Tại Hội nghị Viễn thông Quốc tế 2008 kết thúc chiều nay tại Hà Nội, hầu hết các diễn giả đã tập trung vào vấn đề cơ hội, thách thức và phương pháp triển khai mạng di động 3G với khẳng định đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam triển khai 3G.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng nói Hội nghị này là diễn đàn để các nhà khai thác và nhà cung cấp dịch vụ trong nước, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm WiMAX di động cho các doanh nghiệp và dự kiến cuối năm nay, Bộ sẽ tiến hành cấp phép triển khai công nghệ thông tin di động 3G trong băng tần số 1900 - 2100 MHz.
So với vài năm trước đây, nhiều diễn giả quốc tế cho rằng cơ hội phát triển 3G đã lớn hơn rất nhiều với thiết bị đầu cuối, công nghệ phong phú hơn, chi phí thấp hơn. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh cả 3G và WiMAX.
Ông Jean Pierre Benaime, Chủ tịch Diễn đàn UMTS (Hệ thống viễn thông di động toàn cầu) nói hiện trên thế giới đã có 350 triệu thuê bao 3G. Và “Tôi nhìn thấy sự sẵn sàng cho 3G ở Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ này”, ông Jean Pierre Benaime nói.
Hiện trên thế giới số lượng thuê bao 3G đã vượt qua con số 5%. Điều này đang đảm bảo yếu tố thị trường cho công nghệ này phát triển. Các chuyên gia cho rằng, thời kỳ đầu các nhà khai thác mạng 3G đã phải trả giá vì họ phải bỏ số tiền quá lớn để đấu giá giấy phép. Trong khi đó các điều kiện như máy đầu cuối của 3G quá ít. Tuy nhiên, thời điểm này các yếu tố hội tụ cho 3G phát triển đã tương đối đầy đủ và Việt Nam đang được hưởng lợi với triết lý “người đi sau”.
Trong bài thuyết trình của mình, ông Marc Fossier Phó chủ tịch của Tập đoàn Orange France Telecom cho rằng các nhân tốc cần thiết để triển khai 3G như máy đầu cuối đã rất phong phú với giá cả hợp lý và dễ sử dụng. Hơn nữa, công nghệ này đã hoàn thiện để đạt tốc độ di động băng thông rộng với tốc độ tải dữ liệu đạt từ 3 – đến 7 Mbps.
“3G cần được triển khai từng bước một. Điều này sẽ cho phép các mạng di động đầu tư hợp lý và đảm bảo cho họ có thời gian xây dựng mạng lưới và phát triển thị trường. Tôi cho rằng, 3G sẽ được triển khai tốt nhất khi họ có kinh nghiệm về 2G. Nếu như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ có thể tái sử dụng hạ tầng của 2G và khách hàng có thể sử dụng đồng thời cả 2G và 3G”, ông Marc Fossier nói.
Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông cao nhất thế giới. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến hết tháng 5/2008, mật độ điện thoại trung bình của cả nước đã đạt 67 máy/100 dân với tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng là 58 triệu.
Toàn quốc có gần 6 triệu thuê bao Internet quy đổi với gần 19,5 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ 23% dân số sử dụng Internet. Cho tới thời điểm này, tổng số thuê bao di động của Việt Nam đã trên 48 triệu thuê bao.
Hội nghị Viễn thông quốc tế 2008 (Vietnam Telecoms International Summit) diễn ra trong hai ngày 12 – 13/6/2008. Tham gia Hội nghị có khoảng 250 đại biểu đến từ 15 quốc gia, trong đó có đại diện của các tập đoàn viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới và khu vực như; Vimpelcom (Nga), SK Telecom (Hàn Quốc), China Netcom (Trung Quốc), PCCW (Hong Kong), Orange (Pháp), Vodafone (Anh).
Theo Ictnews