“Có Internet, lợi nhiều lắm!”
Ông Triệu Xuân Phà, Chủ tịch UBND xã Tả Van (huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) cho biết từ khi Internet được kết nối, lượng khách du lịch đến với Tả Van tăng đáng kể và họ lưu lại lâu hơn. “Trước kia, nhiều khách nước ngoài đến bản nhưng chiều tối là quay về Sapa (để dùng Internet). Giờ đây, khá đông du khách nghỉ qua đêm, các nhà nghỉ (còn gọi là Home Stay) của bà con có thêm nguồn thu nhập”, ông Phà nói.
Việc Internet xuất hiện ở địa bàn heo hút này đã gây ngạc nhiên lớn với nhiều người, đặc biệt là khách du lịch ngoại quốc. Ông Christopher Perry, một du khách Pháp chia sẻ: “Thật thú vị khi được sử dụng Internet tại một bản vùng núi hẻo lánh của Việt Nam. Điều này chứng tỏ các bạn nắm bắt và ứng dụng công nghệ thật nhanh chóng và hiệu quả”.
Với bà con dân tộc nơi đây, kết nối Internet thực sự là một niềm vui lớn. Họ được tiếp cận với những thông tin hữu ích và thời sự nóng hổi qua mạng. Bọn trẻ từ chỗ chưa biết chiếc máy tính, Internet là gì, giờ nhiều đứa đã biết nghe nhạc, chơi game, chat... “Chúng tôi rất phấn khởi khi được Chính phủ quan tâm đưa Internet về đây, giúp mở mang cái đầu để phát triển”, bà Lý Tả Mẩy, một người dân tộc Dáy ở bản Tả Van nói.
Internet cũng giúp cán bộ xã nắm bắt, cập nhật thông tin trong nước và thế giới. “Nhờ có mạng nên chúng tôi nắm bắt được chính sách, văn bản pháp luật của Chính phủ nhanh chóng hơn nhiều so với trước kia, từ đó hoạt động quản lý hiệu quả hơn”, ông Triệu Thiết Nghĩa, cán bộ 135, xã Tả Van khẳng định.
Công nghệ đã chín muồi
Internet về với bản Tả Van từ tháng 9/2007, là kết quả của một dự án thử nghiệm công nghệ băng rộng vô tuyến WiMAX giai đoạn 2 tại Việt Nam, do Tập đoàn Intel, VNPT (đại điện là Công ty VDC) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp triển khai. Dự án dùng đường truyền vệ tinh VSAT, sau đó sử dụng hệ thống WiMAX để phủ sóng Internet cho toàn bộ khu vực xã Tả Van. Tại mỗi điểm đầu cuối, có một thiết bị thu tín hiệu WiMAX rồi qua đường dây đưa vào máy tính (PC).
|
Ông David Fosberg, Tổng giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á:
“Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong ASEAN trong lĩnh vực công nghệ để vươn ra thế giới, khi rất sẵn sàng thử nghiệm những công nghệ mới và tham gia dự án WiMAX”.
|
Có 11 điểm đầu cuối trong dự án này, gồm điểm đặt trạm gốc tại BĐVH Xã Tả Van, UBND xã, trạm y tế, trường THCS xã Tả Van và 7 điểm ở các nhà nghỉ của bà con. “Tại mỗi điểm đầu cuối đó, chúng tôi triển khai hệ thống WiFi để khách du lịch có thể truy cập Internet qua mạng WiFi”, anh Lê Quang Đạo, Trưởng nhóm kỹ thuật thử nghiệm WiMAX của VDC cho biết. “Đặc điểm nổi bật nhất của dự án này là hoàn toàn sử dụng công nghệ không dây cho đường truyền trung kế chứ không phải cáp quang hay viba. WiMAX có thể triển khai nhanh, trên diện rộng và tiết kiệm chi phí”.
Đội ngũ kỹ thuật gồm 5-7 kỹ sư của VDC đã được thành lập để triển khai dự án thử nghiệm này, ngoài chuyện lắp đặt, bảo trì và đảm bảo hoạt động cho toàn hệ thống trong suốt thời gian thử nghiệm, họ còn đóng vai trò đào tạo, hướng dẫn sử dụng Internet cho người dân. “Trước khi có dự án, hầu hết dân Tả Van chưa biết sử dụng máy tính. Do vậy, chúng tôi phải bắt đầu từ việc dạy bà con cách sử dụng PC, bật - tắt máy tính thế nào, sử dụng Internet ra sao, hay đặt sẵn những đường link các trang web như VnMedia, VnExpress, VTC, VTV… trên màn hình để người dân dễ dàng truy cập”, anh Đạo kể.
“Chúng tôi đánh gia ùsự thành công của dự án qua cách người dân sử dụng công nghệ mới này thế nào. Dùng Internet, dân Tả Van có thêm doanh thu từ du lịch, chính quyền hoạt động hiệu quả hơn, học sinh được giáo dục về công nghệ tốt hơn; trạm y tế xã có điều kiện cập nhật những biện pháp chữa bệnh hiện đại… Với Intel, đây là một dự án thành công”, ông David Fosberg, Tổng giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á nhận định.
Còn ở góc độ kỹ thuật, anh Lê Quang Đạo cho rằng công nghệ WiMAX đã chín muồi để áp dụng rộng rãi, phù hợp với việc triển khai nhanh chóng hệ thống truy cập ở vùng sâu, vùng xa địa hình khó khăn.
Tuy nhiên, chặng đường từ thử nghiệm đến khi thành hiện thực còn khá xa do bản thân WiMAX là một công nghệ còn rất mới mẻ trên thế giới. Nếu các cơ quan chức năng không kịp thời xây dựng cơ chế tài chính cho viễn thông công ích để hỗ trợ vùng sâu, vùng xa tiếp cận với công nghệ thì Internet vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với đông đảo bà con dân tộc!
Theo Ictnews