|
Lúc 5:17 ngày 19/4, giờ Hà Nội, tên lửa đẩy Arian 5 cất cánh, mang theo vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1. Ảnh: Arianespace
|
Sáng sớm nay, từ lúc 4 giờ, nhìn lên Hội trường Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã thấy đèn sáng rực rỡ, thỉnh thoảng có ánh chớp của đèn flash máy ảnh. Những người đến chứng kiến lễ truyền hình trực tiếp phóng vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm với mô hình vệ tinh và tên lửa đảm nhiệm sứ mệnh đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất.
Vào khoảng 5 giờ, đoàn lãnh đạo cấp cao Chính phủ tiến vào khán phòng. Dẫn đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về vệ tinh VINASAT, các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về vệ tinh VINASAT. Trong đoàn còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có sự hiện diện của Thứ trưởng Thường trực Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Trần Đức Lai.
Ngoài ra, còn có lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, hãng sản xuất vệ tinh Lockheed Martin, nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh Arianespace và hàng trăm người là khách hàng tiềm năng của VNPT, phóng viên trong và ngoài nước…
Hồi hộp từng giây
Thời điểm Giám đốc dự án phóng vệ tinh Daniel Mure từ phòng điều khiển Jupiter tại Kourou (Guiana) bắt đầu đếm ngược từ 10, 9, 8… Đồng hồ đếm ngược trên hai màn hình ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế vẫn nhảy số đều đều nhưng có vẻ tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đến lúc tên lửa Ariane 5 đánh lửa, cất cánh dù trước đó biên tập viên Đức Hoàng của VTV đã thông báo, chỉ đến khi vệ tinh tách ra khỏi tên lửa mới được coi là thành công.
Tràng vỗ tay đầu tiên vang lên khi mọi người trong khán phòng nhìn thấy một luồng lửa lớn, cực mạnh phụt ra từ chân đế và tên lửa bắt đầu rời khỏi mặt đất. Chỉ trong giây lát, trên màn hình chỉ thấy còn lại một đốm lửa nhỏ và sau đó hiện dần lên, rõ hơn. Bên trái màn hình là biểu đồ thông số kỹ thuật cũng như đường bay của tên lửa. Liên tục, qua người phiên dịch, Giám đốc dự án từ trung tâm điều khiển Jupiter thông báo mọi thông số kỹ thuật đều màu xanh, tức là an toàn. Một lúc là thông báo độ cao của tên lửa; tách bỏ động cơ kích áp rắn; tắt tầng lạnh chính; tách tầng lạnh chính; đánh lửa tầng lạnh trên…
Có thể, trong số hàng trăm người có mặt tại buổi tường thuật trực tiếp từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế nhiều người không hiểu về hoạt động, những thuật ngữ của của quá trình phóng vệ tinh song tất cả đều yên lặng, chăm chú lắng dõi trên màn hình theo từng vị trí của tên lửa, những dữ liệu màu xanh, hình ảnh từ trung tâm điều khiển vệ tinh Jupiter và cả những đoạn clip giới thiệu về hai vệ tinh VINASAT-1, Star One C2.
Nhưng điều đó chưa thể chắc 100% lần phóng vệ tinh này thành công cho đến khi có thông báo vệ tinh VINASAT-1 đã tách khỏi tên lửa.
Gần 26 phút sau khi tên lửa cất cánh, thông báo từ Jupiter là vệ tinh Star One C2 sắp được tách khỏi tên lửa, cũng có thể nói thành công đã đến sát nút. Khi ấy, theo thông báo, trọng lượng tên lửa chỉ còn khoảng 8 tấn so với tổng trọng lượng ban đầu là 80 tấn.
Rồi chưa đầy 5 phút sau, trên màn hình cho thấy tất cả những người có mặt tại trung tâm Jupiter đứng dậy, bắt tay và thông báo đã tách VINASAT-1 khỏi tên lửa thành công, gần như đồng thời, mọi người ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế cũng vỗ tay, bắt tay nhau chúc mừng thành công VINASAT-1 đã được đặt vào quỹ đạo Trái đất.
VINASAT-1 khẳng định chủ quyền Việt Nam trong không gian
Phát biểu ngay sau lễ phóng vệ tinh VINASAT-1 thành công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói đây “là sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước”. Dự án VINASAT được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bởi nó khẳng định “Chủ quyền quốc gia trong không gian, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam”. Thủ tướng cũng nhắc đến đóng góp to lớn, trước hết của Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông và VNPT trong suốt hơn 10 năm qua đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc đàm phán quỹ đạo, vị trí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông Quốc tế và các quốc gia khác.
Thủ tướng tin tưởng VINASAT-1 sẽ “giúp Việt Nam sớm hoàn thành việc đưa dịch vụ viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình, tới vùng sâu, vùng xa” và đặc biệt trong việc chủ động trước thiên tai. Ngoài ra, VINASAT-1 còn mang nhiệm vụ đưa viễn thông Việt Nam hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nói cùng với quá trình hội nhập quốc tế, lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin là một lĩnh vực mũi nhọn, được ưu tiên và tạo điều kiện phát triển và Chính phủ sẽ tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đất nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Giao cho VNPT thực hiện dự án VINASAT-1, Thủ tướng nói đây là thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ với Tập đoàn, một doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam. Với việc phóng thành công vệ tinh, Thủ tướng cũng tin tưởng VINASAT-1 sẽ được VNPT khai thác có hiệu quả, mang lại nhiều dịch vụ hiện đại, tiện ích cao cho người dân.
Ngay sau lễ phóng vệ tinh kéo dài 31 phút, ông Jean-Yves Le Gall, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành hãng Arianespace nói cuộc phóng vệ tinh của tên lửa Ariane 5 thành công khẳng định hơn nữa vị trí số 1 của Arianespace trên toàn thế giới. Điều này không xảy ra một cách tình cờ mà là kết quả của chiến lược Ariane 5 ECA của công ty với các sứ mệnh đưa đồng thời hai vệ tinh lên quỹ đạo (Ariane 5 là tên lửa phóng vệ tinh thương mại duy nhất hiện nay có khả năng đưa đồng thời hai vệ tinh lên quỹ đạo - Arianespace) thành công, đúng như điều khách hàng của công ty mong muốn.
Đây là lần phóng thứ 24 liên tiếp thành công của Ariane 5 từ sân bay vũ trụ Spaceport ở French Guiana. VINASAT-1 là “hành khách” dưới thấp hơn, tách khỏi tên lửa sau 31 phút cất cánh. VINASAT-1 cũng là vệ tinh thứ 39 do Lockheed Martin sản xuất được Arianespace đưa vào quỹ đạo.
Theo Ictnews