Trong buổi họp mặt với sở BCVT TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Nguyễn Minh Hồng cho biết ông khá “bất ngờ với con số 120 DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát ở TPHCM”.
|
Ký kết hợp tác quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực CNTT cho TP.HCM. ( Ảnh: Nguyễn Dũng) |
TPHCM đã đạt được những thành quả rất tốt trong việc ứng dụng CNTT. Cụ thể tháng 03/2007, TPHCM đã đưa vào vận hành hệ thống “một cửa điện tử”, trên cơ sở tích hợp thông tin tự động từ các hệ thống thông tin cơ sở để cung cấp thông tin tình trạng hồ sơ hành chính cho người dân và DN. Hiện đã có 19 quận huyện tham gia vào hệ thống này.
Khu vực DN, hiện TPHCM có 13 ISP (nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet), 19 OSP (nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến), trong đó 8 DN cung cấp trò chơi trực tuyến với 17 trò chơi. Doanh thu từ CNTT năm 2007 ước tính đạt 1 tỷ USD, trong đó doanh thu từ gia công, xuất khẩu phần mềm đạt 72 triệu USD và phần cứng 799 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở BCVT TPHCM hiện nay có 8.500 DN CNTT-TT hoạt động tại TPHCM, tập trung tại các khu công nghệ: CVPM Quang Trung, CVPM Sài Gòn (SSP), khu e-Town 1 và e-Town 2.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, đánh giá hạ tầng CNTT tại TPHCM không hề thua kém nếu không muốn nói tốt hơn Balagore, Ấn độ.
Nguồn nhân lực CNTT: Nhiều nhưng chưa mạnh
Mặc dù TP.HCM mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên CNTT ra trường, nhưng theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BCVT TPHCM, đó là số lượng chứ chất lượng thì chưa đáp ứng được. Cụ thể trong khu vực nhà nước, vẫn còn thiếu trầm trọng nhân lực về CNTT. Đồng lương thấp được xem là yếu tố trở ngại để thu hút nhân lực CNTT vào làm việc tại khu vực nhà nước.
|
"Tỉ lệ các kỹ sư CNTT mới ra trường đủ khả năng tham gia vào outsourcing là rất ít" - Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions.(Ảnh: Doanh Anh) |
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, cho biết tỉ lệ các kỹ sư CNTT mới ra trường đủ khả năng tham gia vào outsourcing là rất ít. Tuy nhiên, theo ông, TP.HCM hiện nay cũng sở hữu một đội ngũ kỹ sư lành nghề trình độ cao đủ sức để thực hiện các dự án về R&D (Nghiên cứu và Phát Triển sản phẩm) cho nước ngoài.
“Bài toán nguồn nhân lực luôn luôn nan giải cho bất kỳ TP nào trên thế giới chứ không riêng gì TPHCM, ở Tokyo hay Bangalore vẫn thiếu kỹ sư giỏi”, ông Yamashita Ryuichi, Chủ tịch dự án Công viên Tri thức Việt – Nhật (VIJA PowerSource) nói.
Dự án VIJA PowerSource sẽ bắt đầu vào tháng 6 năm nay tại TPHCM và hoàn thành vào tháng 7 năm 2011.
“Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực CNTT là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án này”, ông Yahshita nói. Kể từ năm 2011 đến 2015, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 3.500 kỹ sư CNTT lành nghề cho thị trường.
Buổi gặp mặt đầu năm của ngành CNTT TP.HCM 2008:
|
Ra mắt quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT TP.HCM do Sở BCVT TP là chủ tịch HĐ quản lý quỹ và 7 thành viên còn lại là các Sở, ban ngành của TP. Đây là quỹ đầu tiên của cả nước nhằm cho vay học phí cho những học viên đang theo học các chương trình CNTT, các cơ sở đào tạo có nhu cầu vay vốn để cho các học viên vay lại và các tổ chức đầu tư triển khai hoạt động đào tạo. Đối với các đối tượng nhận vay với mục đích đóng học phí, quỹ sẽ cho vay tiền với lãi suất 0% và thời hạn cho vay có thể tối đa lên đến 5 năm.
UBND TP.HCM cũng phát động Giải thưởng "CNTT-TT dành cho các doanh nghiệp CNTT tại TP.HCM. Giải thưởng tập trung vào các chỉ tiêu: sản phẩm và giải pháp phần mềm, phần cứng, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu, các đơn vị ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu và các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT của TP.
|
Theo Vietnamnet