|
Ảnh: Đ.N
|
1. Tòa soạn cử đi Đà Nẵng dự Hội nghị quốc gia về đào tạo nhân lực CNTT.
2. Cứ vào cuối năm là ngành ngành, nhà nhà, người người hay tổng kết. Hôm rồi có nghe cơ quan quản lý công bố: Doanh số ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2007 đã đạt xấp xỉ 500 triệu USD. Đây cũng là mục tiêu mà vào năm 2000, Chính phủ đặt ra cho năm 2005 nhưng đã không thành hiện thực. Thôi thì cũng mừng cho dù phải cộng thêm 2 năm nữa con số 500 triệu USD phần mềm Việt Nam mới vươn tới. Chỉ riêng việc bình luận đạt hay không đạt, thành công hay thất bại… quanh con số này cũng đã khiến chuyên gia và các nhà báo tốn không biết bao nhiêu là giấy mực rồi.
5 năm về trước, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực cho ngành phần mềm, từ anh lập trình viên đến người quản trị dự án, từ anh thiết kế hệ thống đến chị làm marketing… Chuẩn bị chưa kỹ thì mục tiêu chưa thể đạt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hôm tại hội nghị Đà Nẵng, nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rằng “chỉ 10% nhân lực CNTT hiện nay đáp ứng được yêu cầu”, thì chẳng ai là không lo. Không hành động nhanh để có được đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tế thì những dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT-TT đang “ùn ùn” kéo vào nước ta không khéo rồi cũng lại “lũ lượt” kéo nhau ra đi. Lo lắm!
3. Hôm nọ mấy anh em làm CNTT tự ngồi tổng kết năm trong một quán cafe ở Hà Nội, có người bảo 2007 dường như là “năm hạn” của CNTT Việt Nam hay sao mà kết cục của Đề án 112 buồn quá: Sau 6 năm triển khai, Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng này đã bị Thủ tướng yêu cầu dừng lại, Trưởng ban điều hành đề án và Thư ký ban bị cơ quan công an khởi tố với những hành vi lạm chức tham ô. Không chỉ vậy, hệ quả của Đề án này đã khiến cho nhiều dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước bị đóng băng và ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường CNTT.
Có lẽ cũng chẳng phải hạn gì đâu, bởi thất bại của đề án lớn nhưng không hề có sự chuẩn bị kỹ này là điều đã được nhiều chuyên gia và các nhà báo tâm huyết dự báo và lên tiếng cảnh báo ngay từ khi nó bắt đầu được triển khai. Chỉ tiếc là những người có trách nhiệm đã không chịu lắng nghe những lời phản biện, để rồi phải ra nông nỗi này!
Nhưng nhiều người làm CNTT chân chính thì rất buồn. Buồn không chỉ bởi thất bại của một Đề án, buồn không chỉ bởi những người có trách nhiệm (nhưng lại vô trách nhiệm) trong Đề án này vướng vòng lao lý, mà còn buồn bởi rất có thể cánh nhìn của xã hội vào CNTT sẽ khác: CNTT không phải là công cụ kỳ diệu để làm thay đổi về chất cuộc sống con người và năng suất lao động của nền kinh tế, mà CNTT là nơi mà những người ham lợi có chỗ “đục khoét”.
4. Thấm thoắt cũng đã hơn 7 năm trôi qua kể từ ngày tôi bước chân vào làng báo CNTT và may mắn được chứng kiến nhiều dấu mốc của CNTT Việt Nam thời gian qua, đó là thời tràn đầy hy vọng vào Nghị quyết 07/CP của Chính phủ với mục tiêu 500 triệu USD doanh số phần mềm đến năm 2005, đó là thời “sục sôi khí thế cách mạng” với Chỉ thị 58/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ CNH, HĐH, đó là Nghị định 55/CP với một tinh thần phát triển Internet rất mở “quản lý phải theo kịp với thực tiễn phát triển”… Đã từng được gặp gỡ, đối thoại, trò chuyện với những chú, những anh, những chị (cả làm quản lý nhà nước và doanh nghiệp)… rất tâm huyết và hăng say với sự phát triển của CNTT nước nhà. Hơn 7 năm trôi qua, có nhiều việc mà chúng ta đã làm được, đã đạt được so với mục tiêu đề ra, nhưng cũng còn đó không ít việc chúng ta chưa thể hoàn thành.
5. Nhưng thôi, cũng chẳng nên bị ám ảnh bởi những chuyện không vui nêu trên, bởi theo quy luật Đông tàn thì Xuân đến, Tre già thì Măng mọc. Nếu được đánh cược thì tôi xin đặt trọn niềm tin vào lớp trẻ, đặc biệt là thế hệ 8x, sẽ làm rạng danh CNTT nước nhà. Cũng chỉ vài ba năm trước thôi, chẳng thể nào hình dung ra được những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi tại Việt Nam lại nhận được hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài rót vào để gây dựng nào là “chợ điện tử”, là công cụ tìm kiếm bamboo, socbay, timnhanh…, là mạng xã hội Cyworld…, là trang web chia sẻ video trực tuyến clip.vn, yeuamnhac.com…, để cạnh tranh sòng phẳng với các “đại gia” như Google, Yahoo, Microsoft… Ngồi nói chuyện với họ, thấy mình không những trẻ lại mà còn được học hỏi từ họ rất nhiều điều thú vị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổng giám đốc Công ty FPT Trương Gia Bình, khi xây dựng Chiến lược 2.0 cho công ty này, lại mặc quần bò, áo phông và dành khá nhiều trong quỹ thời gian của mình để lang thang hàn huyên cùng lớp trẻ. Chắc hẳn những người trẻ tuổi sẽ đem lại cho vị tổng giám đốc công ty CNTT hàng đầu Việt Nam rất nhiều điều thú vị.
Tương lai của đất nước chính là các bạn trẻ. Ngoài kia, Đào đã nở, Mai đang khoe sắc. Xuân đã về!
Theo Ictnews