Ra đời nhiều kênh TTĐT
Năm qua, một loạt các công ty, tổ chức cung cấp các dịch vụ thanh toán (TT) điện tử đã ra đời như Vinapay (thành lập tháng 2/2007), Vietpay (tháng 5/2007), PayNet (ra mắt tháng 4/2007). Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hàng loạt các dịch vụ TT như ePOS, iTICK, mPAY, Mr.Top up,... Thông qua các dịch vụ này, các công ty đang cung cấp các kênh TT hết sức đa dạng cho thị trường: TT qua POS (Điểm chấp nhận thẻ TT) với dịch vụ ePOS của PayNet; TT qua mạng Internet với iTICK.vn hay TT qua điện thoại di động với dịch vụ mPAY. Một tín hiệu lạc quan với thị trường TT trực tuyến là sự tham gia tích cực của các NHTM. Ngoài việc đầu tư cho công nghệ để cung cấp các dịch vụ Internet banking, Mobile Banking, các NH cũng nổ lực tìm kiếm đối tác, đơn cử như sự kết hợp giữa Vietcombank và Pacific Airlines giữa Techombank với 123mua.com.vn. Đặc biệt, hai liên minh là hệ thống chuyển mạch Banknetvn (khai trương tháng 4/2007) và Smartlink (ra mắt tháng 10/2007) nhằm liên kết các hệ thống thẻ của các NH; cùng nhau phát triển các kênh TT điện tử. Hiện Smartlink có 25 NH thành viên, trong đó 17 NH đã tham gia kết nối với 3 triệu thẻ ATM và 1500 máy ATM; Banknetvn có 7 NH thành viên với trên 3,8 triệu thẻ ATM và 2200 máy ATM. Sự liên kết của các NH đã mang lại nhiều ích lợi cho người tiêu dùng. Người sử dụng thẻ không còn phải tốn nhiều công sức tìm kiếm chiếc TM phù hợp để giao dịch. Không những thế, các liên minh này cũng đang tìm cách mở rộng hệ thống thanh toán quaPOS, ATM, Internet, điện thoại di động nhằm giúp khách hàng có thể mua sắm hàng hóa, dịch vụ, trả cước phí điện thoại, tiền điện, nước. Việc đẩy mạnh các phương thức TTĐT sẽ thúc đẩy khách hàng chuyển tiền từ việc sử dụng tiền mặt sang các công cụ TT điện tử.
Từ những yếu tố trên, có thể đánh giá năm 2007 là năm khởi sắc của TT ĐT và đây sẽ là tiền đề cho bước phát triển mới của TMĐT ở Việt Nam trong năm 2008.
Rào cản dầu được gỡ bỏ
Trước đây, TTĐT từng bị coi là “nút thắt cổ chai”, rào cản cho sự phát triển của TMĐT. Nhiều doanh nghiệp từng gặp khó khăn khi triển khai các dự án TMĐT do vướng mắc ở khâu TT. Nói về những vướng mắc trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng: do thói quen và ý thức của người dân về TMĐT; do hạ tầng CNTT của DN và NH chưa đáp ứng được yêu cầu nên an ninh giao dịch chưa được đảm bảo; do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện…
Sự “bùng phát” của các dịch vụ TTĐT trong năm 2007 có thể được lý giải do việc giải quyết tổng thể các vướng mắc kể trên trước nhu cầu thúc bách của thị trường. Khung pháp lý cho TMĐT đã đi vào cuộc sống với sự ra đời của hàng loạt các nghị định (NĐ) hướng dẫn thực hiện luật Giao Dịch Điện Tử: NĐ chữ ký số và chứng thực chữ ký số (tháng 2/2007); NĐ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (tháng 2/2007); NĐ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng (tháng 3/2007), trước đó là NĐ TMĐT (tháng 6/2006). Cuộc chạy đua đầu tư công nghệ của các NH, song song với đó là sự sáng tạo khi đưa ra các dịch vụ mới. Nhìn chung, các công ty, NH tham gia lĩnh vực này đã có sự quan sát kỹ và đưa ra các dịch vụ phù hợp với đặc điểm tâm lý và thói quen tiêu dùng trong nước. Bà Nguyễn Tú Anh, tổng giám đốc Smartlink cho biết, dịch vụ được công ty này chú trọng phát triển là phát hành các loại thẻ Debit (có bao nhiêu trả bấy nhiêu) và thẻ Prepaid (trả trước tiêu sau) thay vì phát triển các thẻ tín dụng (vay trước trả sau) như ở phần lớn các nước châu Âu. Điều này xuất phát từ việc nghiên cứu thị trường cho thấy, thị trường VN có một số đặc điểm chung giống với các thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc (… tiêu dùng không quen với việc vay trước trả sau). Do đó, các loại thẻ tín dụng ở những nước này đều không nhận được sự hưởng ứng như ở các nước châu Âu.
Tiền đề cho sự khởi sắc
Sự ra đời của hàng loạt các nhà cung cấp dịch vụ TTĐT đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các kênh TT không dùng tiền mặt. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó không thể không kể đến vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển của TMĐT ở VN thời gian tới. Một số website TMĐT nổi tiếng thế giới như ebay, Yahoo!, Google cũng đã quan tâm đến sự phát triển trong tương lai gần của thị trường TMĐT ở Việt Nam và đã nhanh chóng bước chân vào thị trường này. Theo quy luật thị trường, sau một thời gian cọ xát, nhà cung cấp mạnh sẽ vượt lên trên và giữ vị trí thống soái bởi đặc tính cạnh tranh trong lĩnh vực TT là nhà cung cấp dịch vụ càng có nhiều đối tác (bao gồm NH, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cá nhân) càng thu hút số đông khách hàng. Tuy nhiên, bà Tú Anh bổ sung, để trụ vững, không thể không kể đến hệ thống công nghệ và nguồn nhân lực để đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định, kịp thời, độ an toàn cao.
Dịch vụ NH chờ người ứng dụng
Hiện nay theo thống kê của NH Nhà Nước Việt Nam, số lượng TT bằng tiền mặt giảm xuống hàng năm khoảng 17%/năm. Tuy nhiên, việc TT bằng tiền mặt trong khu vực bán lẻ tư nhân còn rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý, văn minh thương mại. Việc thúc đẩy TT không dùng tiền mặt là mục tiêu trước mắt và lâu dàì của hệ thống NH.
Để xã hội Việt Nam thực sự thanh toán điện tử thì không chỉ cần có hệ thống NH mà còn cần sự tham gia của các doanh nghiệp/tổ chức cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Trong thời gian qua đã hình thành các hệ thống ATM, Phone Home Banking…Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các nhà cung cấp dịch vụ chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này và tâm lý sử dụng tiền mặt còn rất nặng. Rất ít hãng bán lẻ dùng POS và không có cơ chế nào hay luật qui định sử dụng. Vì vậy, hiện nay vẫn còn tồn tại tâm lý “sử dụng tiền mặt là thuận lợi”.
Dịch vụ trung tâm dữ liệu sẽ đáp ứng nhu cầu của ngành NH
Trong lĩnh vực NH, CMC mong muốn tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp hệ thống hạ tầng như cung cấp máy chủ, mạng... CMC cũng sẽ kết hợp với các đối tác lớn để đưa các giải pháp mạnh vào ứng dụng, nhằm đạt các giá trị gia tăng cho khách hàng. Khi NH ngày càng tăng giao dịch thì nhu cầu về bảo mật và an toàn dữ liệu cũng sẽ tăng cao. Việc sử dụng các dịch vụ của các trung tâm dữ liệu sẽ cho phép NH giảm chi phí đầu tư trong khi vẫn ứng dụng được những giải pháp công nghệ tiên tiến. CMC có kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu (data center) cho các NH và doanh nghiệp thuê sử dụng. Trung tâm dữ liệu ở Sài Đồng, Hà Tây dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2008.
Thanh toán điện tử bắt buộc phải xảy ra
Nếu bạn sống trong một nền kinh tế hiện đại, bạn sẽ không bao giờ phải đi mua xe máy hay ô tô với vali đầy tiền. Một xã hội hiện đại phải ứng dụng phương thức TTĐT. Nếu bạn là DN, bạn sẽ không cần phải có một xe tải đầy tiền đi theo suốt ngày phục vụ việc thu chi mà thay vào đó sẽ có NH thực hiện việc TT. Việc TT bằng thẻ ATM, ebanking … đã diễn ra rất nhanh ở Việt Nam vì nhu cầu đã có sẵn ở đây. Khi nền kinh tế phát triển, bạn sẽ không cần làm cái việc đến NH rút tiền, rồi đến Nguyễn Kim mua tivi LCD mà thay vào đó bạn sẽ đến Nguyễn Kim chọn máy và đưa cho người bán hàng một tấm thẻ nhựa và họ sẽ nói: “ Cảm ơn quí khách”. Bạn thấy đấy, Nguyễn Kim cũng sẽ không có sức để hàng ngày chở cả đống tiền của khách hàng đến NH. Trong tương lai, không ai có nhiều thời gian để làm những việc như vậy. Trung Quốc đã trải qua tình trạng này. Tôi đã làm việc 3 năm ở đó. Năm năm trước đây, TQ là một xã hội tiền mặt. Tiền mặt, tiền mặt và tiền mặt! Giờ đây ai cũng có tài khoản NH và thẻ tín dụng; còn doanh nghiệp ứng dụng mạnh các dịch vụ TT điện tử.
Với dân số ước đạt 84 triệu người năm 2007, Việt Nam có độ tuổi trung bình là 26. Thế hệ trẻ muốn có công nghệ mới nhất, muốn có sự thuận tiện. Họ sẽ không thích xếp hàng 2 giờ để trả tiền mà muốn trả nhanh trực tuyến. Việt Nam có dân số trẻ, ngày càng nhiều người được giáo dục và đào tạo tốt. Và chúng ta thấy đã có sẵn nhu cầu về các giải pháp tự động hóa trong TT cho cả cá nhân hay doanh nghiệp.
Chúng ta đã thấy Nhà Nước nói đến việc trả lương vào tài khoản NH. Chúng ta cũng sẽ thấy Nhà Nước yêu cầu các NH phải “nói chuyện” được với nhau vào cuối năm tới; Việt Nam cần một hệ thống TT (clearing system) thông suốt. Hiện Việt Nam chưa có được một hệ thống TT liên thông chính thức (formal clearing system). Một hệ thống như vậy đang trong quá trình phát triển. Chúng ta cũng đã thấy các hệ thống ATM “bắt tay” được với nhau. Nhà Nước cũng sẽ yêu cầu các hệ thống như BankNetvn bắt tay với VisaNet… Như thế, chúng ta thấy các chuẩn kỹ thuật và giao thức bảo mật cũng không ngừng được quan tâm và ứng dụng.
Theo Ictnews