Chủ nhật, 28/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 09/04/2008
Phần mềm Việt Nam: Mở đường sang phía Tây

CeBIT nổi lên vào đầu những năm 2000 như một điểm hội tụ hàng năm của giới công nghệ, kinh doanh, người dùng... và trở thành sự kiện lớn nhất hành tinh trong lĩnh vực CNTT, truyền thông, tự động hóa... nhưng phải tới CeBIT 2008 mới ghi nhận sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam (VN).

Tinh Vân ghi điểm đầu tiên

Là một bộ phận chuyên phát triển phần mềm (PM) thuộc công ty mẹ Tinh Vân (Tinhvan Group), đây là lần đầu tiên TVO (Tinh Van Oursousing - công ty cổ phần Dịch Vụ Xuất Khẩu PM Tinh Vân) tham dự CeBIT với tư cách của đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ. Sự có mặt của TVO tại CeBIT 2008 cũng rất khiêm tốn, chỉ là một góc nhỏ nằm trong khu của SIPPO (Swiss Import Promotion Programme – Chương trình hỗ trợ nhập khẩu của Thụy Sĩ), bao gồm nhiều thành viên tham gia từ các nước đang phát triển.

Đến với CeBIT lần này, mục tiêu của TVO, theo ông Đinh Hoàng Long, trưởng phòng kinh doanh Tinh Vân, đã được xác định rõ ràng là tìm kiếm cơ hội để cung cấp dịch vụ gia công PM (software outsourcing services), là thế mạnh không chỉ của TVO mà còn của hầu hết các công ty PM VN khác.

Đoàn doanh nghiệp PM VN do VINASA tổ chức tại CeBIT 2008
 

“Hành trang” mà TVO có được cũng rất khiêm tốn: 13 năm hoạt động trong lĩnh vực PM với doanh thu từ dịch vụ gia công PM trong năm 2007 là 400.000 USD (với khách hàng từ Bắc Mỹ).

Mặc dù vậy, điều đáng quan tâm nhất của TVO và một số công ty VN khác tham dự CeBIT 2008, là tiềm năng và những cơ hội mà thị trường châu Âu (EU) có thể mang lại trong thời gian tới, và họ đã không ngần ngại để cố gắng chen chân vào nơi đã và đang có những đối thủ mạnh hơn rất nhiều.

“Trở ngại lớn nhất của chúng tôi và của nhiều công ty VN khác là chi phí tham gia triển lãm”, ông Long cho biết. Chí phí cao cộng với việc thiếu thông tin về thị trường EU đã làm nản lòng các doanh nghiệp (DN) VN khi đặt vấn đề thâm nhập thị trường này, không dám đặt cuộc chơi khi sự hiểu biết về nhau còn quá hạn chế.

Việc Tinh Vân tham dự CeBIT 2008 được thúc đẩy thông qua mối quan hệ giữa hiệp hội DN PM VN (VINASA) và tổ chức SIPPO của Thụy Sĩ. Là một tổ chức phi chính phủ, SIPPO thực hiện các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ (SME) từ các nước đang phát triển để xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ và EU. Nhờ sự hỗ trợ một phần chi phí từ SIPPO, cùng với dự báo và định hướng kinh doanh của mình, Tinh Vân đã mạnh dạn thực hiện bước thăm dò đầu tiên vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng và cũng vô vàn thách thức.

Thận trọng và lượng sức mình, nhưng cũng đầy tham vọng, mục tiêu của Tinh Vân là tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2008 từ gia công PM, ông Long và Bùi Việt Đức, nhân viên phòng KD, chia sẻ.

Bằng sự hiện diện chính thức tại CeBIT 2008, Tinh Vân là công ty PM VN đầu tiên ghi tên mình vào sự kiện CNTT-TT lớn nhất thế giới, tạo tiền đề cho việc mở hướng đi của ngành PM VN vào thị trường châu Âu

Fsoft tìm thêm đối tác

 
Lê Hà Đức, giám đốc trung tâm PM số 10 của Fsoft.

Đối với Fsoft, công ty PM thuộc tập đoàn FPT, thị trường châu Âu không quá mới. Ít nhất, Fsoft đã và đang có những đối tác, khách hàng tại Anh, Bỉ, Pháp, Luxemburg, góp phần mang lại 13% tổng doanh số của công ty từ hoạt động gia công PM.

Mặc dù kết quả đạt được lâu nay về doanh số tại châu Âu vượt xa mục tiêu đề ra của Tinh Vân, nhưng Fsoft vẫn nhìn thấy được những cơ hội làm ăn lớn khi khối EU bắt đầu mở rộng các nước thành viên vào đầu năm nay. Do vậy, công ty quyết định đến CeBIT 2008 với mục đích tìm kiếm thêm thông tin và tìm cách tiếp cận với khách hàng tại thị trường châu Âu. Ông Lê Hà Đức, giám đốc trung tâm PM số 10 của Fsoft cho biết.

Cũng như Tinh Vân và nhiều người khác, ông Đức cho rằng DN PM VN biết rất ít về thị trường châu Âu, và ngược lại họ cũng có rất ít thông tin về mình. Thật sự, khi tham dự mới thấy được quy mô lớn đến thế nào của CeBIT và tầm cỡ, đẳng cấp của thị trường CNTT-TT châu Âu.

Quyết tâm của Fsoft, và cũng là mong muốn của những DN đến dự CeBIT lần này là sẽ thành lập một khu PM VN vào năm sau tại CeBIT.

Mở đường sang phía Tây

Trong lần này, VN có một đoàn DN PM tham dự CeBIT, người đứng ra tổ chức sự kiện này, không ai khác ngoài VINASA - hiệp hội DN PM VN.

Dựa trên những kinh nghiệm và thành công bước đầu tại thị trường Nhật, VINASA đã có kế hoạch định hướng các DN PM VN tiếp cận thị trường châu Âu. Tuy nhiên, do những khó khăn, hạn chế như đã nêu trên nên việc triển khai kế hoạch bị chậm trễ.

“Đồng thời với việc EU kết nạp thêm 10 nước thành viên, dẫn đến sự thay đổi về nguồn nhân lực và tạo ra cơ hội lớn cho các DN PM VN, VINASA cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu như chính phủ Đan Mạch, tổ chức SIPPO và nguồn kinh phí từ chương trình xúc tiến thương mại của Nhà Nước nên chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi này để tìm tìm hiểu thị trường”. Ông Phạm Tấn Công, tổng thư ký VINASA, cũng là trưởng đoàn gồm 14 DN VN đi dự CeBIT 2008, phát biểu.

Đinh Hoàng Long, trưởng phòng KD (trái) và Bùi Việt Đức nhân viên kinh doanh của công ty Tinh Vân trước gian hàng tại CeBIT 2008.
 

“Cơ hội mới mở ra” là nhận định của tất cả các DN PM VN, ít nhất cũng là của những DN tham gia CeBIT và chuyến khảo sát châu Âu do VINASA tổ chức. Vấn đề này liên quan đến việc gia nhập Liên Minh Châu Âu của một loạt nước thành viên mới, trong đó phần lớn là các nước thuộc khối Đông Âu cũ. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào thị trường nhân lực, tạo ra một sự thiếu hụt lớn khi mà chi phí lao động tăng cao, nhất là lao động chất xám, buộc các công ty sử dụng lao động phải tìm kiếm những nguồn nhân lực mới rẻ hơn.

Trong tình hình như vậy, cơ hội sẽ dành cho những nguồn cung cấp nhân lực với chi phí thấp hơn. Đứng về góc độ này thì đây là ưu thế của các DN VN. Ông Phạm Tấn Công đã trình bày quan điểm của VINASA: “Chúng ta cần xác định rõ vai trò của VN trên thị trường CNTT thế giới: đó là gia công PM, thực hiện từng phần của một quy trình. Chúng ta phải hướng về việc làm dịch vụ, giá trị gia tăng, cung cấp nhân lực... thực hiện từng công đoạn trong cả quy trình tạo ra sản phẩm. Chúng ta không tham vọng bán sản phẩm của mình”.

Trong chuyến công du Tây Âu này, đoàn DN VINASA không chỉ tham dự CeBIT 2008 mà còn có chương trình gặp gỡ và làm việc với một số DN Đan Mạch, trong đó có hội CNTT Đan Mạch. Chương trình này do chính phủ Đan Mạch tài trợ trong 3 năm, kể từ 2008, sẽ giúp các DN PM VN từng bước xâm nhập thị trường châu Âu.

Cơ hội là có, nhưng trở ngại, khó khăn cũng không ít. Với thị trường Nhật, DN VN gặp khá nhiều thuận lợi thì EU lại có những điều kiện khác hẳn. Ông Công nói: “Có sự khác nhau lớn giữa thị trường Nhật và EU: văn hóa, cách làm việc. EU hoàn toàn chưa biết gì về VN, nhất là năng lực về CNTT, trong khi Nhật lại coi VN là lựa chọn hàng đầu, và bản thân chính phủ Nhật hỗ trợ các DN Nhật làm ăn với VN”.

Thiếu quảng bá và hỗ trợ của nhà nước

 
Ông Phạm Tấn Công, tổng TK VINASA và ông Tom Togsverd, tổng TK hiệp hội CNTT Đan Mạch cùng trao kỷ niệm chương trong buổi gặp mặt tại Copenhagen, Đan Mạch tháng 3/2008.

Như ông Công và nhiều DN PM VN khác, mặc dù nhìn nhận thị trường châu Âu có tiềm năng rất lớn, nhưng lại là nơi rất khó chen chân vào đối với PM VN. Lý do lớn nhất là châu Âu hầu như không biết đến chúng ta, và chúng ta cũng biết rất ít về họ. Các chương trình quảng bá, tiếp thị cho ngành PM VN hầu như không có, hoặc rất ít do không đầu tư. Việc thăm dò thị trường, thu thập thông tin đều do từng DN thực hiện đơn lẻ và chắc chắn không mang lại hiệu quả với nguồn kinh phí ít ỏi. Chỉ một số ít công ty lớn như Fsoft, khá mạnh về tài chính, năng lực mới có khả năng “tự vận động” để xâm nhập thị trường này vào những năm 2000. Nhưng nguồn lợi mang lại cũng còn rất khiêm tốn.

Mặc dù có những chương trình xúc tiến thương mại từ phía nhà nước, nhưng sự hỗ trợ này vẫn là quá ít đối với một thị trường lớn và đắt đỏ như châu Âu, hơn nữa kinh phí cho các hoạt động này ngày càng bị cắt giảm.

Trên thực tế, các DN PM VN phải “tự vận động” quá nhiều. Chuyến đi châu Âu và CeBIT lần này của VINASA và các DN đã có thể không thành nếu không có nguồn tài trợ của tổ chức SIPPO, của CP Đan Mạch.

“Chúng ta phải có một khu PM VN tại CeBIT 2009” là mong muốn của tất cả thành viên trong đoàn VINASA.

Sẽ không khó lắm nếu trước hết, các DN VN nhận thức được cơ hội mới để cùng hợp sức với nhau; và VINASA phải tranh thủ được sự ủng hộ nhiều nhất từ phía Nhà Nước.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0