1. iPhone - Chiếc điện thoại di động “Hiện tượng của năm”
Chỉ trong 0,08 giây, Google cho ra hơn 31,5 triệu kết quả tìm kiếm của từ khóa “iPhone”. Đầu tháng 12/2007, iPhone đứng số 1 trong danh sách những thuật ngữ công nghệ và giải trí được tìm kiếm nhiều nhất năm 2007 trên Google. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn iPhone là Phát minh của năm. BusinessWeek gọi iPhone là chiếc điện thoại thông minh nhất 2007. Và vô số những danh hiệu khác mà iPhone được người tiêu dùng bình chọn và các tạp chí gọi tên.
2. Bill Gates bị “phế ngôi” giàu nhất thế giới
Ngày 8/8/2007, tạp chí Fortune (Mỹ) đưa tin Carlos Slims (ảnh), “trùm” viễn thông Mexico, vượt qua Bill Gates, người sáng lập “đại gia” phần mềm Microsoft trở thành người giàu nhất thế giới. Theo Wikipedia, tài sản của Carlos Slim đạt 68 tỷ USD, cao hơn so với mức 58 tỷ USD của Bill Gates. “Vận may” đến với Slim khi cổ phiếu của America Movil tăng vọt. Hiện nay Slim đang điều hành các tập đoàn viễn thông Teléfonos de Mexico (còn gọi là Telmex) và America Movil (nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Mỹ Latin).
3. Phương Tây liên tục công kích Trung Quốc là hacker
Năm 2007, Trung Quốc liên tục bị nghi ngờ đột nhập vào mạng lưới máy tính các quốc gia để truy cập vào các thông tin mật. Bắt đầu bằng việc vào tháng 8, tạp chí Der Spiegel (Đức) đưa tin các chương trình tình báo của Trung Quốc xuất hiện trong các hệ thống máy tính của Văn phòng Thủ tướng Merkel, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác ở Berlin. Tiếp đến, ngày 4/9, Trung Quốc lại bị “vu” đã hack mạng máy tính Lầu Năm Góc (Mỹ). Ngay sau đó, 6/9, báo Anh đồng loạt đưa tin hacker Trung Quốc xâm phạm vào mạng chính phủ Anh, truy cập các thông tin mật. Tất cả những nguồn tin trên đều do các quan chức chính phủ cao cấp của các quốc gia đưa ra, song tất cả đều giấu tên.
4. Gần 50% dân số Anh bị mất dữ liệu cá nhân
Cả thế giới sửng sốt với việc chính phủ Anh để mất dữ liệu cá nhân của 25 triệu người, bằng gần 50% dân số Anh. Vụ việc khiến đích thân Thủ tướng Anh Gordon Brown phải chính thức xin lỗi người dân. Mới đây lại có tin thêm 3 triệu người Anh bị chung cảnh ngộ. Đây là vụ mất cắp dữ liệu cá nhân lớn nhất và được chú ý nhất từ trước đến nay bởi nó ảnh hưởng đến một số lượng dân cư lớn nhất. Hãng bảo mật Symantec đã xếp vấn nạn mất mát dữ liệu đứng số 1 trong bảo mật năm 2007.
5. Google – DoubleClick: Vụ thâu tóm nhiều tranh cãi nhất
Vụ mua bán trị giá 3,1 tỷ USD được tạp chí Time gọi là vụ thâu tóm hời nhất năm 2007, bởi nhờ nó, Google trở thành “tay chơi” có hạng trong quảng cáo trực tuyến. Cho đến hôm 20/12/2007, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) mới gật đầu với vụ này mặc dù nó được bắt đầu từ giữa tháng 4/2007. Tuy nhiên, sau vụ thâu tóm này, giới công nghệ chứng kiến hàng loạt những vụ mua bán “khủng bố” khác, điển hình như IBM mua hãng phần mềm Cognos với giá 5 tỷ USD tiền mặt, Nokia mua hãng bản đồ Navteq với giá 8,1 tỷ USD, Microsoft mua hãng quảng cáo aQuantive với giá 6 tỷ USD…
6. Samsung chìm trong bê bối hối lộ
Biểu tượng, niềm tự hào của Hàn Quốc - Tập đoàn Samsung đang ngập chìm trong scandal “lập quỹ đen và đưa hối lộ”. Tổng thống Hàn Quốc đã ra lệnh lập một ủy ban đặc biệt để điều tra về vụ Samsung. Theo báo Hàn Quốc, Samsung bị cáo buộc đã lập quỹ đen lên đến 215 triệu USD. Các quan chức cao cấp của Samsung, trong đó có Chủ tịch Lee Kun-hee và Phó Chủ tịch Lee Hak-soo đã bị cấm đi ra khỏi nước trong thời gian điều tra.
7. Các đại gia CNTT lấn sân di động
Năm 2007, bắt đầu làn sóng các đại gia CNTT như Google, Yahoo và Apple thâm nhập lĩnh vực di động. Đầu tiên phải kể đến ĐTDĐ iPhone – tác phẩm đầu tay của Apple. Sau đó là những tin đồn về Gphone – “con dế” của Google, tiếp đến là thông tin chính thức Google “cầm đầu” liên minh Open Handset Alliance gồm 34 công ty thành viên nhằm phát triển chuẩn công nghệ Android dành cho các thiết bị di động. Theo các chuyên gia, Yahoo, Google và Microsoft xem cung cấp sản phẩm trên ĐTDĐ là một trong những nguồn thu quan trọng nhất trong tương lai vì thuê bao điện thoại đang tăng trên toàn cầu.
8. Motorola bị “thất sủng”
2007 là năm không may mắn với hãng sản xuất ĐTDĐ Motorola khi hãng bị mất vị trí số 2 toàn cầu vào tay đại gia Hàn Quốc Samsung. Theo Gartner, tính đến hết Quý 3/2007, thị phần toàn cầu của Motorola chỉ còn 13% - giảm tới 8% so với quý 2. Trong khi đó, thị phần quý 3 của Samsung tăng lên 15%. Ngày 30/11, Motorola tuyên bố Ed Zander, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của hãng phải ra đi. Đến ngày 3/12, giám đốc công nghệ (CTO) Padmasree Warrior của Motorola cũng rời khỏi công ty để đầu quân cho Cisco.
9. WiMAX được xếp vào “họ 3G”
Ngày 18/10, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chấp thuận đưa WiMAX vào họ giao diện vô tuyến IMT-2000, trở thành một phần trong chuẩn công nghệ viễn thông 3G toàn cầu. WiMAX có thể cung cấp dịch vụ không dây với tốc độ 70 Mbps hoặc nhanh hơn. Trong khi đó, các kết nối băng rộng cố định chỉ cung cấp tốc độ 2 Mbps. WiMAX là viết tắt của cụm từ “Worldwide Interoperability for Microwave Access”, tạm dịch là khả năng tương tác toàn cầu với truy nhập vi ba.
10. Thuê bao ĐTDĐ bằng 50% dân số thế giới
Đến cuối năm 2007, tổng số thuê bao ĐTDĐ toàn cầu đã đạt 3,3 tỷ - bằng 50% dân số thế giới, theo hãng nghiên cứu Informa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa 50% dân số thế giới có ĐTDĐ, bởi có 59 quốc gia đạt trên 100% tỷ lệ thâm nhập di động - tại các nước này một số người dân có hơn 1 điện thoại.
Theo Ictnews