Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 28/01/2008
Người đối đầu 112

Ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM. Ảnh: Quốc Việt.

"Đề án 112 chắc chắn thất bại, nếu không đúng tôi sẽ rời ghế". Đó là lời nặng nề mà ông Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM Lê Mạnh Hà hay nói trong những ngày còn một mình kiên trì đấu tranh với phần chìm tiêu cực của đề án 112.

Có người nghĩ ông gay gắt cá nhân. Có người tin ông dựa chỗ {chống lưng} nên mới dám quyết đấu với các quan chức điều hành đề án ngoài trung ương. Nhưng những người hiểu ông thì không nghĩ vậy …

Đường đời gập ghềnh

Đã biết và hiểu ông Lê Mạnh Hà khá lâu, nhưng tôi vẫn bất ngờ khi nghe ông tâm sự đời mình. Sự thật, nó không hề thẳng tiến bằng lý lịch như nhiều người từng nghĩ. Tốt nghiệp đại học kỹ thuật quân sự năm 1981 với bằng kỹ sư thông tin quân sự, ông làm nghiên cứu và có thời gian phục vụ chiến đấu ở Campuchia. Sau đó, ông sang Nga nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ viễn thông. Về nước, ông tiếp tục phục vụ quân đội đến cấp bậc thiếu tá, mới chuyển sang đi dạy và làm Trưởng khoa Thông tin điện tử Trường Hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, tính cách không thể ngồi mãi một chỗ với công việc lặp lại, nên ông lại tiếp tục khăn gói qua Đại học Harvard (Mỹ) học thêm thạc sĩ quản lý kinh tế vĩ mô. Năm 1997, ông nhận việc ở một chỗ được nhiều người thèm muốn là Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng ngồi chưa ấm chỗ, ông đã {tụt} xuống làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Chỉ được hai năm, ông lại tiếp tục {xuống} làm Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.

Nghe tôi nói "nhiều người khó hiểu quan lộ của ông, thậm chí nghĩ ông đang dụng binh pháp nhẫn nại chờ thời để leo cao hơn" – ông Hà cười lặng lẽ. Ông chẳng phản đối cũng không thanh minh, chỉ cảm ơn thời gian sát với dân ở quận cho ông vốn sống và hiểu lòng dân hơn.

Ngồi miên man chuyện xưa bên tách trà bốc khói, ông Hà trầm giọng với tôi rằng hai năm ở quận ngắn ngủi, nhưng "đụng chạm" nhiều việc phức tạp, cho ông điều kiện gần gũi với dân, mà quý báu nhất là ý chí đấu tranh với tiêu cực của Đề án tin học hóa quản lý nhà nước.

"Đụng" 112

Năm 2004, ông Hà vừa nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM đã {đụng} ngay Đề án 112. Là một tiến sĩ chuyên ngành viễn thông, học thêm quản lý kinh tế ở Đại học Harvard, đặc biệt là đã trải nghiệm thực tế nhiều công việc khác nhau, nên ông Hà phát hiện Đề án 112 có quá nhiều "hạt sạn" trong cả chuyên môn, pháp lý lẫn tài chính.

Một số cộng sự của ông (trước đó đã làm việc với Đề án 112) đều khuyên ông nên tránh húc đầu vào "bức tường bêtông cốt thép" ở tận ngoài trung ương này. Ông lắng nghe tất cả rồi hỏi họ: "Trung bình một người dân đóng thuế bao nhiêu mỗi năm? Vậy thì cần bao nhiêu người dân đóng thuế mới đủ ngân sách để đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào Đề án 112 này?".

Về nhận nhiệm sở chưa đầy một tháng, ông Hà đã quyết định bắt đầu "cuộc chiến" với Ban điều hành Đề án 112. Văn bản đầu tiên phân tích các điểm bất hợp lý, đánh giá toàn bộ hệ thống, và kiến nghị về 112 được ông ký gửi đi ngày 16.12.2004 trong khi Sở Bưu chính Viễn thông chính thức ra mắt hoạt động sau đó một ngày. Sự việc căng thẳng lại càng nóng hơn khi ông công khai tuyên bố không tiếp tục triển khai Đề án 112 ở phạm vi TPHCM.

Là người đầu tiên "khai chiến" với 112, ông đã gửi hàng chục văn bản đi các cấp nêu rõ những bất hợp lý, sai phạm và đề nghị xử lý. Đặc biệt, ông còn cung cấp rất nhiều thông tin giá trị cho báo chí, gióng lên chuông cảnh báo khi vụ việc khuất tất còn đang bị che kín.

Tuy nhiên, câu trả lời mà ông cần nghe nhất ở chính Ban điều hành Đề án 112 thì lại luôn im lặng. Họ chỉ "phản pháo" ông trong một cuộc họp ngoài trung ương, nhưng lại không liên quan gì đến nội dung 112 mà là chương trình triển khai công nghệ thông tin riêng ở TPHCM. Sau khi nghe ông báo cáo xong, nhiều vị lãnh đạo trong Ban điều hành Đề án 112 thay nhau đứng lên "độp" lại: "Chương trình viển vông, ảo tưởng, không áp dụng thực tế được".

Ông Hà không tranh luận, chỉ bình tĩnh trả lời: "Nếu không tin, mời các anh vào TPHCM khảo sát thực tế. Tôi sẵn sàng nhận kiểm điểm, thậm chí xử lý theo pháp luật, nếu sai". Họ im lặng và cũng không vào, cho đến ngày bị thanh tra, rồi Bộ Công an điều tra, bắt tạm giam cả loạt người đứng đầu…

Mấy năm kiên trì đấu tranh với Ban điều hành và những cái sai trong Đề án 112, người ta nghĩ rằng ông sẽ rất vui khi thấy kết quả này. Nhưng đối diện nhau, tôi nhìn gương mặt ông vẫn trầm lặng, ít nói như ngày nào. Ở TPHCM, ông quyết tâm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng riêng cho địa phương. Mục tiêu là tiến đến thành phố điện tử để phục vụ trực tiếp người dân và giúp cán bộ, công chức làm việc tốt hơn. Nó đã chứng tỏ hiệu quả ngay từ khi ông triển khai ở quận Bình Thạnh. Người dân Bình Thạnh khi đó ngồi nhà nhấc điện thoại là có thể biết hồ sơ của mình đến đâu qua hệ thống tra cứu tự động có mã vạch, số điện thoại riêng…

Bây giờ, ngồi chia nhau ngụm trà trong chiều giao mùa se lạnh hiếm hoi ở TPHCM, tôi xin phép được hỏi mấy câu tế nhị. Ông Hà cười: "Tôi cũng muốn nói hết ruột gan mình".

Xin lỗi! Một câu hỏi tế nhị: Có ý kiến rằng nếu không phải là con của nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, ông đã không thể đấu tranh quyết liệt như thế?

Đúng là tôi có nhìn vào gia đình. Nhưng tôi nhìn vào đó để càng ý thức mình phải đấu tranh đúng đắn, trách nhiệm hơn. Tôi là cán bộ quản lý nhà nước. Tôi tin cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Không thể trắng đen lẫn lộn được. Nếu tôi là người dân bình thường, tôi vẫn quyết đấu tranh với cái sai.

Ông có nghĩ rằng mình đang đứng ở vị trí phản biện trong xã hội?

Khéo quá, tế nhị quá thì chẳng làm được gì. Nhưng chỉ phản biện mà không tìm được lối ra cũng chưa đủ. Tôi không chỉ phản biện, mà đưa ra cách làm khác tốt hơn và phải thực hiện bằng được.

Ông có gì phải ân hận trong quá trình làm việc?

Tôi từng phục vụ quân đội rồi dạy học, nhưng vẫn quyết định chuyển việc vì không phù hợp công việc lặp lại. Tôi tự nhủ, nếu không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, tôi sẽ nộp đơn nghỉ việc để nhường người khác. Tôi chỉ tiếc có một số việc chưa đủ thời gian thực hiện. Nhưng tôi cũng thấy mình may mắn vì có nhiều bạn bè tâm huyết, trong sáng. Sau giờ làm việc, tôi có thú đọc sách, nhất là những cuốn viết về lịch sử chiến tranh Việt Nam của các tác giả nước ngoài. Tôi muốn hiểu họ nghĩ gì về chúng ta …

Ông có muốn con nối nghiệp ông, cha?

Sự thật là cha tôi từng muốn tôi theo con đường khoa học, chứ không phải chính trị. Còn bây giờ, tôi chỉ khuyên con cố gắng học giỏi văn hóa, mà nhất là đạo làm người. Nó sẽ là nền móng vững chắc cho bất cứ nghề nghiệp tương lai nào của con cái sau này…

Theo Lao động

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0