Thứ ba, 30/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 11/04/2008
15 năm điện thoại di động ở Việt Nam

Kể từ khi mạng di động đầu tiên tại Việt Nam (MobiFone) chính thức đi vào hoạt động đã 15 năm, ngành thông tin di động Việt Nam đã trải qua những chặng đường phát triển đầy dấu ấn.

Ngày 16/4/1993, MobiFone- mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động nhưng trong 2 năm đầu tiên, mạng di động này gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng chưa có, cơ sở hạ tầng nghèo nàn…

Kể từ năm 1995, MobiFone ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) để cùng xây dựng và khai thác mạng thông tin di động. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, MobiFone bắt đầu có những sự phát triển rất mạnh mẽ nhờ có sự hợp tác, chuyển giao về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, nguồn vốn... từ phía đối tác Comvik.

Khi MobiFone bắt đầu phát triển mạnh và có triển vọng kinh doanh tốt, năm 1996, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) đã thành lập Ban dự án xây dựng một mạng di động mới có tên gọi VinaPhone.

Ban dự án này đã được học hỏi, được hỗ trợ rất nhiều về kinh nghiệm xây dựng cũng như khai thác mạng di động từ các chuyên gia của MobiFone - Comvik. Hơn một năm sau, mạng di động thứ hai tại Việt Nam có tên VinaPhone chính thức đi vào hoạt động (14/6/1997).

Kể từ năm 1997, trên thị trường có 2 mạng di động nhưng phần lớn các dịch vụ mới, các chính sách mới, các công nghệ mới… đều được xuất phát từ MobiFone. Thế nhưng, do MobiFone và VinaPhone đều là “con” của VNPT nên các dịch vụ, chính sách mới đều phải được thực hiện đồng thời vào một thời điểm.

Việc 2 công ty cùng có chung những dịch vụ giống nhau, cùng có những chính sách tương tự nhau kéo dài nhiều năm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa VinaPhone và MobiFone là công tác chăm sóc khách hàng.

MobiFone với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài có cách thức cũng như chất lượng phục vụ khách hàng khá “ngoại”, hình ảnh thương hiệu đẹp, chuyên nghiệp và gây ấn tượng hơn.

Phát triển nhờ có nhân tố mới

Tháng 7/2003, S-Fone - mạng di động công nghệ CDMA đầu tiên tại Việt Nam khai trương; cuối năm 2004, Viettel Mobile - mạng di động GSM thứ ba cũng chính thức đi vào hoạt động.

Kể từ thời điểm này cho tới gần cuối năm 2006, Viettel Mobile được đánh giá là một hiện tượng trên thị trường thông tin di động với giá cước rẻ, đầu tư nhanh. Trong 3 năm này, Viettel Mobile cũng là mạng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Ngoài sự năng động và sáng tạo trong kinh doanh của Viettel Mobile, một yếu tố quan trọng cũng dẫn tới sự thành công của mạng này là sự chênh lệch về giá cước giữa Viettel Mobile với MobiFone và VinaPhone là khá lớn, trong khi MobiFone, VinaPhone không được phép giảm giá cước để cạnh tranh do là mạng chiếm thị phần khống chế.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng cũng tạo thuận lợi cho Viettel Mobile là MobiFone và cả VinaPhone đều gặp khó khăn về đầu tư mở rộng mạng lưới do quy trình, thủ tục bị kéo dài.

Do không được hạ giá cước bằng với Viettel để cạnh tranh, MobiFone và VinaPhone tập trung mạnh vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công nghệ cũng như tìm cách tháo gỡ về vấn đề đầu tư.

Trong giai đoạn này, MobiFone đã tạo ra được những bước tiến vượt trội về chất lượng dịch vụ cũng như đã có những chuẩn bị kỹ càng cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của mạng GSM.

Bên cạnh đó, MobiFone cũng đầu tư rất mạnh, bài bản, chuyên nghiệp cho thương hiệu của mình và đã in dấu ấn trong khách hàng về mạng di động có chất lượng tốt nhất, với hình ảnh thời thượng và đẳng cấp.

Bước ngoặt của thị trường

Trong 2 năm 2006-2007, thị trường thông tin di động có sự góp mặt thêm của 2 nhà cung cấp dịch vụ CDMA là HT Mobile và EVN Telecom. Tuy nhiên, ngoài việc có được một sự khởi đầu ấn tượng với chiến dịch khuyến mại gọi, nhắn tin miễn phí, HT Mobile chưa tạo được ấn tượng gì lớn sau vài tháng khai trương dịch vụ. Với EVN Telecom, mạng viễn thông chỉ khẳng định vị trí ở dịch vụ điện thoại cố định không dây (E-Com).

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong giai đoạn này là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa 2 mạng dẫn đầu thị trường là MobiFone và Viettel Mobile. Với Viettel Mobile, mạng này vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng đáng kể và lợi thế cước rẻ.

Với MobiFone, sau khi giải quyết được vấn đề về thủ tục đầu tư, việc đầu tư mở rộng mạng lưới của MobiFone đã được tăng tốc. Vào tháng 10/2007, khi Cục quản lý chất lượng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố công khai kết quả đo kiểm chất lượng các mạng di động với việc tất cả các chỉ tiêu cao nhất về kết quả đo kiểm đều thuộc về MobiFone.

Đặc biệt, chất lượng thoại của MobiFone được đo kiểm đạt tới 3,576 điểm - mức điểm chất lượng của điện thoại cố định, điều mà chưa một mạng di động nào tại Việt Nam làm được. Đây là kết quả của việc MobiFone kiên quyết đầu tư chiều sâu nâng cao công nghệ, chất lượng dịch vụ trong năm 2007.

Thêm vào đó, khi đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố việc sẽ lấy MobiFone làm mạng tiêu chuẩn về chất lượng, thị trường thông tin di động Việt Nam đã bắt đầu bước sang một ngã rẽ khác: chất lượng.

Về mặt thị trường, trong nửa cuối của năm 2007, dù giá cước của Viettel vẫn thấp hơn MobiFone nhưng với việc vượt trội về chất lượng cũng như hình ảnh thương hiệu, MobiFone đã vượt Viettel về phát triển thuê bao thực (là thuê bao phát triển mới trừ đi thuê bao rời mạng).

Điều gì đang xảy ra?

Đầu năm 2008, thị trường thông tin di động Việt Nam lại trở nên nóng bỏng hơn với việc cả 3 mạng GSM là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều đã được giảm cước ngang bằng với nhau và giá cước đã ở mức phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi người dân.

Với cột mốc này lần đầu tiên các mạng GSM được cạnh tranh với nhau trên một sân chơi tương đối bình đẳng về giá cước và sự khác biệt lớn nhất giữa các mạng di động sẽ là vấn đề chất lượng dịch vụ và thương hiệu. Đây sẽ là nhân tố quyết định trong việc thu hút khách hàng mới, cũng như giữ chân các khách hàng cũ.

Trong khi cuộc cạnh tranh giữa các mạng GSM đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới với thế mạnh rơi vào mạng có chất lượng dịch vụ tốt thì các mạng CDMA lại đang loay hoay tìm đường đi.

HT Mobile đã chính thức khai tử mạng CDMA để chuyển sang công nghệ GSM, EVN Telecom vẫn chưa tìm được cách phát triển dịch vụ di động E-Mobile, còn S-Fone sau rất nhiều nỗ lực vẫn chưa thể trở thành một mạng di động có khả năng cạnh tranh với các mạng GSM và thị phần trên thị trường vẫn ở mức cực kỳ khiêm tốn.

Điều gì sắp đến?

Trong khi khá nhiều người đang vẫn tập trung vào vấn đề cạnh tranh nhờ chất lượng, khuyến mại… các chuyên gia viễn thông lại nhận định: Vấn đề sắp tới của các mạng di động chính là mô hình sở hữu.

Vào thời điểm hiện tại, 3 mạng di động GSM là MobiFone, VinaPhone và Viettel chiếm tới hơn 90% thị phần đều là các mạng di động thuộc sở hữu nhà nước 100%.

Theo kinh nghiệm của các mạng di động khác trên thế giới, sau khi đã đạt được các thành công nhất định, nếu một mạng di động duy trì hình thức sở hữu 100% vốn nhà nước quá lâu thì động lực phát triển của mạng đó sẽ bị giảm sút bởi cơ cấu sở hữu đó không tốt trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt.

Vào thời điểm hiện tại, MobiFone là mạng di động duy nhất hiện nay đang tiến hành cổ phần hóa với bước đi đầu tiên là xây dựng phương án cổ phần hóa và lựa chọn nhà tư vấn nước ngoài. Theo dự kiến, trong năm 2008, mạng di động này sẽ lựa chọn đối tác chiến lược và thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết: “Chúng tôi đang rất tích cực trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần vì đây là mô hình thích hợp nhất cho sự phát triển của MobiFone trong tình hình mới”.

Theo Tiền phong Online

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0