Thứ ba, 14/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 27/12/2007
Top 10 sự kiện ICT Việt Nam năm 2007

Lấy tiêu chí cao nhất là mức độ tác động, ảnh hưởng tới đời sống xã hội kể cả tích cực và tiêu cực, ICTnews đã chọn ra 10 sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàng đầu năm 2007 của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạo tiền lệ cho việc hình thành chính sách đối thoại trực tuyến với dân. Ảnh: Website Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với nhân dân

Ngày 9/2/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với người dân cả nước, thể hiện tinh thần “thẳng thắn, trách nhiệm và gần dân” của người đứng đầu Chính phủ. Sự kiện này còn là tiền lệ cho việc hình thành chính sách đối thoại trực tuyến với dân của các cơ quan nhà nước. Sau đó, Thủ tướng đã ra mắt trang Web riêng trên cổng thông tin điện tử chính phủ và yêu cầu các lãnh đạo địa phương và bộ ngành tiến tới phải lập trang Web riêng để giải đáp các thắc mắc của người dân qua mạng.

Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 2/8/2007, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ BCVT và chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin. Việc thành lập bộ đa ngành Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ nhằm mục đích tinh gọn bộ máy quản lý, mà còn phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ công nghệ.

Ông Vũ Đình Thuần. Ảnh: Internet

Bắt Trưởng ban điều hành Đề án 112

Ngày 13/9, Cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban điều hành Đề án 112 (Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005) cùng với một số cán bộ liên quan về các hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện Đề án. Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ nhận trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý Đề án. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh tinh thần sẵn sàng thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của Chính phủ trong vụ việc này.

Đề án 112 đổ vỡ đã làm chững lại việc ứng dụng CNTT trong nhiều cơ quan nhà nước, nhiều dự án đang tiến hành phải bỏ dở và khiến không ít doanh nghiệp CNTT tham gia đề án này cũng bị ảnh hưởng.

Tổng Biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn dẫn “Bàn tròn trực tuyến” giữa Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam và Tổng Giám đốc Microsoft Steve Ballmer. Ảnh: Thanh Hải

Chính phủ ký hợp đồng mua bản quyền phần mềm của Microsoft

Ngày 21/5, đại diện Chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bản quyền sử dụng phần mềm Microsoft Office cho các các cơ quan Chính phủ, gồm tất cả các bộ ngành và địa phương. Hành động này là nỗ lực thể hiện cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ của Việt Nam, cải thiện hình ảnh đất nước để thu hút đầu tư và giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền với hy vọng thúc đẩy công nghiệp phần mềm trong nước phát triển.

Đổ xô đi cắt trộm cáp quang biển

Ngày 23/3/2007, tuyến cáp quang biển TVH bị đứt trên đoạn rẽ nhánh sang Thái Lan. Các cơ quan chức năng và dư luận phát hiện có một số địa phương đã cấp phép cho ngư dân khai thác cáp biển có từ thời chế độ cũ. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đã sắm hẳn phương tiện để đi khai thác cáp biển, "khai thác" luôn cả cáp quang TVH đang làm việc, đe doạ trực tiếp đến tuyến cáp quang biển SMW3. Nếu tuyến cáp này bị đứt, hầu hết lưu lượng kết nối đi quốc tế của VNPT bị gián đoạn và dấy lên mối lo ngại Việt Nam sẽ trở thành “ốc đảo” với thế giới về thông tin.

Mối lo ngại hầu như được giải toả khi tại cuộc họp giữa Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) với các doanh nghiệp có hạ tầng truyền dẫn đi quốc tế, Viettel và EVN Telecom tiết lộ một số tuyến cáp quang của họ kết nối đi quốc tế hiện chưa sử dụng có thể đủ chia sẻ và sẵn sàng miễn phí cho VNPT nếu trong trường hợp tuyến cáp SMW3 bị đứt.

Giao diện trang Web Colony Invest

Colony Invest và làn sóng lừa đảo tài chính qua mạng

Bắt đầu bằng vụ “tập đoàn” Colony, hàng loạt các vụ lừa đảo đầu tư tài chính đa cấp qua mạng Internet đã bị phanh phui. Hàng chục nghìn nạn nhân, trong đó có rất nhiều nông dân đã bán nhà, bán đất, thế chấp nhà, vay mượn… để đầu tư vào tiền ảo để rồi cuối cùng mất trắng. Thiếu kiến thức về Internet và những ứng dụng trên Internet góp phần khiến người dân nông thôn cả tin vào cả những trang Web không đáng tin cậy. Đây là một bài học quá đắt đối với Việt Nam, nơi tỷ lệ thâm nhập Internet chưa cao.

Cước di động giảm mạnh nhất từ trước đến nay

1/12/2007, Viettel tuyên bố giảm trung bình 15% cước di động. Ngay lập tức, VNPT đệ trình một phương án giảm cước di động cho Vinaphone và MobiFone với mức giảm cực lớn (trung bình 25%) và giảm nhiều hơn cả Viettel. Ngày 13/12/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định, chỉ cho phép VNPT giảm trung bình 20% cước. Nhưng đây cũng đã là mức giảm cước thông tin di động lớn nhất từ trước đến nay.

Sự kiện này báo hiệu sự bùng nổ mới của thị trường thông tin di động trong năm 2008 bởi khả năng phát triển thuê bao của các mạng di động sẽ mạnh hơn trước rất nhiều do cước di động đã phù hợp hơn với thu nhập của đại bộ phận dân cư có thu nhập thấp còn lại. Việc giảm cước của các mạng GSM đã đẩy các mạng CDMA vào thế “đã khó lại càng thêm khó” khi mà các mạng này không thể gia tăng sự cách biệt nhiều về cước với các mạng mạng GSM.

Chương trình chia tay Nhật ký Vàng Anh phát trên VTV3 bị Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc. Ảnh: Hoa học trò

Scandal phát tán phim sex của một diễn viên đóng phim Nhật ký Vàng Anh

Ngày 11/10, đoạn phim sex của một nữ diễn viên chính trong bộ phim truyền hình Nhật ký Vàng Anh xuất hiện trên trang Web chia sẻ video YouTube và sau đó phát tán cực nhanh trên nhiều trang Web, các blog và chatroom. Ngay lập tức, VTV3 đã phát sóng chương trình chia tay Nhật ký Vàng Anh nhưng chương trình này bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình nghiêm khắc lãnh đạo VTV về chương trình chia tay này và yêu cầu xử lý nghiêm những người có liên quan.

Sự kiện này cùng vụ ca sĩ Phương Thanh kiện blogger cogaidolong xuyên tạc sự thật, bôi nhọ danh dự và hàng loạt vụ phát tán thông tin không lành mạnh khác đã khiến dư luận lo ngại về những mặt trái của các trang thông tin do cá nhân tự tạo trên mạng. Tuy nhiên, việc công an khám phá ra đối tượng phát tán phim sex "Vàng Anh", cogaidolong xuống nước, xoá entry và đề nghị hoà giải với Phương Thanh đã chứng tỏ Internet không phải là vô luật, dù trên thế giới ảo, mọi công dân phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.

Quyết định quản lý thuê bao di động trả trước

Ngày 4/9/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định quản lý thông tin cá nhân của thuê bao trả trước, bắt đầu từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2009. Quyết định này sẽ buộc hơn 20 triệu thuê bao trả trước đang hoạt động hiện nay phải tiến hành đăng ký lại thông tin qua cổng thông tin của các doanh nghiệp hoặc nhắn tin qua số 1414. Việc xiết chặt quản lý thuê bao di động trả trước sẽ hạn chế được vấn nạn “mua sim mới thay cho nạp thẻ cào”, hệ luỵ “thiếu số, thừa sim” và quấy rối qua điện thoại. Trong khi cơ quan quản lý siết chặt thuê bao trả trước, theo Luật Cư trú chính thức có hiệu lực từ 1/7/2007, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bắt đầu thực hiện bỏ hộ khẩu khi đăng ký các dịch vụ viễn thông.

Chất lượng dịch vụ di động và Internet ADSL được công bố công khai tại trang Web ptqc.gov.vn

Lần đầu tiên công khai kết quả chất lượng dịch vụ di động và Internet

Năm 2007 là năm đầu tiên Cục Quản lý chất lượng BCVT – CNTT chính thức công khai chất lượng dịch vụ di động và Internet của các nhà khai thác qua việc đo kiểm ngẫu nhiên. Đây là một bước ngoặt lớn cho thị trường viễn thông Việt Nam khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ buộc phải tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ. Kết quả đo kiểm cho thấy những mạng di động nào quan tâm đến đầu tư áp dụng công nghệ mới sẽ có chất lượng dịch vụ tốt chẳng hạn như MobiFone đã đạt với 3,576 điểm chất lượng thoại tương (đương với chất lượng điện thoại cố định). Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành viễn thông, có một chuyện hy hữu của EVN Telecom với dịch vụ E-Com: tính cước sai cho khách hàng nhưng chính EVN Telecom chịu thiệt "kép" do tính thiếu số tiền cước khách hàng phải nộp và bị phạt tiền vì việc này. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra cũng đã đăng cải chính kết quả kiểm tra của mạng S-Fone, một động thái sòng phẳng cần thiết giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Trong kết quả công khai chất lượng đo kiểm ADSL, điều khá ngạc nhiên là VDC - nhà cung cấp vốn được đánh giá là có chất lượng ADSL tốt hơn các nhà cung cấp khác lại bị phạt tiền vì tốc độ thấp hơn tiêu chuẩn; còn Viettel thì lại đạt, thậm chí còn cao hơn cả tốc độ tối đa quy định cho gói cước đó.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0