Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị truyền hình trực tuyến về triển khai đào tạo nhân lực theo nhu cầu các ngành công nghệ thông tin, du lịch, đóng tàu, tài chính-ngân hàng và thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/4. Đại diện của hơn 30 trường Cao đẳng, Đại học; gần 50 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã tham dự hội nghị.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao
Hầu hết các doanh nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng, việc tuyển nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao ở các trình độ chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, hiện nay, nhu cầu về nhân lực hàng năm của Hà Nội rất lớn. Trong năm 2007, khảo sát 8,5% số doanh nghiệp cho thấy số lao động tuyển mới là hơn 30.000 người. Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, số tuyển dụng năm 2007 của Hà Nội tăng gần 200% so với năm 2006. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt nên đã xảy ra tranh chấp nhân lực, "chảy máu chất xám" ở nhiều doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực du lịch, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu nhân sự, nhất là các vị trí cao cấp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thiếu trầm trọng nguồn lao động có trình độ chuyên môn ở hầu hết các ngành, do chỉ có 50% lao động mới qua đào tạo. "Đây là một thách thức của thành phố trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại, tài chính-ngân hàng, công nghệ thông tin và công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, nông nghiệp chất lượng cao...", ông Nguyễn Thành Tài cho biết.
Đào tạo theo nhu cầu là con đường nhanh nhất để nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ quá trình đào tạo, như xây dựng nội dung, giảng dạy, đánh giá chất lượng giảng dạy hay ký hợp đồng liên kết đào tạo, nhận thực tập, cung cấp thiết bị cho nhà trường... đều nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính doanh nghiệp.
Ông Trần Hồng Việt, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Tourist đề nghị các trường nên sớm phối hợp đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt là đào tạo về quản lý, trong đó có các chức danh giám đốc, phó giám đốc.
Ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đề nghị, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và cần có những quy định cụ thể. Sinh viên ra trường muốn được các doanh nghiệp nhận vào làm việc trước hết phải đáp ứng 4 yêu cầu chính: có ý thức tổ chức kỷ luật; có chuyên môn, trình độ nghề nghiệp cao, được đào tạo kỹ năng thực hành tốt; có năng lực hợp tác, sáng tạo, khả năng giao tiếp và có sức khỏe. Đây cũng là kinh nghiệm đào tạo của Đại học Công nghiệp Hà Nội, một trường đã liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đưa sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc và được doanh nghiệp nước bạn đánh giá cao.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh xây dựng các trường trọng điểm, cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ sẽ hỗ trợ việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; đồng thời thông qua các Bộ liên ngành thúc đẩy hợp tác quốc tế; sử dụng nguồn tài trợ để thúc đẩy nhanh việc xây dựng các trường trọng điểm, các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Phó Thủ tướng cho biết, Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát lại hệ thống thông tin hướng nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho người học; triển khai nhanh quy hoạch hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học cho hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng đề nghị, hai thành phố nên xác định những ngành nghề trọng điểm để xây dựng dự án đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành lên danh mục những đơn vị đào tạo chất lượng cao; sớm tổ chức hội chợ đào tạo trong năm nay bởi đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với nhà trường tăng khả năng liên kết; có kế hoạch đào tạo cán bộ nhà nước về tài chính công theo yêu cầu của thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, cơ sở đào tạo đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế theo từng ngành nghề cụ thể; rà soát lại quy hoạch của từng trường; tham gia vào chương trình đào tạo tiến sỹ, chương trình xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của Bộ GDĐT.
Theo Website Chính phủ