Từ chia sẻ kiến thức câu cá...
Một trong các mảng được nhiều người tham gia chia sẻ trên mạng hiện nay là các câu lạc bộ (CLB) giải trí câu cá; nuôi chim, cá cảnh; trồng và thưởng thức hoa, cây cảnh. Trước tiên xin nói về website: www.4so9.com, trang web chuyên về câu cá đầu tiên ở Việt Nam. Với phương châm “Câu cho vui đời”, rất nhiều người ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, không biên giới đã cùng tham gia, miễn là thích câu hay thích những câu chuyện về câu cá. Mọi thành viên đều có quyền tham gia làm phong phú cho nội dung website dưới sự kiểm soát của ban điều hành để đảm bảo nội dung đưa ra trong sáng, lành mạnh, đúng với phương châm của CLB. Họ chia sẻ những bí quyết (mà trước kia điều này khó có thể xảy ra) về cách làm mồi, làm thính, chọn cần câu, dây câu, máy câu... Họ chỉ cho nhau những nơi có cá, câu được nhiều cá. Hướng dẫn cho nhau cách phòng chống tai nạn thường gặp lúc đi câu, chia sẻ với nhau niềm đam mê bất tận của mình trong các chuyến đi câu qua những bài ký, phóng sự, thơ có minh họa hình ảnh, đoạn video ngày càng phong phú. Đến nay, 4so9 đã có 6.892 thành viên. Thông tin ngày càng phong phú hơn, tích tụ hơn, do đó càng thu hút được nhiều người viếng thăm.
|
Trang chủ của website: www.4so9.com |
Một website chuyên về câu cá khác hấp dẫn không kém là với tên gọi tắt: HNC. HNC cũng có những nội dung tương tự như 4so9, nhưng quy mô nhỏ hơn, lượng thành viên cũng ít hơn (1.521 thành viên). Tuy nhiên, HNC lại có lợi thế là gắn với Hà Nội nên được khá nhiều người yêu Hà Nội “lui tới”. Điển hình nhất là chuyện ông Vũ Bằng, 71 tuổi, Việt kiều Pháp - một người Hà Nội đã phiêu bạt từ thuở trai trẻ trước khi Hà Nội được giải phóng năm 1954 - vốn đã mê câu từ ngày bé. Mãi gần đây có dịp trở về đất mẹ, ông đã vào thăm HNC và chia sẻ những tấm ảnh Hà Nội xưa thật quý (chụp từ 1884 - 1950) mà gia đình ông sưu tầm và còn lưu lại. Trong đó, bức ảnh khá ấn tượng đã được vị bác sỹ người Pháp, Charles-Edouard Hocquard chụp lần đầu năm 1884 - cảnh người Hà Nội đi câu ngay trên hồ Gươm, cạnh tháp Hòa Phong. Ông Bằng có ước nguyện tìm chụp lại những địa danh xưa ở những vị trí mà người xưa đã chụp để so sánh Hà Nội xưa và nay. Hàng chục bức ảnh quý mà cả đến người Hà Nội gốc cũng không mấy người nhớ được hay tưởng tượng ra đã được ông giới thiệu. Ví dụ: đền Quan Thánh xưa ở sát mép nước chứ không lùi vào trong như bây giờ.
Khá nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài tham gia website này chia sẻ cái thú đi câu dù là ở nơi nào trên thế giới. Có anh/chị ở Nhật Bản, Canada, Pháp, Úc, Mỹ... gửi đến những bài viết sinh động với nhiều thông tin bổ ích không chỉ về thú đi câu mà còn cả trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên quý giá này.
|
Theo địa chỉ http://forum.hanoifishing.com/showthread.php?t=8520, bạn có thể tìm thấy nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về thủ đô của người gửi dưới bút danh Vũ Bình Minh. |
|
|
Câu cá bên tháp Hoà Phong, 1884 (Nguồn HNC).
|
|
... Đến thú vui trồng cây - nuôi chim, cá cảnh
Nếu hai website trên mang lại cho những người mê câu những giây phút thư giãn thanh bình thì www.aquabird.com.vn (thường gọi tắt là ABV – CLB chim cá cảnh Việt Nam) lại cuốn hút người ta bởi những lý do khác, tĩnh tại hơn, tỷ mỷ hơn và cũng có lúc rộn ràng hơn nhiều. Đó là CLB những người chơi chim, cá cảnh, trồng hoa, cây cảnh. Cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, cả em nhỏ trên 10 tuổi lẫn người già ngoài 80 tuổi, tất cả đều trao đổi một cách cởi mở, nhẹ nhàng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình trong nghề chơi.
|
Trang chủ www.aquabird.com.vn |
Nếu bạn thích nuôi cá và chưa biết gì về cá cả, bạn hãy vào đây, ở đây bạn sẽ được hướng dẫn từ A đến Z và còn kéo dài mãi. Bạn còn đặt ra yêu cầu, câu hỏi thì sẽ còn nhận được vô số các lời khuyên. Nếu bạn rất thích nghe tiếng chim hót nhưng không phân biệt được tiếng họa mi, sơn ca, yến, khướu, chích choè... con nào hót hay hơn thì mời bạn vào ABV. Ở đây, bạn sẽ khám phá cả một thế giới chim cảnh dưới góc nhìn của hàng ngàn người. Cả những người tương đối “sành” trong lĩnh vực này cũng sẽ có nhiều ngạc nhiên. Ví dụ người ta cứ tưởng hoạ mi chỉ có một giọng hót với vô vàn biến tấu nhưng thực tế họa mi có đến 4 giọng hót (vui vẻ, tự sự, thách đấu và giã từ), trong đó tiếng hót giã từ chỉ vang lên một lần duy nhất trước khi chết!
Bạn muốn trồng hoa hay cây cảnh ư, vào ABV bạn sẽ được sẻ chia tất cả những gì cộng đồng người trồng hoa, cây cảnh có được. Bạn cũng sẽ tiếp nhận được những thông tin từ người đi trước. Đến lượt mình, khi đã có kinh nghiệm nhất định, bạn chia sẻ lại với người khác. Có lẽ vì tính phong phú, hấp dẫn và rất nhân bản này mà ABV thu hút được nhiều người tham gia. Tính đến thời điểm viết bài này đã có 17.408 thành viên tham gia ABV.
Xã hội thông tin và đôi điều suy ngẫm
|
Nuôi cá tĩnh tâm, nuôi website tĩnh trí (ảnh ABV) |
Thế giới số (digital) mang lại cho chúng ta những gì mà thế giới tương tự (analog) không thể mang lại. Một website hay, hấp dẫn, có sức sống mạnh mẽ phải là website của mọi người và mọi người vì website đó. Các website nói trên có hàng nghìn thành viên và tất cả đều đóng góp phần của mình với cộng đồng, họ là chủ sân chơi. Đây cũng là lý do thành công quan trọng nhất.
Trong xã hội đã và đang xuất hiện những website tương tự như thế với nội dung chuyên về văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, việc làm, giải trí, thông tin hành chính... giúp người dân đều có thể tìm kiếm, chia sẻ thông tin... Đó là những cung bậc dẫn chúng ta tiến dần tới một xã hội thông tin.
|
Năm 1991, Internet bắt đầu có “dây mơ rễ má” với Việt Nam. Lúc đó, viện Công Nghệ Thông Tin (CNTT) thuộc trung tâm Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ Quốc Gia (tức viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam ngày nay) đã phối hợp với ĐH quốc gia Úc (ANU) nghiên cứu một dự án của Liên Hiệp Quốc (UNDP). Nội dung nghiên cứu cụ thể là: Thiết lập cổng Internet cho Việt Nam phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo. Vì lúc bấy giờ cấm vận chưa được dỡ bỏ nên chúng ta phải nhờ bạn đăng ký và giữ giùm mail server “.vn” bên Canbera, Úc. Những người được đăng ký địa chỉ email đầu tiên trong nước sử dụng tên miền “.vn” là các cán bộ khoa học của trung tâm Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ Quốc Gia. Đến tháng 11/1997, Nhà Nước chính thức cho phép mở cổng Internet. Trong 10 năm tiếp theo, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng số người sử dụng Internet vào loại nhanh nhất thế giới. Từ vài chục ngàn người sử dụng email và có cơ hội truy cập Internet thuở ban đầu, hiện nước ta đã có hơn 16 triệu người thường xuyên sử dụng Internet. Với sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp cũng như nhiều công nghệ mới (nổi bật nhất là công nghệ ADSL) đã làm giảm giá thuê bao Internet xuống mức bình dân. Giờ đây người Việt đã chủ động tham gia vào những cộng đồng chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm. Đó là khởi đầu của quá trình phát triển mới mẻ, đầy nhân bản.
|
Theo Pcworld