Đó là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc cao cấp kiêm Trưởng đại diện Qualcomm tại Việt Nam.
|
|
Thưa ông, trước sự kiện HT Mobile chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM, không ít người đã cho rằng “đã hết thời công nghệ CDMA”. Với tư cách là đại diện Tập đoàn Qualcomm - nhà cung ứng các giải pháp công nghệ CDMA - tại Việt Nam, ông có thể bình luận gì về nhận định này?
CDMA không chết! Tôi có thể khẳng định điều này với các bạn.
Việc HT Mobile chuyển đổi công nghệ, đó là quyền của họ. Chúng tôi đã từng dự báo trước bước đi này của HT Mobile. Bởi họ đã đầu tư quá ít cho mạng lưới, không chuẩn bị để có những khác biệt so với các đối thủ đi trước, thay vì cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ khác biệt và phân khúc thị trường chưa được các đối thủ để ý tới, nhất là đi sai về công nghệ: sử dụng ngay công nghệ cao trong khi có quá ít dịch vụ giá trị gia tăng và thiết bị đầu cuối chất lượng cao. Trong khi thế mạnh của CDMA là các dịch vụ giá trị gia tăng và thiết bị đầu cuối.
Riêng tại Việt Nam, ngoài HT Mobile (mới chỉ phát triển được dưới 100.000 thuê bao) “chia tay” CDMA, thì hiện vẫn còn có các nhà cung cấp dịch vụ di động đang sử dụng công nghệ CDMA khác là S-Fone và EVN Telecom với số thuê bao tính đến hết năm 2007 đạt hơn 6 triệu. Các dịch vụ 3G hỗ trợ EV-DO, truy cập Internet, nghe nhạc, xem truyền hình trực tuyến, thông tin WAP... đang được giới thiệu và người sử dụng bắt đầu quan tâm.
Lãnh đạo của hai công ty này cho biết việc mở rộng phủ sóng sang các địa bàn khác trong cả nước không còn là vấn đề lớn, mà họ đang tích cực đầu tư chiều sâu về công nghệ và dịch vụ để thu hút số thuê bao nhiều hơn trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, S-Fone đã đề ra mục tiêu năm 2008 sẽ tăng số thuê bao trả sau từ 2,5 triệu lên 5,5 triệu, số thuê bao Mobile Internet sẽ đạt con số 20.000; và EVN Telecom năm 2008 cũng tăng thêm 1,7 triệu thuê bao mới để nâng tổng số thuê bao lên đạt 4,4 triệu thuê bao.
Với mức độ gia tăng này, có thể nói là gấp bội so với các mạng GSM trong cùng thời gian.
Đó là tại Việt Nam, còn tại các nước khác tình hình có lạc quan như thế không, thưa ông?
Trên thế giới hiện đang có trên 250 mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ CDMA, tại 99 quốc gia với hơn 400 triệu thuê bao, trong đó châu Á chiếm đến hơn 50%; và vẫn đang phát triển tốt.
Tại Trung Quốc, China Union vừa mới ký hợp đồng đặt 15 triệu máy điện thoại di động CDMA. Tại Ấn Độ hiện có 2/6 nhà khai thác điện thoại di động sử dụng CDMA với số thuê bao lên tới 54 triệu.
Cũng tại Ấn Độ, có một mạng GSM đang đầu tư 500 triệu USD để phát triển thêm mạng CDMA. Indonesia có 6/11 nhà khai thác điện thoại di động dùng công nghệ CDMA.
Giá thiết bị đầu cuối CDMA tại nhiều nước nhìn chung là thấp hơn so với thiết bị đầu cuối GSM. Máy điện thoại di động sử dụng CDMA ở Indonesia là thấp nhất, hiện chỉ vào khoảng 19-20 USD/chiếc.
Thực tế đã có nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ CDMA tại Việt Nam tỏ ý lo ngại về sự nghèo nàn về kiểu mẫu, và giá mua thiết bị đầu cuối trên thị trường hiện nay. Qualcomm có thể có hướng giải quyết thế nào?
Thiết bị CDMA, cũng như các thiết bị đầu cuối 3G khác, có những tính năng khác hơn là thế hệ 2G, vì vậy cách quản lý và phân phối có khác với 2G, nếu có chuẩn bị kế hoach tốt thì ngay cả các mạng CDMA 1x nhỏ, như tại Indonesia, cũng đã làm các đối thủ khó khăn vì mẫu mã, chất lượng và giá cả tốt hơn các máy của GSM.
Chúng tôi được biết, trong năm 2007 vừa qua, riêng S-Fone đã trợ giá và nhập về Việt Nam được khoảng 30 kiểu mẫu điện thoại di động CDMA, trong khi 5 nhà sản xuất điện thoại di động GSM đã tung ra đến gần 300 mẫu.
Về số lượng kiểu mẫu và giá cả thiết bị đầu cuối, trong thời gian tới Qualcomm sẽ sát cánh hỗ trợ các nhà khai thác mạng CDMA. Song song, chúng tôi cũng sẽ hợp tác để đưa thêm nhiều ứng dụng mới cho người tiêu dùng.
Năm 2008, Qualcommm sẽ đưa ra chip CDMA tích hợp cả hai tần số 450 và 800 MHz, để những sản phẩm có chip này có thể sử dụng được cho cả 2 mạng S-Fone và EVN Telecom.
Theo Vneconomy |