Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/05/2008
Tương lai của HDTV

TV mỏng hơn, bóng bẩy hơn và kết nối tốt hơn đã xuất hiện. Tuy nhiên, bạn đừng hy vọng giá của chúng sẽ giảm nhanh.

Năm năm trước, TV màn hình phẳng khiến người ta phải trầm trồ và TV độ nét cao là “của hiếm”. Ngày nay, ở Mỹ, mới chỉ khoảng 20% hộ gia đình có HDTV màn hình phẳng, nhưng điều này cũng đủ để người ta không còn đề cao HDTV nữa. Vậy HDTV sẽ còn tiến đến đâu?

Dần dần, HDTV cải thiện độ nét hình ảnh lẫn kích thước màn hình. Các chuyên gia cho rằng trường hợp của HDTV rất giống với PC, nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi sẽ có cái tốt hơn xuất hiện.

Tuy vậy, bước đi tiếp theo của HDTV không phải là công nghệ cho nó nữa mà là trải nghiệm khi xem phim; điều này khiến các nhà thiết kế phải nghiên cứu “gia vị” cho nó như kiểu dáng, tính dễ sử dụng và tích hợp âm thanh. Kết quả là bạn không chỉ thích chiếc TV mà còn tận hưởng cả nội dung nó hiển thị.

Kiểu dáng “lên ngôi”

Sau khi iPhone xuất hiện, ngành công nghiệp thiết kế trở thành “ông hoàng”, nhà sản xuất TV đang đặc biệt chú ý đến kiểu dáng sản phẩm và tích hợp phần mềm với phần cứng.

TV HP SL4278N 42” có cổng
ethernet phía sau giúp truy cập
đa phương tiện trên TV qua mạng
gia đình.

Một chuyên gia cho biết người dùng muốn tìm một đặc điểm độc đáo nào đó. Ta thấy rõ điều này trên MTXT, trên ĐTDĐ và bây giờ người dùng muốn thấy một thiết kế độc đáo cho TV.

Giống như ĐTDĐ, máy ảnh số và MTXT đưa ra 1 model với nhiều màu khác nhau, TV cũng vậy, cũng có nhiều màu khác nhau ngoài màu đen truyền thống. Các nhà sản xuất cũng có xu hướng chú trọng đến từng chi tiết nhỏ trong các loại màn hình kích thước nhỏ hơn. Chẳng hạn như LG Electronics vừa giới thiệu TV cách điệu về màu và kiểu dáng. Chiếc LG40 32” nhấn những điểm như bệ màn hình cong và viền đỏ bên dưới phía trước; mặt sau cũng màu đỏ và bạn có thể thấy những ánh màu lấp lánh từ cạnh bên và phía trước.

Năm nay, điểm nhấn mạnh nhất là độ mỏng. Hitachi, JVC và LG đều đã cho ra những chiếc TV mỏng từ 1,5” cho đến 1,7”. Chế tạo TV mỏng như thế là cả một thách thức công nghệ. Ví dụ, LG có được TV dày 1,7” là nhờ vẽ lại bản mạch của các module LCD và thiết kế lại vỏ TV để loại bỏ khoảng không thừa. Thậm chí sắp đến, bạn sẽ còn thấy những chiếc TV mỏng hơn nữa. Năm sau, nhà máy mới nhất của Sharp bắt đầu sản xuất hàng loạt và có khả năng sản xuất panel màn hình 60” siêu mỏng.

Năm nay, dù TV ngày càng mỏng, nhưng các nhà sản xuất vẫn đưa thêm tính năng mới cho chúng, trong đó đi đầu là cải thiện chất lượng âm thanh. Hàng loạt công ty (gồm Panasonic, Philips, Samsung, Sharp và Westinghouse) đều đã chuyển vị trí loa từ phía trước ra sau, mà theo các chuyên gia nhằm giúp âm thanh dàn trải hơn. Trong mẫu TV mới nhất, LG bố trí loa ẩn vào trong vỏ máy, giúp cạnh trước màn hình “mượt” hơn. JVC cũng tung ra hàng loạt mẫu sản phẩm tích hợp có thể dùng chung với iPod (như đế cắm cho iPod), cho bạn tải nhạc và video từ iPod lên TV.

Khả năng kết nối là ðiều khả thi. Ví dụ, Aquos Net, dịch vụ mới
của Sharp, giúp ngýời dùng nhận nội dung Web trên TV.

Năm nay cũng là năm cất cánh của tính năng kết nối TV với mạng gia đình để bạn có thể xem phim ảnh từ mạng. Năm ngoái, Hewlett-Packard và Sony dẫn đầu xu hướng này và Pioneer có vài model TV đáp ứng đúng chuẩn Digital Living Network Alliance (DLNA), giúp TV tương thích với những thiết bị DLNA khác như PC, máy chơi game và những thiết bị lưu trữ mạng trong nhà. HP cài sẵn Windows Media Center Extender trong tất cả TV của hãng sản xuất trong năm 2008, giúp truy cập nhạc, phim chứa trên PC qua mạng gia đình. Cuối năm nay, Sony sẽ hỗ trợ thêm các tùy chọn DMeX (Digital Media Extender) cho TV của hãng để chúng tương tác với những mạng tương thích DLNA.

Kết nối Internet cho TV cũng được nhiều hãng tính đến. Tại triển lãm CES tháng Giêng vừa qua, Sharp giới thiệu HDTV dùng dịch vụ Aquos Net của hãng (để tải được nội dung trên web); Panasonic đưa ra dịch vụ VieraCast (để xem video YouTube và truy cập hình ảnh qua website chia sẻ hình ảnh Picasa của Google); và Samsung trưng bày TV có thể nhận tin RSS của tạp chí USA Today. Tất cả sản phẩm trên đều sẽ có mặt trên thị trường trong năm nay.

Vì con người luôn muốn những thứ mới lạ nên vài hướng phát triển này nay mai có thể nhanh chóng lỗi thời. Thách thức dành cho nhà sản xuất là phải tìm ra được thế cân bằng hợp lý giữa những tính năng tiên tiến và giá cả trên thị trường cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tại, các nhà sản xuất đang thăm dò thị trường. Nhiều nhà sản xuất đang do dự trong việc tích hợp những chức năng mà họ không chắc sẽ phổ biến. Hậu quả của việc đón chệch hướng rất dễ thấy: tăng giá TV để thêm vào những chức năng mới mà không ai cần đến là lãng phí tiền bạc của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

LCD và Plasma - công nghệ phía trước

Độ phân giải vẫn đang là mặt cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất TV độ nét cao. Những năm trước, độ phân giải chuẩn là 720p. Năm nay, độ phân giải lên đến 1080p, là mức tối đa cho HDTV. Trong số màn hình LCD có độ sáng “nhỉnh” hơn plasma thì phần lớn LCD 720p bán ra trong năm nay sẽ có màn hình nhỏ hơn (tối đa 37”) và bán với mức giá ”mềm”. Trong các loại TV plasma (có độ tương phản cao và màn hình lớn hơn LCD) thì người dùng có nhiều lựa chọn 1080p hơn bao giờ hết. Đến năm sau, các TV Plasma gần như sẽ đạt được độ phân giải này; Pioneer tuyên bố sẽ ngưng sản xuất màn hình 720p vào năm 2009. Tuy nhiên trước mắt, màn hình LCD kích thước nhỏ và cơ bản từ 20” đến 32” sẽ tiếp tục hỗ trợ độ phân giải 720p (không lời nhiều so với độ phân giải 1080p).

Những cải tiến công nghệ khác cũng đang dần xuất hiện. Công nghệ 120Hz của TV LCD giúp hiển thị tốt hơn chuyển động nhanh (như các cảnh hành động và thể thao) trong năm nay sẽ chuyển xuống sản phẩm tầm trung.

Theo LG, năm ngoái TV sản xuất theo công nghệ 120Hz có giá cao hơn từ 500-600USD so với TV không có công nghệ này. Tuy nhiên năm nay, mức chênh lệch chỉ còn khoảng 200-300USD, và đến năm sau sẽ còn rất ít hoặc không còn chênh lệch nữa.

Cũng giống ÐTDÐ, TV thoát ra khỏi màu ðen cõ bản,
nhý TV LG40 (trái) và LG60 của LG Electronics.

Hiện công nghệ 120Hz ngày càng phổ biến, các nhà sản xuất TV LCD có thể tập trung vào những đổi mới tiềm năng khác như thêm đèn nền LED cho loại TV giá rẻ. Năm ngoái Samsung cũng giới thiệu loại TV đèn nền LED có thể hiển thị được dải màu rộng hơn và độ tương phản cao hơn. Dolby là một trong số các công ty khai thác công nghệ này. Hiện màn hình đèn nền LED vẫn còn khan hiếm, một năm chỉ có từ 1 đến 2 màn hình cao cấp ứng dụng loại đèn nền này. Theo DisplaySearch, trong một hai năm tới loại màn hình này vẫn chưa kịp xuất hiện nhưng xa hơn nữa thì chắc chắn giá sẽ mềm hơn và chủng loại sẽ phong phú hơn.

Gần đây, các nhà sản xuất TV plasma cũng phác họa vài nét cho tương lai. Ví dụ, tại triển lãm CES vừa rồi, Pioneer giới thiệu 2 công nghệ hấp dẫn cho màn hình plasma: mỏng và “đen tuyền”.

“Đen tuyền” là màu của màn hình TV trước khi hiển thị hình ảnh; mọi panel TV thường vẫn phát ánh sáng nên màn hình chỉ đạt mức đen xám. Pioneer cho rằng nếu không có được nền đen hoàn toàn thì tất cả màu sắc trông như bị phai hoặc nhạt. Với công nghệ mới, nếu bạn thử trong một phòng tối hoàn toàn thì chỉ thấy video mà sẽ không thấy TV hay bất cứ ánh sáng nào phát ra từ TV; nhờ tạo được màu đen tuyền như thế nên nhà sản xuất tạo được nhiều màu sắc hơn, độ sâu và không gian màu cũng rộng hơn.

Tại triển lãm, Pioneer cũng trưng bày TV plasma mẫu chỉ dày 9mm (không có bộ bắt tín hiệu TV), tương tự như một tấm kính bình thường. Mục tiêu cuối cùng của Pioneer là tích hợp cả 2 công nghệ này để có được một thiết kế siêu mỏng.

Trong khi đó, Panasonic đang cố cải tiến khả năng phát sáng, giúp panel plasma sáng hơn, tiết kiệm điện hơn và có thể sánh ngang với độ sáng của LCD. Tại triển lãm, Panasonic cũng trưng bày chiếc TV plasma mẫu, chỉ dày 24,7mm.

OLED - vẫn còn xa xỉ

Sau nhiều năm quảng cáo rầm rộ, cuối cùng công nghệ màn hình OLED (Organic Light-Emitting Diode) cũng xuất hiện trên màn hình kích thước lớn. Tại triển lãm, Sony giới thiệu chiếc TV OLED đầu tiên dành cho người tiêu dùng. Chiếc TV XEL-1 11” cho màu sắc sinh động và độ tương phản cao trên tấm panel siêu mỏng (chỉ có 3mm), nhưng với giá 2500USD thì chiếc TV này giống hàng mẫu hơn là dành cho người tiêu dùng phổ thông. Năm tới, Sony cho biết ý định tung ra màn hình lớn hơn.

Các nhà sản xuất khác đang để mắt đến OLED nhưng chỉ có Samsung công bố kế hoạch của hãng. Cũng tại triển lãm, Samsung ra mắt 2 màn hình OLED mẫu: 14” và 31”. Tuy nhiên, cũng giống như những nhà sản xuất khác, ít nhất phải đến 2009 hãng mới tung ra thị trường loại màn hình này, khi đó chi phí sản xuất sẽ thấp hơn.

Đối với nhiều nhà sản xuất, OLED vẫn còn nằm ngoài tầm với. LG cho rằng TV OLED vẫn còn là loại hàng “quý tộc”. Các chuyên gia dự kiến công nghệ này sẽ không thể đạt đến “đỉnh cao” trong vòng 3 hay 4 năm tới.

Khi nào mua

Nếu bạn đang tìm mua một chiếc TV độ nét cao thì có một lý do nên nán lại: trong năm nay và cả năm sau, chưa có phát triển mới nào cho TV. Tuy vậy, kiểu dáng, âm thanh và độ phân giải tốt hơn sẽ là những cải tiến luôn được chào đón và chúng sẽ không làm bạn hối tiếc khi mua. Và bạn cũng đừng nên chờ giảm giá vì theo cả IDC và DisplaySearch thì giá của HDTV năm nay sẽ không rớt nhanh như năm ngoái.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0