The GIMP: hay còn gọi là GNU Image Manipulation Program. Đây là một chương trình cho phép sáng tạo và hiệu chỉnh ảnh. The GIMP tương thích với nhiều hệ điều hành khác nhau và hỗ trợ nhiều ngôn ngữ. Nếu là người thường xuyên xử lý hình ảnh thì The GIMP là một ứng dụng thích hợp cho bạn. (Tải The GIMP)
MPlayer: một chương trình không xa lạ với cộng đồng mã nguồn mở. MPlayer được đánh giá là chương trình video player hay nhất trong môi trường Linux. Hơn nữa, MPlayer cũng hoạt động tốt trên cả Windows lẫn Mac OS X. Có khá nhiều chương trình Video Player được phát triển dựa trên nền tảng của MPlayer. (Tải MPlayer)
Amarok: Một đối thủ "sừng sỏ" của iTunes và các ứng dụng phát nhạc (music player) phổ biến khác. Amarok chỉ dành cho các hệ thống Unix và môi trường Linux, có giao diện trực quan và hỗ trợ phát nhạc dễ dàng. (Tải Amarok)
|
|
|
|
Giao diện các trình The GIMP, MPlayer, Amarok, Pidgin. |
Pidgin: Đã có chương trình xử lý hình ảnh, phát video và nhạc thì không thể thiếu chương trình tán gẫu (chat). Pidgin "bao thầu" nhiều nền tảng ứng dụng khác nhau, hỗ trợ nhiều cổng tán gẫu trong một. Người dùng chỉ cần Pidgin để tán gẫu với tất cả tài khoản AIM, IRC, Yahoo, Google Talk, MSN, QQ, ICQ, SILC, Jabber... Một chương trình IM tất cả trong một. (Tải Pidgin cho Windows)
OpenOffice.org: Trong thế giới văn phòng, ngoài Microsoft Office thì cái tên được mọi người nhắc đến kế tiếp sẽ là OpenOffice. Một bộ ứng dụng văn phòng như xử lý văn bản, bảng tính, tạo trình diễn... hoàn toàn miễn phí. OpenOffice được nhiều nhóm tình nguyện viện ở khắp nơi trên thế giới tham gia phát triển nên hỗ trợ khá nhiều ngôn ngữ, trong đó có cả bản tiếng Việt. Khả năng tương thích được chuyển từ khuyết điểm sang ưu điểm, OpenOffice tương thích tốt với các công cụ văn phòng khác như Microsoft Office. Người dùng OpenOffice có thể xử lý tốt các tập tin của Microsoft Office. Hơn nữa, OpenOffice chạy tốt trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Đây cũng là ứng dụng văn phòng được triển khai sử dụng tại các cơ quan nhà nước ở Việt Nam trong năm 2008. (Tải OpenOffice)
Wine: cái tên lạ mà không lạ và tất nhiên không dành để uống! Wine được các nhà phát triển ứng dụng mã nguồn mở ưa chuộng. Wine hỗ trợ triển khai nền tảng Windows API (Giao diện lập trình ứng dụng) vào các hệ điều hành khác như Mac OS, OpenGL và Unix. Mạnh mẽ, dễ sử dụng, với Wine, người dùng có thể chạy khá nhiều ứng dụng của Windows trong các hệ điều hành Unix, thậm chí là chơi các game của Windows. (Tải Wine)
K3b: Nhắc đến việc ghi đĩa, Nero sẽ được người dùng nhắc đến đầu tiên. Tuy vậy, xu thế dùng phần mềm nguồn mở thay cho phần mềm thương mại đang là xu hướng trong năm 2007. Do đó, K3b là giải pháp thay thế tốt nhất cho Nero trong việc ghi đĩa CD, DVD trên môi trường Linux. Đáp ứng hầu hết các nhu cầu ghi đĩa CD/DVD của người dùng như tạo đĩa CD Audio, Video, eMovix, sao chép DVD, mã hóa DivX/XviD... kèm theo giao diện dễ sử dụng, người dùng trông đợi vào một phiên bản K3b cho Windows. (Tải K3b)
Firefox: Trình duyệt web được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua. Tuy năm 2007 không phải là một năm hoàn toàn tốt lành với Mozilla FireFox do quá nhiều lỗi bảo mật được phát hiện nhưng FireFox vẫn là trình duyệt Web được đánh giá là tốt nhất: nhanh, bảo mật và khả năng tùy chọn. Cùng với việc "ra đi" của trình duyệt Netscape, thị phần của FireFox chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2008. (Tải FireFox)
Thunderbird: các tính năng của một trình email client tương tự như Microsoft Outlook đều có mặt trong Thunderbird. Người dùng sẽ dễ dàng truy xuất tin RSS, newsgroup hay duyệt email nhanh chóng và an toàn hơn. Phiên bản Thunderbird 2.0.0.9 ngoài những cập nhật vá lỗi còn có cả các tính năng cao cấp như cải tiến bộ lọc nhận dạng thư rác. Vào thời điểm hiện tại, Thunderbird vẫn là công cụ duyệt email (email client) nguồn mở hàng đầu, hỗ trợ nhiều môi trường hệ điều hành khác nhau. (Tải Thunderbird)
FileZilla: Chương trình FTP Client nguồn mở với nhiều tính năng hỗ trợ không thua kém gì các trình thương mại có cùng chức năng. Giao diện thân thiện, dễ dùng, hỗ trợ truyền tải tập tin qua giao thức FTP, FTPS... dung lượng lên đến 4GB và những bộ lọc tên tập tin. Các webmaster cũng có thể sử dụng FileZilla để tạo lập một FTP Server cho riêng mình. (Tải FileZilla Client)
Theo TTO