Gặp Phan Tuấn Đạt, chủ nhân của website Tiền Giang Ngày Nay trong những ngày trời Sài Gòn đang trở nên nóng bức và ồn ào hơn bao giờ hết, tôi thấy đôi mắt của anh sáng lên những niềm vui. Chưa kịp ngồi vào chỗ, anh đã xởi lởi lấy 2 quyển “Địa chí Tiền Giang” ra khoe một cách hồ hởi, giọng không giấu nổi vẻ xúc động: “Đạt đã đi tìm hơn 2 năm đó, giờ mới tìm được ... có nó thì an tâm rồi ...”
|
Tuấn Đạt, chủ nhân của “Bách khoa toàn thư” online của tỉnh Tiền Giang. |
Tôi ngạc nhiên vô cùng, sách này có gì mà làm anh hạnh phúc như thế, hóa ra anh muốn có những thông tin chính thống về quê mình nhưng bây giờ mới tìm được “người iu”. Cũng lạ thật, một trang web với khối lượng thông tin đồ sộ thuộc hạng nhất nhì khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và được giới cư dân mạng xem là “Bách khoa toàn thư” online của tỉnh Tiền Giang như vậy lại do một mình anh “đơn thân độc mã” cặm cụi góp nhặt, xây dựng trong hơn 3 năm qua.
Bước khởi đầu chập chững
Kể từ 2005 đến nay, chàng kỹ sư trẻ tuổi Phan Tuấn Đạt quê ở Cai Lậy, Tiền Giang, đã để dành từng đồng lương ít ỏi của mình để mày mò học hỏi kiến thức về web. Đó là những đêm miệt mài bên máy tính để upload dữ liệu, là những ngày lê la hết tất cả những nhà sách để tìm thông tin.
Và đến đầu tháng 1 năm 2005 trang web www.tiengiangonline.com ra đời trong sự háo hức và chào đón nồng nhiệt của cư dân mạng. Qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và cố gắng không ngừng đến ngày 14/2/2008, trang web này được đổi tên miền mới thành www.tiengiang.vn, tên miền trùng với tên tỉnh Tiền Giang, dễ nhớ và đậm nét Việt.
Chưa dừng lại ở đó, anh còn xây dựng thêm trang tin bằng tiếng Anh và đăng ký thêm tên miền www.tiengiang.asia với ước mơ không chỉ quảng bá thương hiệu Tiền Giang trong nước mà còn giới thiệu cho các bạn bè năm châu biết đến quê mình. Với quyết tâm đó trong thời gian không xa Tiền Giang Ngày Nay sẽ có thêm các trang tin bằng tiếng Pháp, Đức, Hoa, Nhật, Hàn, Nga.
Để duy trì website, mỗi năm anh bỏ tiền túi ra gần 20 triệu để bảo trì server, thuê hosting. Tuy vậy, anh lại không hề thu bất kỳ khoản phí nào từ quảng cáo. Anh chia sẻ “Mình sẽ đăng quảng cáo logo hoàn toàn miễn phí cho những tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh và những doanh nghiệp đang đầu tư tại Tiền Giang ...” Ngoài ra, mỗi năm anh cũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng với Tiền Giang Ngày Nay giúp đỡ những người dân trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn.
"Làm được gì thì làm thôi…"
Hiện nay, khá nhiều bạn trẻ 8X, 9X thờ ơ với sự phát triển của quê hương. Đa số website cá nhân mang đậm tính giải trí; các website của tổ chức thì khô cứng về nội dung. Chính những yếu tố này làm cho các bạn trẻ hầu như không hứng thú tiếp cận thông tin từ đây, trong khi chính họ là đội ngũ kế cận xây dựng và phát triển đất nước.
|
Trong thời gian tới, Tiền Giang Ngày Nay sẽ có thêm các trang tin bằng tiếng Pháp, Đức, Hoa, Nhật, Hàn, Nga... |
Trao đổi điều này với anh, anh cười hiền lành: “Mình muốn trang web là nơi tập hợp, cập nhật thông tin đầy đủ, nhanh nhất để qua đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Trang web phải là một sân chơi để nối kết những bạn trẻ có tâm huyết với quê hương trao đổi và chia sẻ. Đó là những hoài bão từ khi Đạt nuôi ý định lập web đến bây giờ. Mình là thế hệ trẻ mà,... làm được gì thì làm thôi...”
Khơi dậy lòng yêu quê của nhiều người
Truy cập vào www.tiengiang.vn, sự khác biệt rõ rệt so với các trang web khác, chính là màu xanh dương nền nã, nhẹ nhàng, tươi sáng đậm chất miền Tây sông nước, bố cục trang tin khoa học, thông tin toàn diện.
Vì lẽ đó mà tuy mới thành lập nhưng số lượng thành viên đã tăng nhanh, các chủ đề trong diễn đàn được tranh luận sôi nổi. Nhiều người con Tiền Giang xa quê và ở hải ngoại viết thư về chia sẻ và động viên. “Đó là món quà rất lớn đối với Đạt”, anh hạnh phúc tâm sự, có lẽ vì thế mà dù công việc bận đến ngập đầu, hàng đêm anh vẫn online để cóp nhặt, viết tin cho web. Hành động ý nghĩa của chàng trai Tiền Giang yêu quê hương không những để lại nhiều ấn tượng, tình cảm quí mến với những người con sông Tiền trong cả nước và nước ngoài, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, nhà đầu tư mà qua đó còn khơi dậy lòng yêu quê hương của biết bao người con của những tỉnh thành khác.
Chắc chắn một ngày không xa, không chỉ có www.binhthuantoday.com, www.tanhlinh.com hay www.tiengiang.vn nữa mà sẽ có thật nhiều những website vể những vùng miền khác nữa.
Theo VTC