Liên Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp, Bộ KHCN, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành thông tư liên tịch (số 01/2008 TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ra ngày 29/2/2008) hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm. Theo quy định hiện hành, bản quyền phần mềm được xếp vào bản quyền tác phẩm nghệ thuật.
Theo nội dung thông tư, những hành vi xâm phạm bản quyền tác giả hoặc quyền liên quan có giá trị từ 50 đến dưới 150 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 50 đến dưới 150 triệu đồng bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và có thể bị truy cứu hình sự.
Mức vi phạm gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 150 triệu đồng đến dưới 450 triệu đồng, hoặc có trị giá từ 150 đến dưới 500 triệu đồng, hoặc thu được lợi nhuận 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng từ vi phạm bản quyền bị xem là “gây hiệu quả rất nghiêm trọng” và cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những hành vi vi phạm quyền tác giả gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác trên 450 triệu đồng, có giá trị trên 500 triệu đồng hoặc thu được lợi nhuận từ trên 100 triệu đồng bị xem là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Sau thông tư này, Liên Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp, Bộ KHCN, Tòa án Nhân dân Tối cao, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra tiếp thông tư hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Pháp lệnh sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/8/2008 sẽ tăng mức phạt tối đa về vi phạm bản quyền tác giả lên tới 500 triệu đồng.
Quá nặng?
Ông Nguyễn Hoàn Thành, công ty Luật Phạm và Liên danh nhận định những quy định xử lý hình sự trong thông tư này là quá nặng. Theo ông, nếu áp đúng các quy định trong thông tư này, hầu như 100% doanh nghiệp và tổ chức có thể bị xử lý hình sự nếu bị cơ quan chức năng “sờ” tới.
Với việc xuất hiện thông tư này, ông Thành dự báo “sắp tới sẽ có một loạt vụ vi phạm bản quyền được đưa ra tòa để tạo răn đe. Đối tượng bị nhắm đến đầu tiên là các công ty kinh doanh máy tính và các công ty bán đĩa phần mềm lậu”. Bên cạnh đó, theo ông Thành, mức phạt hành chính tối đa tới 500 triệu đồng theo quy định mới là sự răn đe đáng kể, nhất là với tổ chức nhỏ và có thể các hãng phần mềm như Microsoft cũng sẽ đưa ra tòa một số công ty sử dụng phần mềm lậu để đòi bồi thường.
Trong năm 2007, thanh tra liên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an đã phát hiện 11 vụ vi phạm bản quyền phần mềm, hầu hết các vụ vi phạm này có mức thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo ông Thành, việc xử lý vi phạm bản quyền ở Việt Nam cần có lộ trình. Nếu làm mạnh có thể ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT, bởi trong điều kiện hiện tại không phải ai cũng có khả năng trả tiền bản quyền. Việc Chính phủ Việt Nam làm gương trong việc hợp thức hóa bản quyền phần mềm là hướng đi đúng.
Theo Ictnews