Cập nhật: 25/03/2008 |
Vẫn có thể có rủi ro khi phóng vệ tinh |
|
|
Vệ tinh VINASAT-1. |
|
Như đã biết, vào trung tuần tháng 4 tới đây, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo. Với những nhà thầu sản xuất vệ tinh và phóng vệ tinh rất dày dạn kinh nghiệm là Lockheed Martin và Arianespace, VNPT hy vọng vệ tinh VINASAT-1 sẽ được phóng thành công. Tuy nhiên, vẫn có thể có rủi ro.
|
|
Các chuyên gia cho biết có khoảng 5-6% vệ tinh khi phóng bị rơi, nổ. Theo thống kê, giai đoạn 1997-2005, thế giới có 170 vệ tinh được phóng lên và có 10 cái gần như thất bại hoặc hoàn toàn thất bại. Nguyên nhân của việc phóng vệ tinh chưa thành công là do vệ tinh có vấn đề hoặc công ty phóng vệ tinh gặp trục trặc.
Các vệ tinh của Lockheed Martin được biết tới với độ tin cậy và khả năng hoạt động vượt xa so với yêu cầu thiết kế về tuổi thọ của thiết bị. Đối với quả vệ tinh VINASAT-1, Lockheed Martin sản xuất dựa trên khuôn mẫu vệ tinh A2100 đã được đánh giá là vệ tinh có độ tin cậy cao nhất trong ngành chế tạo vệ tinh và đoạt giải thưởng của Frost và Sullivan năm 2004 trước đó. Vệ tinh VINASAT-1 cũng được thiết kế tiên tiến, có thể tối đa hoá việc sử dụng các thiết bị mà Lockheed Martin sở hữu để phục vụ việc phóng thành công.
Đối với thiết bị phóng, các động cơ và hệ thống đẩy nhìn chung thường là những bộ phận có nhiều khả năng gây trục trặc nhất. Để hạn chế rủi ro, các chủng loại thiết bị phóng của Arianespace đã được nâng cấp từ thế hệ Ariane 4 với 3 giai đoạn và 10 động cơ lên thế hệ Ariane 5 với 2 giai đoạn và 4 động cơ.
Tất cả mọi việc có thể làm đều đã được tiến hành để đảm bảo rằng các động cơ hoạt động hoàn hảo. Ví dụ, trong quá trình phóng VINASAT, động cơ ở giai đoạn 1 sẽ được khởi động và chạy trong vòng 7 giây trước khi thiết bị được phóng lên. Trong 7 giây đầu tiên đó những chức năng đẩy của động cơ sẽ được giám sát, và nếu có gì bất thường, động cơ sẽ bị tắt và quá trình phóng sẽ được dừng lại. Toàn bộ những bộ phận quan trọng khác, có mức độ phức tạp cao hay có thể gây trục trặc tới quá trình phóng đều có bộ phận dự phòng. Chẳng hạn thiết bị phóng có 2 hệ thống hướng dẫn vòng tròn bằng laze, nếu hệ thống thứ nhất trục trặc thì hệ thống dự phòng sẽ được khởi động.
Có thể nói, những kinh nghiệm của Lockheed Martin trong việc chế tạo vệ tinh và sự thành thục của Arianespace trong việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu khả năng rủi ro khi phóng VINASAT-1. Trong trường hợp vệ tinh gặp trục trặc thì cũng không đáng ngại bởi VNPT đã mua bảo hiểm cho vệ tinh này. Nếu có rủi ro, các công ty bảo hiểm gồm Bảo Việt và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện sẽ chịu phần chi phí bắn lại vệ tinh.
Theo Vnmedia |