Thứ năm, 28/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/03/2008
Giải bài toán chi phí bản quyền bằng phần mềm nguồn mở

Muốn phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM) thành công cụ hữu hiệu để giảm gánh nặng chi phí phần mềm, thúc đẩy ứng dụng CNTT, việc đầu tiên cần làm là đánh giá được bản chất các vấn đề sẽ phải đối mặt khi triển khai diện rộng.

PMNM đã trưởng thành

Khác với phần mềm thương mại, PMNM đi lên nhờ sự đóng góp của cộng đồng. Sau thời gian dài tiến "chậm mà chắc", nó đã trở thành đối trọng cân sức đối với những phần mềm truyền thống. Một số sản phẩm miễn phí thậm chí tỏ ra ưu việt hơn hẳn.

Laptop sử dụng hệ điều hành Linux.
Hệ điều hành Linux dần dần xuất hiện trên môi trường điện toán di động. (Ảnh: Laptop reviews.COM).
Một khảo sát của SurveyWare.com cho thấy đến 64,17% người được hỏi trả lời họ thích trình duyệt Mozilla FireFox hơn Microsoft Internet Explorer. Hãng máy tính Lenovo (Trung Quốc) mới đây cũng tuyên bố sẽ cài sẵn hệ điều hành Linux trên máy tính của mình bán ra, kể cả dòng laptop ThinkPad cao cấp.
 
Sự phát triển của PMNM khiến cả gã khổng lồ Microsoft, một trong những "thành trì" biểu tượng cho kinh doanh phần mềm thương mại, gần đây đã phải tuyên bố "sẽ có những hành động nhằm tương hợp với môi trường PMNM".

Từ góc độ người dùng, điểm khác biệt cơ bản của PMNM với những sản phẩm phần mềm thương mại ở chỗ chúng được tải về sử dụng miễn phí. Đó cũng là nguyên nhân tại sao PMNM được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Chính phủ đẩy mạnh những cam kết về vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm.

Giá bán hàng trăm USD của hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng MS Office quen thuộc trở nên quá "nặng" đối với ngân sách của người dùng trung bình hoặc các cơ quan. Phần mềm nguồn mở là giải pháp được nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước lựa chọn để giải quyết vấn đề bản quyền phần mềm trong khi chưa chủ động được nguồn kinh phí.

Tháng 9/2007, Trung tâm tin học Văn phòng TƯ Đảng cho biết toàn bộ 20.000 máy tính thuộc các cơ quan Đảng trên cả nước sẽ dùng phần mềm Open Office. Việc chuyển đổi này được đưa thành nhiệm vụ cụ thể trong Đề án Tin học hoá hoạt động các cơ quan Đảng giai đoạn 2006 - 2010.

PMNM song hành cùng phần mềm thương mại

TIN LIÊN QUAN
Cùng với thời gian, cộng đồng nguồn mở xây dựng được hầu hết các ứng dụng trên máy tính, từ hệ điều hành, máy chủ web, ứng dụng văn phòng, trình duyệt Internet, phần mềm đồ hoạ, game... Với những đặc thù của mình, PMNM và phần mềm thương mại (PMTM) cùng nhau tồn tại và phát triển như hai sự lựa chọn dành cho người dùng. Cả hai cạnh tranh nhưng không phủ định nhau.

Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đi lên của ngành công nghiệp phần mềm. Vì thế, nhiều đại gia làng công nghệ như Sun, IBM... ủng hộ mạnh mẽ cho hướng đi mới mà thoạt nhìn thì không tạo ra doanh thu.

"Khác với phần mềm thương mại, sản phẩm PMNM kiếm tiền từ những dịch vụ vận hành chứ không phải chi phí mua bản quyền sử dụng", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam nói. Theo ông Long, để nhìn rõ hơn tác dụng của PMNM nên chia "thế giới" phần mềm ra từng lĩnh vực: phần mềm hệ thống cài trên máy chủ, phần mềm môi trường xí nghiệp và phần mềm cho người dùng cuối.

Trong đó, những phần mềm cài đặt trên máy chủ gần như là "thánh địa" của PMNM. Tính đến tháng 8/2007, hệ điều hành Apache được sử dụng để vận hành một nửa (50,61%) website toàn cầu. Hệ điều hành Unix, Linux vẫn chiếm đa số trên máy chủ. Mối tương quan PMNM và phần mềm thương mại tỏ ra cân bằng hơn ở môi trường xí nghiệp. Lý do đơn giản vì những dự án ERP, CRM có giá trị nằm chủ yếu ở kỹ năng, trình độ tư vấn của đơn vị triển khai dự án chứ không phải bản thân phần mềm.

 

Ông Bùi Thế Duy
Ông Bùi Thế Duy: "Lựa chọn ứng dụng phải dựa trên tình hình thực tế đơn vị. Không phải lúc nào cũng lấy PMNM để giảm chi phí". Ảnh: Hưng Hải
Trao đổi với VietNamNet, TS. Bùi Thế Duy, giảng viên ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, chi phí vận hành bao gồm dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ, đào tạo và tuỳ biến hệ thống dành cho hệ thống máy chủ dùng nguồn mở rất cao. Bên cạnh đó là việc mất thời gian và công sức cho việc kiểm tra các ứng dụng. Thống kê của các chuyên gia máy tính cho thấy hệ thống Linux (RedHat, Fedora, Debian...) lớn cần hỗ trợ nhiều hơn 25-40% so với Windows hay Unix. Thêm vào đó, giá dịch vụ trung bình của chuyên gia Linux cũng cao hơn đồng nghiệp Windows hay Unix tới 40%.

Trái lại, phần mềm dành cho người dùng cuối vẫn là nơi phần mềm thương mại "làm mưa làm gió". Một phần vì tiền kiếm được từ nhóm sản phẩm này không hấp dẫn như các "tầng" bên trên. Tuy nhiên, đây lại chính là chìa khóa để PMNM đến với số đông và những phần mềm như Open Office, Star Office trở thành công cụ hữu hiệu để chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Nói theo cách của các "fan" PMNM thì họ được tự do lựa chọn thời điểm trả tiền cho những dịch vụ đang tận hưởng.

Giải quyết bài toán vi phạm bản quyền phần mềm

Sau nhiều năm phát triển, dù PMNM được tải về sử dụng miễn phí nhưng những sản phẩm mất tiền vẫn phát triển liên tục chẳng hề có dấu hiệu giảm sút. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm thương mại có thế mạnh riêng và PMNM vẫn còn có những điểm yếu tồn tại. Với vấn đề chọn lựa phần mềm triển khai trong doanh nghiệp, tổ chức, TS. Bùi Thế Duy cho rằng việc này cần đánh giá thực sự dựa trên tình hình thực tế của đơn vị dựa trên những yếu tố: nhu cầu, trình độ, kinh phí, quy mô. Đối với các đơn vị mà đa phần máy tính sử dụng các nghiệp vụ văn phòng đơn giản, PMNM là lựa chọn hàng đầu để giảm chi phí ban đầu.

Tại Việt Nam, bộ ứng dụng Open Office được nhắc nhiều nhất bởi đây là giải pháp được đánh giá "thay thế tốt nhất" cho MS Office. Tạp chí eWeek (Mỹ) đã có một cuộc khảo sát kỹ lưỡng về khả năng, sự tương thích và yêu cầu đào tạo với 300 người dùng MS Office chuyển sang dùng Open Office (OpenOffice.Org), bộ ứng dụng văn phòng mã mở được coi là toàn diện nhất hiện nay với sự hậu thuẫn của nhiều đại gia công nghệ.

Kết quả cho thấy người dùng cơ bản dễ dàng thích nghi với Open Office. Bộ phần mềm này có đầy đủ chức năng, giao diện không khác biệt nhiều. Thậm chí, chúng còn có một số cải tiến vượt trội như xuất trực tiếp định dạng PDF, mở tất cả định dạng file với 1 cửa sổ duy nhất, tính năng khởi động nhanh (QuickStarter) thường trú trên khay hệ thống, màn hình sắp xếp slide trực quan...

 

Open Office PP Microsoft
Cùng một slide, đường cong thể hiện trên Open Office Impress (trái) trông gai hơn so với MS PowerPoint (phải). (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, những người dùng chuyên nghiệp vẫn thấy bộ sản phẩm của Microsoft mạnh hơn, đặc biệt là bảng tính Excel. Giao diện của MS Office được đánh giá tinh tế hơn với khả năng tuỳ biến cao, các nút lệnh được kéo thả rất trực quan. Về mặt thực thi, Write (Open Office) lề mề hơn Word (MS Office) khi xử lý các văn bản, tài liệu lớn có nhiều định dạng phức tạp. Hiển thị hình ảnh trên Impress cũng thô hơn so với Power Point.

"Một số tính năng bị di dời hoặc thiếu như định dạng trang (Page Style) trên Write sẽ gây lúng túng cho người dùng. Các file văn bản sử dụng bộ mã TCVN3 phổ biến trong cơ quan nhà nước khi mở trên Open Office 2.2 bị lỗi chữ ’ư’ biến thành dấu ’-’. Để sửa lỗi này, người dùng bắt buộc phải chuyển đổi toàn bộ văn bản TCVN3 sang mã Unicode. Các ứng dụng nhỏ như kế toán, quản lý kho, quản lý nhân sự phát triển trên trên MS Access hoặc không sử dụng được với Open Office Base", Nguyễn Hoàng Huy, một thành viên cộng đồng mã nguồn mở ViệtLUG, cho biết.

Phát triển PMNM như thế nào?

TS. Bùi Thế Duy cho rằng Open Office thích hợp cho triển khai diện rộng. Tuy nhiên, cơ hội dành cho phần mềm này nói riêng, hay PMNM nói chung đều nằm ở khả năng gây dựng cộng đồng người sử dụng. Cụ thể hơn là tạo thêm những cơ hội để người dùng có thể tham gia vào sân chơi này. Cụ thể, đó là phần mềm kế toán, quản lý kho, quản lý nhân sự,... chạy trên Linux, đội ngũ chuyên gia, tài liệu hướng dẫn cách chọn lựa, nghiên cứu PMNM từ góc độ người sử dụng.

"Triển khai PMNM một cách nghiêm túc cần chuẩn bị nhiều thứ và thời gian thử nghiệm kỹ càng. Kinh nghiệm cho thấy những tổ chức thành công với PMNM thường có đội ngũ kỹ thuật tinh nhuệ, tự giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, bảo trì và đào tạo. Còn đối với những tổ chức không có đội ngũ tin học riêng hoặc yêu cầu chuẩn hoá trong quy trình nghiệp vụ thì mua phần mềm thương mại có khi còn rẻ hơn PMNM", ông Duy kết luận.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty phần mềm FPT (FSoft), cho rằng: Điểm lợi thực sự của PMNM không nằm ở chi phí rẻ. Lợi ích thực sự và lâu dài của PMNM tại những quốc gia như Việt Nam là chúng sẽ trở thành đối trọng với những sản phẩm đắt tiền.

"Microsoft phải xây dựng chi nhánh tại Trung Quốc với mô hình không khác gì đại bản doanh tại Mỹ. Họ phải giảm giá Windows, phát không Office cho thị trường này. Đơn giản vì đây là thị trường duy nhất mà miếng bánh của Microsoft bị sụt giảm trước sự vươn lên của hệ điều hành như Hồng Kỳ", ông Nam nói. "Bản thân hệ điều hành này có thể chưa tốt bằng Windows nhưng nó có áp lực để tạo ra sự ưu đãi cho người dùng Trung Quốc".

Những lý do đó đặt công việc phát triển PMNM trở thành mục tiêu chiến lược phát triển công nghệ phần mềm của Chính phủ với mục đích "tăng tính chủ động về công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc" như Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định trong cuộc trả lời trực tuyến ngày 29/2 vừa qua.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0