Ông Marko Lius, phụ trách Marketing Công nghệ và Giải pháp Nokia Siemens châu Á - Thái Bình Dương trong một trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Việt Nam gần đây tại Hà Nội cho biết Giải pháp kết nối làng xã (Village Connection) của hãng sẽ giúp dân làng kết nối thoải mái mà giá cước dịch vụ rất rẻ.
Đây là một giải pháp dành cho thị trường có tỷ lệ doanh thu bình quân trên một thuê bao thấp. Ông Lius cho hay hiện giải pháp này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm với vài chục nhà khai thác trên thế giới.
“Khi triển khai thử nghiệm với các nhà khai thác này, chúng tôi thấy rằng về mặt kỹ thuật rất ổn định nhưng lại vướng mắc ở vấn đề pháp lý”, ông Lius nói.
Theo giải thích của ông Lius với ví dụ mạng Vinaphone muốn phủ sóng đến một làng nào đó, họ phải lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS), chi phí hàng trăm nghìn USD. Nhưng với giải pháp kết nối làng xã, một ai đó trong làng xã có thể mua thiết bị kết nối làng xã và ký hợp đồng với mạng Vinaphone để phủ sóng trong làng xã và bán lại dịch vụ của mạng này. Nhà đầu tư này có thể bán simcard cho người trong làng như nhà cung cấp dịch vụ.
“Đây là mô hình kinh doanh mới, nhưng nó vẫn chưa được chấp nhận ở một số quốc gia vì tài nguyên tần số được cấp cho nhà khai thác viễn thông chứ không phải nhà đầu tư giải pháp này", ông Lius nói, và cho biết thêm ở một số quốc gia, vấn đề này được hóa giải bằng cách nhà cung cấp dịch vụ thuê lại hệ thống kết nối làng xã của nhà đầu tư để liên kết cung cấp dịch vụ.
Hiện Nokia Siemens chưa tiếp xúc với các nhà khai thác viễn thông Việt Nam để triển khai giải pháp này. Tuy nhiên, ông Lius tin các nhà khai thác viễn thông Việt Nam sẽ rất quan tâm đến giải pháp này “bởi đây là giải pháp phù hợp cho khu vực có thu nhập thấp để cung cấp dịch vụ đến những vùng nông thôn của Việt Nam”. Nokia Siemens Networks cũng mong muốn sẽ thử nghiệm giải pháp này ở Việt Nam. Nếu việc thử nghiệm thuận lợi sẽ xây dựng được mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam.
Theo ông Lius, nếu Việt Nam triển khai mô hình này, có thể những thuê bao trong làng có thể gọi nội bộ trong làng xã thoải mái với chi phí khoảng vài chục nghìn đồng đồng/tháng. Còn những cuộc gọi ra mạng khác hay ra ngoài phạm vi làng xã thì sẽ theo mức cước của mạng di động đưa ra. Nếu triển khai mô hình này thì những người đi ra khỏi làng xã để làm ăn sẽ gọi điện về cho gia đình và như vậy nó sẽ tăng doanh thu cho nhà khai thác mạng di động.
Mặc dù theo Nokia Siemens Networks, chi phí cho giải pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí về đường truyền - nếu nhà đầu tư phải thuê kết nối bằng viba sẽ có giá rất cao. Song ông Lius khẳng định rằng giải pháp này sẽ rẻ hơn giải pháp lắp đặt trạm BTS rất nhiều vì nhà đầu tư chỉ cần mua một máy vi tính, một máy phát vô tuyến và cột ăng ten cao khoảng 1m.
Vùng phủ của hệ thống này có bán kính khoảng 2 km đến 3 km. Nếu như với giải pháp BTS truyền thống khi cuộc gọi nội bộ trong làng xã này thì sẽ phải chuyển qua tổng đài chuyển mạch MSC sau đó mới quay về thuê bao trong làng sẽ tốn kém chi phí đường truyền. Nhưng với giải pháp kết nối làng xã, các cuộc gọi nội bộ trong làng sẽ được chuyển mạch qua ngay hệ thống kết nối làng xã nên sẽ tiết kiệm được chi phí đường truyền. Hiện một số nước như Ấn Độ, Indonesia, châu phi… đã triển khai giải pháp này với giá cước rất rẻ.
Giải pháp Kết nối làng xã bao gồm các điểm truy cập GSM tại các làng xã và một trung tâm truy cập vùng. Một xã có thể có một module điểm truy cập bao gồm GSM vô tuyến, nguồn điện và phần cứng và phần mềm.
Hiện phiên bản đầu tiên của giải pháp làng xã mới chỉ cung cấp dịch vụ thoại trên mạng GSM, nhưng sắp tới giải pháp này có thể cung cấp cả dịch vụ thoại lẫn Internet cho khách hàng.
Theo Ictnews