|
Thông tin vệ tinh mở ra khả năng ứng dụng lớn cho vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: NXV)
|
25/6/2006…
10h sáng, đã “thông” kết nối từ BTS Mường Lát ra trung tâm VinaPhone Hà Nội qua vệ tinh; bắt đầu tiến hành làm số liệu cho trạm. 11h chưa thấy sóng, 12h rồi 13h vẫn chưa thấy sóng… hình như có gì đó bất ổn, không khí như chùng lại - tiếp tục xử lý, nạp lại số liệu. Rồi hai chiếc đèn led nhỏ xíu trên bộ xử lý trạm phát sóng BTS ngừng nháy thông báo trạng thái hoạt động ổn định. “Có sóng rồi đấy” - tiếng reo nho nhỏ rất đỗi bình thường đối với đội ngũ kỹ thuật đã từng hoà mạng hàng trăm tổng đài. Nhưng đấy là thông tin mà cả cái thị trấn nhỏ bé, cheo leo này hằng ước mơ, mong đợi.
|
(Ảnh: NXV) |
13h30’ ngày 25/6/2006, Mường Lát có sóng di động, một sự kiện đối với Mường Lát đồng thời cũng là một sự kiện và thành công của Bưu điện tỉnh Thanh Hóa và VNPT. Trạm di động Mường Lát là trạm đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng thành công việc sử dụng đường truyền dẫn vệ tinh iPSTAR làm trung kế mobile.
Tôi ra điểm truy nhập Internet tốc độ cao của giao dịch bưu điện huyện để viết tin và gửi email. Sau cú click chuột và một tin nhắn, tôi an tâm về bài viết của mình đã đến đúng địa chỉ. Đây cũng là một thành quả của việc ứng dụng công nghệ mới, đưa internet tốc độ cao ADSL lên Mường Lát bằng vệ tinh iPSTAR mà Bưu điện tỉnh đã thực hiện từ tháng 3/2006. Những thành công đó tạo ra khả năng thực tiễn to lớn để phổ cập các dịch vụ viễn thông, CNTT băng thông rộng, tốc độ cao đến tất cả các vùng, miền xa xôi của đất nước. Và chỉ sau đó ít phút, trang nhất Báo điện tử VietNamNet đã đăng tin “Lắp đặt trạm di động cho Mường Lát qua đường truyền iPSTAR: 100% số huyện trong cả nước được phủ sóng di động” - Mường Lát không còn xa.
|
Lắp đặt chảo anten vệ tinh VSAT tại Mường Lát (Ảnh: NXV) |
.../4/2008
Hiện nay, thị trấn Mường Lát, cùng với di động, internet tốc độ cao, Viễn thông Thanh Hóa cũng đã ứng dụng thành công việc sử dụng đường truyền dẫn vệ tinh iPSTAR làm trung kế cho vệ tinh tổng đài cố định AXE810. Mường Lát cũng đã có trên 40 thuê bao ADSL/MegaVnn. Hiền Kiệt, Tén Tằn cũng đã có di động thông qua trung kế vệ tinh.
Những xã “nổi tiếng” về độ xa cách và đi lại khó khăn như Mường Lý, Mường Chanh của Mường Lát; Thành Sơn, Trung Sơn của Quan Hóa; Thanh Sơn của Bá Thước; Thanh Quân của Như Xuân… đều đã có điện thoại để thông tin liên lạc. Toàn tỉnh hiện nay có 42 điểm đang sử dụng phương thức truyền dẫn qua hệ thống thông tin vệ tinh VSAT-IP (thuê kênh vệ tinh riêng của Thái Lan). Đây là sự lựa chọn hợp lý nhất để có thể “phủ thông tin” đến 100% số xã; mặc dù chi phí thuê vệ tinh không phải rẻ, trong khi khoản thu về chỉ tính bằng điện thoại nội hạt, nội tỉnh. Nhưng trên hết, đó chính là lợi ích của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
|
Học sinh trường PTTH Mường Lát truy nhập Internet. (Ảnh: NXV) |
Điều quan trọng hơn, thông tin vệ tinh có khả năng đảm bảo an ninh thông tin một cách tốt nhất trong mọi tình huống, nhất là trong thiên tai, lũ lụt. Trận lũ lịch sử tháng 10/2007 đã cuốn phăng nhiều tuyến cáp quang làm mất liên lạc trên diện rộng; huyện Mường Lát, nhiều xã vùng sâu, vùng xa bị cô lập do ngập nước, sạt đường nhưng thông tin tại các trạm VSAT vẫn bình thường. Đảm bảo phục vụ sự chỉ đạo khắc phục hậu quả và công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ngày mà vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam phóng lên quỹ đạo thành công, những chiếc chảo anten sẽ “xoay hướng về VINASAT”. Điều đó có nghĩa người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo sẽ có quyền sử dụng nhiều hơn các dịch vụ điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình mà quốc gia không phải chi phí những khoản “đôla” nào khác. Đó cũng chính là khẳng định một tầm cao mới của đất nước.
Theo Vietnamnet