Để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đồng Long - Bí thư Đoàn thanh niên VNPT xung quanh nội dung trên.
Ông có thể cho biết ý tưởng của việc xây dựng mô hình vườn tri thức do Đoàn thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chủ trì xây dựng?
Ông Nguyễn Đồng Long: Đây là một suy nghĩ đã có từ rất lâu khi Đoàn thanh niên Tập đoàn đi thăm những điểm Bưu điện Văn hoá xã. Ở những điểm đó hầu như số người vào đọc sách, báo rất ít. Bởi những đầu sách ở đây hầu hết đã cũ, máy tính thì "đắp chiếu" không ai vào. Trong khi đó nhiều điểm BĐVHX lại có địa thế đẹp, có những điểm có diện tích đất rất rộng. Ở đây cũng có nhà văn hoá của xã nhưng cũng không được mở cửa thường xuyên trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ cũng như tham gia các hoạt động văn hoá của thanh niên nông thôn lại rất nhiều.
Do đó, Đoàn thanh niên Tập đoàn đã nghĩ ra ý tưởng này. Đây cũng là ý tưởng được hình thành từ chiến dịch phổ cập, đưa Internet về nông thôn, tạo ra một môi trường để cho thanh niên nông thôn vừa được tham gia truy cập Internet vừa tham gia sinh hoạt văn hoá, biến điểm BĐVHX trở thành một trung tâm giao lưu văn hoá thu nhỏ của thanh niên.
Nếu như Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây đã có ý tưởng xây dựng những điểm bưu điện xã thành điểm BĐVHX rồi, thì từ đây, mô hình vườn tri thức được xây dựng với mục đích làm sao mỗi xã có được 500-1.000m2, ngoài một máy tính và đường truyền ADSL lắp đặt, sẽ quyên góp, hỗ trợ máy tính cho mỗi điểm thêm 10-20 máy tính để có được một số lượng máy tính lớn.
Ý tưởng này của Đoàn sẽ cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía mới có thể hoàn thành?
Để làm được việc này phải huy động mọi nguồn lực từ các địa phương như tỉnh đoàn, huyện đoàn, xã đoàn và các điểm BĐVHX được lựa chọn. Đoàn thanh niên Tập đoàn chỉ có thể tham gia hỗ trợ máy móc, phương tiện, đường truyền, con người trong việc phổ cập tin học, hướng dẫn tri thức...
Nhân viên của điểm BĐVHX, tỉnh đoàn, xã đoàn, huyện đoàn và UBND các cấp phải cùng tham gia vào việc xây dựng. Vườn tri thức được xây dựng và khánh thành ở xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, Hải Dương trong tháng 12/2007 vừa qua là một vườn tri thức hội tụ đầy đủ các hạng mục. Trong quá trình vừa rồi chúng tôi đã mời tỉnh đoàn Hải Dương cùng phát động làm sao cho thanh niên xã đến đổ đất, trồng cây xanh, làm rào, phá cổng, làm đường đi trong khuôn viên.
Cùng có sự tham gia của chính thanh thiếu niên, hơn ai hết họ hiểu về những giá trị mà mình đã có công thực hiện ở vườn tri thức. Bởi vì nếu có đưa vào vườn tri thức 10, 20 chiếc máy tính thì cũng chỉ giống như một trung tâm chơi game, hay trang bị ghế đá, cây xanh thì cũng chỉ giống như một cái công viên, vườn cây chứ không mang được ý nghĩa vườn tri thức. Điều quan trọng nhất là Đoàn thanh niên VNPT cùng với các đoàn cơ sở địa phương đã thực sự tạo được một địa chỉ giao lưu văn hoá, tri thức cho thanh, thiếu niên.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những hoạt động văn hoá, tri thức đó?
Tập đoàn có những đơn vị có thể tham gia vào việc hỗ trợ, nâng cao tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn. Như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mỗi năm có thể tham gia thực hiện một buổi hướng dẫn qua webcam hoặc qua video conferencing phổ cập tin học hay phổ cập tri thức để hướng dẫn phương pháp làm sao vào mạng nhanh, làm sao sử dụng tri thức hiệu quả nhất.
Sắp tới là những chương trình tình nguyện hè. Đoàn Tập đoàn sẽ cùng với các cơ sở đoàn trong đó nòng cốt là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC và các đơn vị khác sẽ tham gia vào việc phổ cập đào tạo tin học trực tiếp tại các điểm vườn tri thức. Vườn tri thức là địa điểm có thể tập trung rất đông, có khi lên tới hàng trăm người. Và như vậy sẽ tạo được một quần thể dễ dàng cho việc phổ cập tin học, Internet.
Kỳ vọng của Đoàn thanh niên khi triển khai chương trình này là gì, thưa ông?
Khi Đoàn thanh niên VNPT đưa ra ý tưởng, Trung ương Đoàn rất mừng và ủng hộ. Chương trình được triển khai phải đem lại hiệu quả thực chất từ việc phổ cập tin học, Internet cho thanh niên nông thôn và đồng bào dân tộc. Làm sao tạo được một môi trường để cho thanh niên tham gia tích cực vào việc phổ cập tin học và Internet.
Nếu chỉ phát động một chương trình phổ cập miễn phí mà không có môi trường cho người ta, không có ai động viên, kích thích thì họ vẫn sẽ rất e ngại. Nhưng khi tham gia vào Câu lạc bộ Internet thì thanh niên sẽ có môi trường để sinh hoạt, cùng ganh nhau thi đua. Câu lạc bộ có thể tạo ra những cuộc thi, trò chơi, rồi tuyên dương các gương thanh niên tiêu biểu... đã biết dùng Internet và công nghệ thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động của đời sống, lao động của họ tại địa phương.
Đã là một vườn tri thức thì tất cả bà con dân tộc, thanh thiếu niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều có thể tham gia. Những người đã được hưởng lợi từ chương trình Một triệu giờ đồng hành mà Đoàn thanh niên Tập đoàn đang triển khai như thế nào thì cũng sẽ được hưởng lợi như vậy khi tham gia vào Vườn tri thức. Bên cạnh đó họ còn được hưởng lợi về giao lưu thanh niên, giao lưu văn hoá.
Kế hoạch triển khai trong thời gian tới của Đoàn thanh niên Tập đoàn về mô hình này? Sẽ tiến tới triển khai trên toàn quốc?
Chúng tôi dự kiện sẽ triển khai mô hình vườn tri thức trên toàn quốc, nhưng trước hết sẽ làm thí điểm tại một số địa phương. Ngoài Hải Dương, đoàn thanh niên Tập đoàn tiếp tục triển khai ở Đà Nẵng sẽ hoàn thành trong tháng 1/2008 này. Ở Đà Nẵng, mô hình vườn tri thức sẽ được triển khai ở trường học cho thiếu nhi. Vì là mô hình thí điểm nên ở Hải Dương điểm triển khai ở điểm BĐVHX, còn ở Đà Nẵng tại trường tiểu học để thăm dò nhu cầu và phản ứng của các đối tượng thanh thiếu niên đối với mô hình vườn tri thức như thế nào? Vì mô hình được triển khai trong trường học nên phải tạo ra một mô hình riêng biệt so với sân chơi của nhà trường đối với vườn tri thức.
Mô hình tại Đà Nẵng sẽ như một trung tâm, hạt nhân, xung quanh sẽ có một tới hai điểm vệ tinh. Câu lạc bộ tại vườn tri thức sẽ như câu lạc bộ chính, những câu lạc bộ vệ tinh sẽ trực thuộc câu lạc bộ này, tạo ra mô hình câu lạc bộ hai cấp.
Việc triển khai trên toàn quốc đòi hỏi phải kết hợp được nhiều nguồn lực khác nhau. Hiện tại Đoàn thanh niên sẽ mới chỉ làm thí điểm. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã rất đồng tình với ý tưởng và việc xây dựng mô hình Vườn tri thức và coi điểm ở Hải Dương nằm trong chương trình lâu dài của Trung ương Đoàn trong kế hoạch tạo ra 1.000 điểm truy cập Internet cho thanh thiếu niên nông thôn. Điểm ở Hải Dương gần như là điểm nhấn đầu tiên. Chương trình này không giới hạn về thời gian mà chỉ cần địa phương nào có điều kiện để triển khai là thực hiện.
Vườn tri thức khi đi vào hoạt động thì sẽ do ai bảo quản, đảm bảo an ninh thưa ông?
Quả thực để thanh thiếu niên vào truy cập thường xuyên tại Vườn tri thức sẽ rất khó khăn cho việc quản lý về an ninh. Do đó để tạo ra được môi trường như vậy việc đảm bảo an ninh cần phải có sự tham gia của tất cả các cấp bộ đoàn ở xã cũng như UBND. An ninh trong điểm Bưu điện Văn hoá xã, đảm bảo không mất mát về cơ sở vật chất chỉ là một phần rất nhỏ thôi, nhưng quan trọng nhất là vấn đề an ninh đường dây. Vấn đề này rất quan trọng. Hiện nay toàn bộ hệ thống dây điện, dây cáp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang bị đe doạ bởi nạn ăn cắp. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn cho việc thông tin và cung cấp tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn.
Nếu như chúng ta đặt ra mục tiêu triển khai hàng ngàn vườn tri thức mà đường dây không được đảm bảo, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thanh thiếu niên nông thôn "tự cắt tay" tri thức, kiến thức của mình. Bảo vệ an ninh đường dây đến vườn tri thức cũng như đường dây bưu điện là một việc làm rất cần thiết. Chúng tôi vừa cung cấp tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn đồng thời cũng kêu gọi họ cùng tham gia bảo vệ đường dây. Đây là những việc làm đồng hành với thanh niên, cùng với thanh niên xung kích trong việc bảo vệ đường dây an ninh quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vnmedia