Sau một thời gian học công nghệ thông tin tại Trung tâm đào tạo, phục hồi chức năng (Hội Người mù Việt Nam), Nguyễn Trường Thanh, với lòng nhiệt tình, ham học hỏi, được giữ lại làm giáo viên dạy vi tính tại Trung tâm. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thanh cho biết: Công nghệ thông tin đã mở ra cho người mù một thế giới mới. Giờ đây với một chiếc máy tính nối mạng internet ặt các phần mềm dành cho người khiếm thị như phần mềm JAWS (đọc màn hình tiếng Anh), bộ đọc tiếng Việt và trình duyệt web Sao Mai, phần mềm soạn thảo văn bản NDC, người khiếm thị có thể tìm thông tin, giao tiếp ứng xử, bày tỏ cảm xúc với mọi người, hoặc nắm bắt cập nhật thông tin trong nước, ngoài nước qua các trang báo điện tử như những người bình thường ở ngay tại nhà, không phải mất thời gian đi lại. Các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị có thể học hòa nhập với người sáng mắt, trao đổi ý kiến, nộp bài kiểm tra cho giáo viên thông qua thư điện tử.
Không những thế, người khiếm thị còn có khả năng khai thác, sử dụng các thư viện điện tử trên mạng lấy tài liệu học tập, học ngoại ngữ, thưởng thức các tác phẩm văn học thông qua công nghệ thông tin hiện đại này.
Tốt nghiệp THPT Ðoàn Ðức Ðan được Tỉnh hội Người mù Thái Bình cử đi học lớp tin học ba tháng dành cho người khiếm thị, do T.Ư Hội tổ chức và giờ đây Ðan đã thao tác tương đối thành thạo bàn phím, con chuột.
Ðan tâm sự: Có được ngày hôm nay, em rất cảm ơn các thầy giáo, cô giáo ở Trung tâm phục hồi chức năng của T.Ư Hội đã nhiệt tình chỉ bảo. Từ lúc còn chưa biết thế nào là con chuột, bàn phím máy vi tính, nhưng nay em đã trở thành người "thầy" của các bạn khác, mở được các trang báo điện tử để nghe, tìm được các thông tin rất bổ ích cho mình trên mạng, những vấn đề thời sự nóng bỏng trong nước, thế giới, các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách dành cho người khuyết tật để phổ biến lại cho các hội viên.
Phải khẳng định rằng, vi tính không chỉ phục vụ việc tìm hiểu thông tin, mà thông qua máy vi tính người khiếm thị có khả năng nghe, soạn các bản nhạc yêu thích, vào các trang thông tin điện tử khác để trao đổi với các bạn đồng cảnh, gửi thư điện tử hoặc nói chuyện với nhau trên mạng mà không cần phải gặp mặt.
Thực hiện chủ trương của T.Ư Hội về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ở các tỉnh, thành hội trong cả nước, tháng 10-2005, Tỉnh hội Thái Bình đã đầu tư trang bị máy tính cho các phòng ban và nối mạng nội bộ. Ðến nay, hầu hết cán bộ, nhân viên văn phòng Tỉnh hội đã quen với việc sử dụng internet phục vụ công việc.
Phạm Thị Thắm, nhân viên Văn phòng Tỉnh hội nói: Sau hai năm làm quen và sử dụng internet, những người làm văn phòng như chúng tôi đã biết lựa chọn khai thác thông tin, mở rộng vốn hiểu biết trong mọi lĩnh vực, áp dụng những kiến thức bổ ích vào thực tế cuộc sống.
Khi chưa có máy vi tính muốn tìm một loại tài liệu nào rất vất vả, vì tài liệu để hàng chồng, cho dù đã có ký hiệu, nhưng người sáng mắt tìm đã khó, người khiếm thị như chúng tôi còn khó hơn, nhiều khi mất cả ngày mới tìm ra. Nay nhờ công nghệ hiện đại này, chỉ cần bấm chuột nghe máy hướng dẫn là tìm ra và nghe đọc nội dung thông tin đó, thật là nhanh, tiện, nhất là vào mạng tìm nguồn từ cổng Thư viện Quốc gia.
Ngoài ra, thông qua các trang thông tin điện tử của người khiếm thị trong nước, nước ngoài, chúng tôi còn học được ngoại ngữ, tìm hiểu những kiến thức y học để áp dụng vào chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình, qua đó thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhờ khai thác và sử dụng thư viện điện tử, nhiều người mù đã có khả năng tốt về tin học, ngoại ngữ và tìm được việc làm qua các thông tin tuyển dụng trên mạng.
Tuy nhiên, theo Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội Người mù Việt Nam Nguyễn Xuân Hưởng, hầu hết các phần mềm hiện nay cũng như các dịch vụ trên internet đều nhằm mục đích phục vụ người bình thường, chưa chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng khi sử dụng máy vi tính, cùng các dịch vụ trên internet. Các thư viện công cộng tuy đã có phòng đọc sách dành cho người khiếm thị ở một số tỉnh, thành phố nhưng số lượng và chủng loại sách chữ Braille, băng cassette, đĩa CD còn nghèo nàn, nhất là sách báo và tài liệu dành cho học sinh, sinh viên khiếm thị...
Ðể người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với các loại dịch vụ nói trên, đề nghị các cơ quan hữu quan biên soạn giáo trình thiết thực hơn. Bên cạnh các hình thức thư viện truyền thống như hiện nay, cần xây dựng các trang sách nói, nghiên cứu chỉnh sửa các yếu tố kỹ thuật tin học phù hợp đặc điểm của người mù là dùng bàn phím, các phím tắt và âm thanh thay cho việc sử dụng chuột và hình ảnh. Qua đó, người khiếm thị, nhất là các em học sinh, sinh viên, các cán bộ văn phòng có điều kiện tra cứu, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, hòa nhập cộng đồng.
Theo Nhân dân