Sáng ngày 10/1/2008, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT đáp ứng nhu cầu xã hội”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo hai Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng với hơn 500 đại diện các trường ĐH, CĐ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT tại các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Nếu trong 3 năm tới, chúng ta không trả lời được câu hỏi làm thế nào để nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư, của xã hội, rồi mô hình đào tạo, cơ chế đào tạo nguồn nhân lực nào là phù hợp… thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm tới”.
Nếu trong 3 năm tới, chúng ta không trả lời được câu hỏi làm thế nào để nguồn nhân lực... chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm tới"”
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân
|
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, chất lượng nguồn lao động thấp là một trong bốn lực cản phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam. Ba lực cản còn lại là tư duy không theo kịp tình hình phát triển; chính sách không theo kịp cuộc sống; và hạ tầng kỹ thuật thấp kém.
Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư với quy mô chưa từng có. Chỉ riêng 5 tập đoàn lớn của thế giới như Intel, Renesas, Compal, Samsung, Foxconn (Hồng Hải) với những dự án mới và sắp khởi động tại Việt Nam đã quyết định rót gần 10 tỷ USD vào thị trường này để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, ĐTDĐ, thiết bị viễn thông… Nỗi lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay là làm thế nào tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của họ với chi phí lao động thấp hơn các nước khác.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Intel Products, với dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu Công nghệ cao TP. HCM, dự định tuyển 4.000 lao động, nhưng khi kiểm tra 1.965 sinh viên năm cuối, chỉ có 320 sinh viên đạt kết quả trung bình, 90 sinh viên làm đúng trên 60% và đạt yêu cầu tuyển dụng của công ty.
Hay Công ty thiết kế Renesas Việt Nam có nhu cầu tuyển 500 kỹ sư cho giai đoạn đầu, nhưng trong 2 năm chỉ tuyển được 60 người trong số 1.000 người có đơn xin tuyển. Hơn nữa, số được tuyển còn phải đào tạo thêm từ 3 đến 6 tháng mới có thể làm việc, đại diện công ty này cho biết.
Chính sự hạn chế về kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ mà các nhân viên CNTT Việt Nam chỉ bộc lộ được khoảng 60% năng lực thực sự của mình”
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty phần mềm TMA
|
Còn theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới trong năm 2007, có tới 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trước dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi được tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại khoảng 80-90% những sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian ít nhất 1 năm.
“Khoảng cách giữa đào tạo nhân lực trong nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội còn khá xa”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở BCVT Đà Nẵng nhận xét.
Chia sẻ quan điểm này, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc kinh doanh khu vực Công ty Intel Việt Nam và Đông Dương cũng cho rằng các sinh viên Việt Nam thiếu được đào tạo về các kỹ năng “mềm” như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hay tiếng Anh.
“Chính sự hạn chế về kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ mà các nhân viên CNTT Việt Nam chỉ bộc lộ được khoảng 60% năng lực thực sự của mình”, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty phần mềm TMA nói.
Đánh giá một cách nghiêm túc kết quả và hiệu quả của việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT giai đoạn vừa qua, Hội thảo tại Đà Nẵng lần này nhằm mục tiêu tìm ra những phương thức và giải pháp hiệu quả rút ngắn sự cách biệt giữa cung – cầu nguồn nhân lực. Tại đây, Bộ GD&ĐT cùng Bộ TT&TT đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ.
Theo nội dung bản thỏa thuận, hai bên hợp tác phát triển Mạng giáo dục thống nhất trong phạm vi cả nước để tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy việc đổi mới giáo dục, giúp nhà giáo và người học tiếp cận, khai thác nhanh nhất nguồn thông tin hiện đại trên thế giới, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Hai Bộ cũng phối hợp cùng xây dựng, trình Thủ tướng các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc thành lập, tổ chức hoạt động và đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên về CNTT; xây dựng, chuẩn hóa hệ thống chương trình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ về CNTT. Bộ GD&ĐT xây dựng CSDL về các cơ sở đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông, tin học và công bố tại website: http://ts.edu.net.vn
Bên cạnh đó, 33 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa 7 trường ĐH, 3 trường CĐ và 31 doanh nghiệp cũng đã được ký kết.
Theo Ictnews