Theo đó, các cơ quan và tổ chức trực thuộc Chính phủ Việt Nam và các trường đại học sẽ sử dụng cổng thông tin tương tác trực tuyến này để xây dựng các chương trình đào tạo về Quản lý Kĩ thuật Khoa học Dịch vụ (SSME – Service Science, Management and Engineering). Đây là một chương trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học tích hợp các lĩnh vực như khoa học máy tính, kĩ thuật, khoa học quản lý, chiến lược kinh doanh và khoa học xã hội.
Ngoài ra, cũng trong hôm nay, IBM và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kí kết một Biên bản Ghi nhớ về việc kết hợp thực hiện giảng dạy và phổ biến SSME và Chương trình Dịch vụ Công nghệ Thông tin (CNTT) (ITSC – IT Service Curriculum) cho các đối tượng sinh viên và chuyên gia CNTT. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng nền tảng tương tác trực tuyến được đưa vào sử dụng trong giáo dục và đào tạo chương trình SSME và ITSC. Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên trong cả nước sẽ thực hiện chương trình này với sự hỗ trợ của IBM. Chương trình giảng dạy nhấn mạnh vào các môn học ITSC nhằm đào tạo sinh viên và các chuyên gia tích cực sử dụng công nghệ trong ngành dịch vụ và quản lý tài nguyên nhân lực, tài sản cũng như các quy trình dịch vụ.
Để xây dựng và duy trì một lực lượng nhân lực CNTT có kĩ năng cao và khả năng cạnh tranh lớn, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch thực hiện các chương trình đào tạo nêu trên ở quy mô toàn quốc với sự kết hợp thực hiện và hỗ trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin Truyền thông. Các chương trình này sẽ bao gồm các các khóa học về Dịch vụ CNTT, cung cấp các công cụ phần mềm miễn phí và các nghiên cứu kinh doanh điển hình có quy mô và nội dụng sát thực.
Đào tạo nhân lực tại chỗ về kiến thức và kĩ năng kĩ thuật và kinh doanh đồng thời luôn là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Tháng 2 năm nay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã gặp và thảo luận về việc đào tạo các kĩ năng cần thiết cho nguồn nhân lực CNTT Việt Nam với Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc Điều hành IBM Sam Palmisano.
Phó Giáo sư Lê Quang Minh, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh rất phấn khởi là trường đầu tiên thực hiện 2 chương trình SSME và ITSC của IBM, đồng thời về việc sử dụng Cổng Đối mới Sáng tạo để kết hợp một cách cới mở và xây dựng với các trường đại học và các viện nghiên cứu trên khắp thế giới. Chúng tôi rất mong muốn đào tạo được các kĩ năng quan trọng cho sinh viên khi sử dụng Cổng Đổi mới Sáng tạo để thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo trong ngành CNTT nói riêng và cho thị trường CNTT nói chung. 2 chương trình này được bắt đầu ở các trường đại học, nhưng chắc chắn sẽ được nhân rộng ra cả nước.”
Khi sử dụng Cổng Đổi mới Sáng tạo làm nền công nghệ mở để phát triển và chia sẻ kinh nghiệm và chương trình giảng dạy quản lý dịch vụ, các trường đại học sẽ được truy nhập vào một kho tài liệu giảng dạy vô cùng phong phú. Giảng viên và học viên có thể truy nhập các khóa học trực tuyến ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Không chỉ hỗ trợ việc dạy và học, cổng này còn hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các cộng đồng học thuật và kinh doanh để phát triển các dịch vụ mới ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Willy Chiu, Phó Chủ tịch Nhóm Giải pháp Công nghệ Cao của IBM (IBM High Performance On Demand Solutions – HiPODS) phát biểu: “Cổng Đổi mới Sáng tạo và các chương trình trong khuôn khổ SSME giúp đẩy nhanh lịch trình phát triển công nghệ và kinh tế của Việt Nam bằng việc mở ra các cơ hội cho nguồn nhân lực Việt Nam phát triển và tương tác số với thế giới. Khi thực hiện ở phạm vi rộng khắp, các nguồn dữ liệu sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh nổi bật trên thị trường CNTT toàn cầu”. Ông Chiu nói thêm: “Đây là một ví dụ điển hình của việc khai thác hiệu quả hạ tầng trung tâm dữ liệu doanh nghiệp mới để hỗ trợ các giao dịch web có dung lượng cực lớn.”
Theo Hà nội mới