Học sinh là trung tâm
Trong một giờ học về các loài cá của môn địa lý, thầy giáo Nguyễn Hồng Phúc, giáo viên Trường THCS Dân lập Ngôi sao (TP. HCM) đã chia học sinh thành 3 nhóm và đề nghị các em tìm hiểu - giới thiệu thông tin về những loài cá nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Bên cạnh đó, thầy Phúc đưa ra câu hỏi mang tính gợi mở và cung cấp những nguồn tài liệu trên Internet cũng như thông tin cơ bản về ngành thủy sản. “Các nhóm học sinh đã cùng thảo luận, tìm tòi, phân tích thông tin trên Internet và sử dụng công cụ tin học như bộ phần mềm Microsoft Office, Photoshop, Visual Studio… để cho ra những biểu đồ, hình ảnh, video về các loài cá một cách rất sinh động. Kết quả là các em rất hứng thú với bài giảng, hiệu quả giáo dục được cải thiện rõ rệt”, thầy Nguyễn Hồng Phúc đã chia sẻ với Báo BĐVN bên lề cuộc Hội thảo Giáo viên Sáng tạo, tổ chức tại Hà Nội từ 8-10/4/2008.
Đây là cuộc hội thảo do Microsoft kết hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, với sự tham gia của hơn 200 giáo viên, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đến từ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Được biết, những phần mềm tin học được sử dụng tại Trường THCS Dân lập Ngôi sao do Microsoft và các đối tác hỗ trợ. “Với việc ứng dụng CNTT trong học tập, học sinh hoàn toàn đóng vai trò chủ động, còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn và trả lời vấn đề mà các em thắc mắc. Đây là điều khác biệt so với cách thức giảng dạy truyền thống trước kia” thầy giáo Nguyễn Hồng Phúc nhận xét, “Với những học sinh thông minh và sáng tạo, nhiều khi kết quả mà các em làm ra còn vượt cả ý tưởng của thầy”.
CNTT: Cơ sở để đổi mới giáo dục
“Giáo viên sáng tạo” là một dự án nhỏ (cùng với các dự án như “Máy tính quyên tặng”, “Thỏa thuận về bản quyền với trường học”…) nằm trong chương trình “Partners in Learning” (PiL) do Tập đoàn Microsoft hợp tác với lãnh đạo chính phủ và giáo dục các nước nhằm cung cấp cho trường học và nhà quản lý những công cụ, chương trình cùng kinh nghiệm thực tế giúp học sinh, giáo viên phát huy tối đa khả năng của mình.
Tại Việt Nam, chương trình PiL đã được bắt đầu bằng Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Chương trình Partners in Learning giữa Microsoft và Bộ GD&ĐT ngày 20/6/2005 tại Mỹ, trước sự chứng kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates. Chương trình đặt mục tiêu trong 5 năm sẽ đến được với khoảng 50 ngàn giáo viên và 2 triệu học sinh Việt Nam.
Sau gần 3 năm triển khai, theo ông Vincent Quah, Giám đốc các chương trình chính phủ, Microsoft châu Á - Thái Bình Dương, đến nay đã có 32.989 giáo viên và hơn 1,3 triệu học sinh tại 4.590 trường được thụ hưởng chương trình. “Tại Việt Nam, chúng tôi thảo luận rất kỹ với các cơ quan chính phủ và nhận ra ưu tiên của Chính phủ là đào tạo đội ngũ giáo viên những kỹ năng ứng dụng CNTT căn bản để đội ngũ này làm các “máy cái” nhân rộng chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt độc đáo giữa chương trình PiL ở Việt Nam so với các nước trong khu vực”, ông Vincent nói.
Với PiL, từng bước mô hình lớp học truyền thống đã được thay thế bằng bài giảng có tích hợp CNTT, kiến thức được truyền đạt đến học sinh một cách sáng tạo, thu hút sự chú ý, tìm tòi và nghiên cứu từ phía học sinh, nguồn tài nguyên học tập không còn bó hẹp trong khuôn khổ sách giáo khoa. "Đây là một phương pháp hiệu quả giúp thay đổi cách quản lý trường lớp, đặc biệt là thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống trước đây", ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM nhận định.
Theo Ictnews