Như vậy, đã tròn 5 tháng từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập. 5 tháng với rất nhiều công việc mà Tân Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ phải giải quyết, từ ổn định tổ chức, bộ máy đến xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, định hướng chương trình, mục tiêu trọng điểm… để “Năm 2008 sẽ là năm hành động quyết liệt để khẳng định vị thế của Bộ mình, ngành mình…” như khẳng định của Bộ trưởng.
Xin Bộ trưởng chia sẻ với bạn đọc Báo BĐVN đánh giá của mình về những việc đã làm được kể từ khi thành lập Bộ TT&TT đến nay?
Sự ra đời của Bộ Thông tin và Truyền thông là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển ở tầm cao mới của ngành Thông tin và Truyền thông. Đương nhiên, sự ra đời của một Bộ, trên cơ sở hợp nhất các ngành, các lĩnh vực BCVT, CNTT, báo chí, xuất bản sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong những ngày đầu đi vào hoạt động. Theo tôi, sau hơn 5 tháng nỗ lực phấn đấu, đến nay Bộ đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, thể hiện ở các việc cụ thể sau:
Thứ nhất, chăm lo công tác tư tưởng, tạo nhất trí cao trong nội bộ, từ cán bộ đương chức đến các cán bộ đã nghỉ hưu, từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, làm cho mọi người nhận thức được chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông, vị trí, vai trò của Bộ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay. Từ đó, tăng cường đoàn kết, hợp lực vì nhiệm vụ chung.
Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi đến thế hệ trẻ của ngành ta lời chúc ngắn gọn: “3 có 1 chịu”. 3 có là: có sức khỏe, có trí tuệ, có khát vọng và 1 chịu là chịu hành động. Hành động để biến tất cả những gì mình mong ước thành hiện thực, để góp phần đưa ngành ta phát triển, vươn lên xứng đáng với vai trò mà Đảng, Nhà nước mà nhân dân giao phó”
|
Thứ hai, tập trung xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những việc cần làm của Bộ. Trọng tâm, trọng điểm bao trùm là tăng cường công tác quản lý nhà nước, từ đó, xác định 10 trọng điểm cần tập trung cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên cơ sở chức năng mới, nhiệm vụ mới của Bộ.
Thứ ba, hoàn thành việc xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành giai đoạn năm 2007-2010.
Thứ tư, tiếp tục việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Trong đó tập trung chuẩn bị sửa đổi hai Luật là Luật Báo chí, Luật Xuất bản, chuẩn bị 3 dự án Luật mới là Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Bưu chính và chuyển phát; đồng thời trình Chính phủ ban hành một một số nghị định, trong đó có Nghị định mới về Internet (thay thế Nghị định 55); các quy chế cho việc chuẩn bị thi tuyển cấp phép 3G, thử nghiệm WI-MAX….
Thứ năm là định hướng 24 lĩnh vực cần đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện mà hiện nay còn lúng túng chưa rõ hướng đi cách làm.
Thứ sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với phân công, phân cấp.
Thứ bảy, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, làm việc với các địa phương và các ngành Trung ương có liên quan đến hoạt động của Bộ mới.
Thứ tám là tăng cường hợp tác quốc tế trên cả 5 chức năng hoạt động của Bộ.
Thứ chín, nâng cao chất lượng sinh hoạt nội bộ, từ giao ban tuần, giao ban tháng, giao ban quý.
Tóm lại 5 tháng vừa qua là 5 tháng xác lập cách làm việc mới, trong đó tạo không khí đoàn kết, cộng sự… xác định được những việc cần làm, để từ đó đoàn kết, hợp lực tốt, tạo thế đứng, thế phát triển mới cho năm 2008.
Trên cơ sở đó, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2008?
Nhiệm vụ trọng điểm năm 2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông trước hết là tập trung cao nhất cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử; Thứ hai là tìm các giải pháp đẩy nhanhï phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số, tạo động lực cho ứng dụng CNTT, phát huy lợi thế của trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và hội nhập; Thứ ba là tăng cường các cơ chế, chính sách về quản lý báo chí, tạo ra không gian thông thoáng giúp báo chí phát triển tốt và đúng hướng; Thứ tư là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông, hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ năm là tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, đặc biệt là nhân lực quản lý, đầu đàn, mũi nhọn. Thứ sáu là tập trung cho cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của công chức, giảm tiêu cực, phiền hà; Thứ bảy là hoàn thiện bộ máy theo Nghị định 187 của Chính phủ theo nguyên tắc chọn người đứng đầu ngang tầm, chọn lọc đội ngũ chuyên viên có chuyên môn cao và khả năng chỉ đạo quản lý nhà nước tốt hơn; Thứ tám là tiến hành phân cấp một cách cụ thể hơn để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, đánh giá cán bộ tốt hơn, từ đó, sàng lọc đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thứ chín là tăng cường hợp tác quốc tế để có nguồn lực, bài học để đi nhanh hơn trên các lĩnh vực; Thứ mười, tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty Bưu chính trong việc ổn định tổ chức, bộ máy, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu giảm bù lỗ, và hạch toán cân bằng, chất lượng phục vụ tốt hơn. Nhiệm vụ cuối cùng là tăng cường đoàn kết, hợp lực để cho các Cục, Vụ, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT xử lý công việc nhanh hơn và có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, cơ sở.
Tôi có 2 sự tổng kết “để đời” từ những năm tháng đó: đó là thức ăn ngon nhất trên đời là muối và cái đáng sợ nhất đối với con người là sự cô đơn”
|
Thưa Bộ trưởng, ấn tượng nổi bật của cán bộ, công chức trong Bộ sau 5 tháng làm việc với Bộ trưởng là tác phong nhanh gọn, dứt khoát, là tính quyết đoán, xốc vác trong công việc. Phải chăng, đó chính là những phẩm chất của một con người đã luyện qua quá trình hoạt động thực tiễn dạn dày?
Trước hết phải nói, tôi là người may mắn được Đảng luân chuyển và điều động qua nhiều môi trường công tác, từ lực lượng vũ trang sang công tác chính quyền, công tác Đảng, từ cơ sở, lên Ngành, lên tỉnh, Thành và Trung ương, từ quản lý nhà nước đến quản lý kinh tế, từ kinh tế sang xây dựng Đảng… Điều này giúp cho bản thân có cơ hội phấn đấu và hơn nữa có vốn liếng từ thực tiễn để hoàn thành các nhiệm vụ ngày một tốt hơn. Mặt khác, tố chất của cá nhân cũng được hình thành và nhân lên trong môi trường người lính. Người lính có nhiều tố chất, trong đó có 3 tố chất quan trọng nhất, đó là tư tưởng chủ động tiến công, tính cộng đồng, cộng sự, tinh thần đồng đội và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên rất cao.
Trong 20 năm đổi mới, từ Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố Vinh (Nghệ An), đến nay tôi đã trải qua nhiều cương vị khác nhau đều với tư cách là người đứng mũi chịu sào. Hoàn cảnh đó đã tạo cho tôi một phong cách dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn lấy hiệu quả công việc làm thước đo sự tín nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, cần xác định làm bất kỳ việc gì cũng lấy thước đo ba mặt là hiệu quảø kinh tế, chính trị và xã hội để hành động.
Tất cả những ai từng trải qua đời lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường đều coi đó là quãng đời không thể nào quên, quãng đời của những dấu ấn và kỷ niệm cực kỳ sâu sắc. Bộ trưởng có thể chia sẻ một vài trải nghiệm của đời lính?
Quả thật, những năm cầm súng trên chiến trường (tôi gia nhập quân đội từ năm 1968 đến năm 1976) đã để lại trong tôi những dấu ấn, những trải nghiệm mà sau này không thể có được, bởi nó được đúc kết từ thực tiễn khốc liệt nhưng cũng đầy vinh quang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chẳng hạn, tôi có 2 sự tổng kết “để đời” từ những năm tháng đó: đó là thức ăn ngon nhất trên đời là muối và cái đáng sợ nhất đối với con người là sự cô đơn.
Khi nói thức ăn ngon nhất trên đời là muối là vì nó gắn với một kỷ niệm về quãng thời gian mười mấy ngày đơn vị bị địch bao vây tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), mọi đường tiếp tế đều bị cắt. Thiếu thốn đủ thứ nhưng đáng sợ nhất vẫn là thiếu muối. Anh em cố tận dụng các loại quả trong rừng, cả mít non trên rẫy của đồng bào luộc lên làm cái ăn nhưng không có muối nên không thể ăn được. Anh em phải đi cắt cỏ tranh về đốt lên rồi hòa tro với nước, chấm với quả rừng mà ăn để lấy cái vị chát chát, mằn mặn thay muối nhưng vẫn không ăn thua, không thể thay thế được. Bắt được con thú rừng, nhưng thiếu muối, nhìn thấy thịt phải rùng mình. Đến khi phá được vòng vây địch, muối và lương thực được tiếp tế đến, chỉ ăn cơm với muối trắng vẫn thấy ngon lạ lùng.
Còn cái đáng sợ của sự cô đơn là trong tình huống một sỹ quan cấp tá của ta chiêu hồi, đầu hàng địch. Vì vậy, cả trung đoàn phải ngay lập tức di chuyển, rời khỏi vị trí để đề phòng địch tập kích, không đủ thời gian mang theo hết vũ khí, quân trang, quân dụng. Cả đơn vị chỉ để lại một người trông coi doanh trại. Lúc đó, tôi là đảng viên trẻ vừa kết nạp tại chiến trường nên xung phong ở lại quản lý vũ khí quân trang, quân dụng chờ đến tối hôm sau đơn vị trở về mới có đủ điều kiện di chuyển hết. Cả một khu rừng rộng lớn đang ồn ào, rộn rã tiếng đồng đội bỗng nhiên vắng lặng như tờ. Trong hoàn cảnh như vậy mới thấy sự cô đơn thật kinh khủng. Tất cả đều vắng lặng không một tiếng người, con suối hàng ngày anh em vẫn tắm vui đùa, nay hoang vắng, lạnh lẽo. Đêm xuống, ngồi trong hầm sợ hổ, trèo lên cây thì sợ ngủ quên rơi xuống, cứ trèo lên trèo xuống cả đêm như vậy… Lúc đó mới thấy nhớ đồng đội vô cùng và thấm thía hơn cả là sự khủng khiếp của nỗi cô đơn.
Ngoài những trải nghiệm nêu trên, Bộ trưởng còn có những kỷ niệm nào sâu sắc trong những năm ở chiến trường?
Có thể nói trong đời lính, tôi có 2 kỷ niệm không bao giờ quên. Thứ nhất là khi tiến sang giải phóng Campuchia, nơi có trại giam hơn 2.000 Việt kiều ở tỉnh Crachiê năm 1970. Khi chúng tôi đến nơi, bà con Việt kiều tràn ra ôm lấy bộ đội, vừa khóc vừa cười nghẹn ngào và nói rằng, các anh là những người sinh ra chúng tôi lần thứ hai, vì chậm một buổi nữa là bị địch thủ tiêu tất cả. Kỷ niệm thứ hai là ngày giải phóng Sài Gòn. Thật khó tả cảm xúc lúc đó. Suốt mấy ngày liền ít ăn không thấy đói, không ngủ không thấy mệt, tâm trạng cứ lâng lâng với cảm xúc say sưa chiến thắng. Niềm hạnh phúc của người còn sống sau khi kết thúc chiến tranh hòa với nỗi nhớ thương những đồng đội đã hy sinh. Kết thúc chiến tranh, công lao to lớn thuộc về những người đã khuất, còn những người còn sống được hưởng thụ những thành quả của chiến thắng phải coi đấy là may mắn, là vinh dự và phải sống có trách nhiệm đối với quá khứ, với đồng đội, đồng chí, đồng bào.
Trước thềm Xuân mới Mậu Tý, Bộ trưởng gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ toàn ngành và bạn đọc Báo Bưu điện Việt Nam?
Ngành Thông tin và Truyền thông của chúng ta đã được Đảng và Nhà nước xác định là ngành tiên phong, đi đầu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, là ngành tập trung những thành tựu tiên tiến của trí tuệ nhân loại. Vì vậy, vai trò của thế hệ trẻ trong sự phát triển của ngành là cực kỳ to lớn. Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi đến thế hệ trẻ của ngành ta lời chúc ngắn gọn: “3 có, 1 chịu”. 3 có là: có sức khỏe, có trí tuệ, có khát vọng và 1 chịu là chịu hành động. Hành động để biến tất cả những gì mình mong ước thành hiện thực, để góp phần đưa ngành ta phát triển, vươn lên xứng đáng với vai trò mà Đảng, Nhà nước mà nhân dân giao phó.
Với Báo Bưu điện Việt Nam, tôi chúc Báo tiếp tục vươn mình trong năm mới để làm tròn chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông, phấn đấu trở thành tờ báo dẫn đầu trong hệ thống báo chí của các Bộ, ngành. Chúc bạn đọc của Báo Bưu điện Việt Nam luôn luôn theo sát tờ báo, ủng hộ, động viên, khích lệ, góp ý xây dựng để tờ báo ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin bạn đọc gần xa.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Ictnews