|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chính phủ sẽ lập Ban điều hành quốc gia về đào tạo theo yêu cầu (Ảnh tư liệu). Ảnh: Thái Khang
|
Ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị đào tạo nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của bốn ngành CNTT, đóng tàu, du lịch và tài chính ngân hàng cho hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Đây là hội nghị trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.
Để giải quyết vấn đề khan kiếm nhân lực, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới Chính phủ sẽ lập Ban điều hành quốc gia về đào tạo theo yêu cầu, thành lập các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ở các địa phương, hỗ trợ các trường liên kết đào tạo với nước ngoài và có chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài giảng dạy các trường đại học. Cũng trong năm nay, Bộ Gíáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội chợ đào tạo để các cơ sở đào tạo thể hiện khả năng của mình cho doanh nghiệp biết, tiến tới hợp tác kết đào tạo theo yêu cầu.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Hà Nội và TP.HCM trong năm nay phải hoàn tất quy hoạch hệ thống giáo dục đào tạo, xây dựng đề án đào tạo cho những ngành nghề chủ chốt, lập danh sách các trường đào tạo chất lượng cao và xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo.
Riêng về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang soạn thảo một cơ chế đặc thù. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nói dự kiến, các cơ sở đào tạo sẽ được nhập khẩu giáo trình nước ngoài, tăng tỷ lệ thực hành, được hưởng ưu đãi miễn thuế như các doanh nghiệp phần mềm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh đề xuất một loạt giải pháp như ưu đãi về cấp đất cho các cơ sở đào tạo, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh nghèo học giỏi với mức hỗ trợ tối thiểu là học phí, cấp trực tiếp kinh phí cho các đối tượng chính sách để giảm gánh nặng chính sách cho các trường và xây dựng quỹ học bổng tài năng trẻ.
Hiện nay, các doanh nghiệp phần mềm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm tiếp 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Doanh nghiệp phần mềm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, người lao động trực tiếp được hưởng thuế thu nhập như mức dành cho người nước ngoài.
Tại buổi hội nghị trực tuyến, lãnh đạo cả hai thành phố đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều phản ánh thực tế thiếu nhân lực CNTT.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ nay đến năm 2010, TP.HCM sẽ cần khoảng 30 nghìn nhân lực CNTT mỗi năm. Nhưng hiện nay mỗi năm thành phố chỉ đào tạo chưa được một nửa nhu cầu, khoảng 11 nghìn. Vì vậy, nếu không có chính sách đột phá về phát triển đào tạo CNTT, mỗi năm TP.HCM sẽ thiếu khoảng 20 nghìn kỹ sư CNTT.
Còn ở Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói Hà Nội cũng rất khan hiếm nhân lực CNTT do dòng vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu sử dụng công nghệ cao) đang tăng rất mạnh.
Dưới góc độ cơ sở đào tạo, một đại diện đã lên tiếng về những khó khăn của mình. Ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói ngoài vấn đề chương trình đào tạo thiếu cập nhật, chất lượng nhân lực kém còn do các trường thiếu tiền đầu tư thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy. Cụ thể, ĐH Công nghiệp Hà Nội mỗi năm chỉ được cấp khoảng 13 tỷ đồng, trong đó mất 1 tỷ cho chương trình mục tiêu và 8 tỷ đồng cho việc giảm học phí, trợ cấp học bổng theo chính sách. 4 tỷ đồng còn lại chỉ đủ trả lương cho cán bộ công chức của trường trong 2 tháng.
Theo Ictnews