|
Chính phủ họp giao ban theo hình thức truyền hình trực tuyến. Ảnh: Website Chính phủ |
Đến hết năm 2008, 40% văn bản trao đổi giữa lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố gồm báo cáo, thư mời, lịch công tác được thực hiện qua đường thư điện tử (email).
Tất cả cán bộ, công chức sẽ có hộp thư điện tử (có tên miền .gov.vn). Theo kế hoạch, đến năm 2008, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các thành phố trực thuộc Trung ương là 50%, ở các tỉnh là 30%, trong đó đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa (tới cấp huyện) là 10%.
Các cơ quan nhà nước bảo đảm cung cấp biểu mẫu điện tử về dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Các thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cổng thông tin điện tử cho phép người dân và doanh nghiệp khai báo, gửi đăng ký biểu mẫu điện tử qua mạng.
Trước ngày 30/6, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2009 - 2010 để gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, thẩm định, phê duyệt.
Bộ Thông tin và Truyền thông còn có trách nhiệm kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin (hoàn thành trong quý I/2008) cũng như chỉ đạo triển khai, hoàn thành giai đoạn I, II dự án Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước trước ngày 30/9.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ xây dựng ban hành tiêu chuẩn chức danh Giám đốc công nghệ thông tin, phát triển đội ngũ này.
Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống giao ban điện tử, đa phương tiện phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương.
Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình được triển khai tại 4 Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp và 6 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cao, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, từ đó xây dựng, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các sản phẩm công nghệ thông tin để áp dụng tại các Bộ, ngành, địa phương.
Theo Website Chính phủ