Ngày 6/6/2008, Tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về thông tin vô tuyến và quản lý tần số VTĐ. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và PTTH cũng như các công ty cung cấp thiết bị và mạng lưới tại Việt Nam
Khi nói về những công nghệ và dịch vụ vô tuyến mới, không ai quên nói về giá trị của tài nguyên tần số và cách thức sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Đối với các nhà khai thác và các hãng sản xuất thiết bị, tần số chưa bao giờ thôi là mối bận tâm hàng đầu. Bởi để có một mạng lưới hoạt động, điều đầu tiên là phải có tần số. Tần số được coi như là một trong số nguồn đầu tư hữu hiệu nhất của doanh nghiệp.
Vì vậy, Hội thảo về tần số do Cục Tần số VTĐ tổ chức lần này có đủ mặt các hãng lớn và các nhà khai thác của Việt Nam. Nội dung được các hãng lớn như Rohde & Schwarz, Motorola, Huawei, Qualcomm, SKT… trình bày. Các nhà khai thác cả trong nước và nước ngoài cũng tham gia bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý về sử dụng hiệu quả tần số cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài các nội dung trình bày phong phú và đa dạng về 3G, Wimax, truyền hình số di động, dịch vụ qua vệ tinh. Hãng Rohde and Schwarz đã giới thiệu các thiết bị đo kiểm chuyên dụng của mình.
Một số quan điểm về 3G đưa ra tại Hội thảo là: 3G là kỷ nguyên của Internet; 3G trước hết sẽ chủ yếu nâng cao chất lượng của 2G như thoại , SMS và tải nhạc là chính. Những dịch vụ cao cấp khác sẽ chiếm phần nhỏ và sẽ chưa đạt đến mức như người ta mong đợi. Huawei là hãng sản xuất thiết bị có tốc độ phát triển khá nhanh với hơn 40% nhà khai thác 3G trên thế giới sử dụng thiết bị của hãng.
Motorola tập trung thúc đẩy cho Wimax, Ông Ray Owen, Giám đốc Motorola Việt Nam, tính kinh tế quy mô của Wimax là tự nhiên thông qua việc các hãng sản xuất như Intel sẽ nhúng chip Wimax vào các thiết bị điện tử dù người sử dụng muốn hay không. Điều này tương tự như việc nhúng wifi trước đây. Wimax sẽ được dùng để cải thiện mật độ băng rộng DSL hiện đang gặp khó khăn về triển khai ở các thành phố lớn do cơ sở hạ tầng chật chội và giá thành cáp đồng tăng cao.
Hội thảo đã có phần thảo luận sôi nổi giữa các hãng công ty trình bày và người tham dự. Các câu hỏi tập trung chủ yếu vào việc triển khai thông tin băng rộng ở Việt Nam:
Khi nào nên triển khai băng rộng ở Việt Nam;
Các ý kiến đều cho rằng nên triển khai băng rộng càng sớm càng tốt, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng hữu tuyến của Việt Nam chưa đủ lớn và hiện gặp khó khăn trong phát triển. Đây chính là thời điểm hợp lý vì các điều kiện của Việt Nam đã đủ chín muồi.
Nếu một nhà khai thác đã có giấy phép 3G thì có được sử dụng Wimax nữa không;
Các hãng cung cấp thiết bị Huawei và Motorola đều cho rằng mỗi công nghệ có một phân đoạn thị trường riêng, các công nghệ có thể bổ sung cho nhau. Cả hai hãng này đều hỗ trợ và cung cấp cả thiết bị Wimax lẫn 3G.
Đặc biệt, với việc phóng thành công vệ tinh Vinasat, tại Hội thảo, lần đầu tiên chiến lược và dịch vụ kinh doanh Vinasat đã được trình bày. Việc đăng ký tần số và phối hợp vị trí quỹ đạo vệ tinh cho Vinasat đã được Cục Tần số VTĐ bền bỉ theo đuổi trong nhiều năm và đạt được kết quả tốt đẹp – bảo vệ thành công chủ quyền của Việt Nam về tần số và vị trí quỹ đạo vệ tinh.
Trả lời câu hỏi về mục tiêu của Hội thảo, Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện phát biểu: “Các nhà khai thác sẽ là người quyết định hướng đi của công nghệ thông qua sự lựa chọn của mình.
Cơ quan quản lý nhà nước về tần số, với vai trò quản lý, mong muốn là cầu nối giữa các nhà khai thác với các hãng sản xuất cung cấp thiết bị để trao đổi và chia sẻ các góc nhìn khác nhau và thực tế về công nghệ dịch vụ.
Theo chúng tôi, việc chia sẻ này sẽ giúp các nhà khai thác có được thông tin đa chiều, hy vọng giúp cho sự lựa chọn hiệu quả hơn, đem lại lợi ích tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ và sự phát triển của các công ty, cũng là sự phát triển của nền kinh tế nói chung.”
Theo Dân trí