản, cả xã “mù tịt” về thị trường. Nhưng nay thì khác, chỉ cần nhấc ống nghe là biết rõ giá cả ở khắp mọi miền tổ quốc. Nhờ đó công việc buôn bán của tôi có phần thuận lợi hơn nhiều, bà con đỡ bị thiệt thòi” - chị Căn Ham, chủ một đại lý bán lương thực, thực phẩm cho người dân thuộc các bản làng tại xã vùng cao Tà Rụt thật thà tâm sự.
Trung tâm viễn thông Điện lực Quảng Trị cho biết: Hiện tại, ngành điện lực tỉnh đã chính thức hỗ trợ điện thoại không dây gọi trong vòng bán kính 10km cho người dân xã Tà Rụt. Trong thời gian tới, Điện lực Quảng Trị tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng ở nhiều xã miền núi của 2 huyện Hướng Hoá, Đakrông. Trong năm 2008 này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 trạm VTS ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông), Hướng Phùng, Hướng Tân (huyện Hướng Hoá) với tổng trị giá trên 6,5 tỷ đồng. Trước đó, Điện lực Quảng Trị cũng đã đầu tư các trạm VTS ở xã Tà Rụt, Hướng Hiệp (huyện Đakrông), Tân Long (huyện Hướng Hoá)...
“Khi nào các nhà báo muốn hỏi thăm người dân trên bản “ni” thì không cần phải cất công đi xe máy hàng chục kilômét cho thêm phần vất vả. Chỉ cần ngồi ở thị xã Đông Hà bấm số rồi cầm ống nghe là người dân bản của xã Tà Rụt sẽ trả lời... “A lô “miềng” xin nghe!” – chị Căn Ham nói khi chia tay chúng tôi.
Theo Ictnews