Mới hoạt động từ tháng 2/2007, dịch vụ bán vé điện tử của hãng hàng không giá rẻ này đã trở thành biểu tượng cho một mô hình B2C (kết nối giao dịch từ người bán đến người mua) thành công tại Việt Nam.
Với những ưu thế vượt trội về mức độ tiện lợi trong giao dịch, tiết kiệm thời gian, thanh toán thuận tiện, giao hàng đảm bảo, không hạn chế khoảng cách từ khách hành đến điểm bán hàng... thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây và đang hình thành một xu hướng kinh doanh mới.
Chuyển dần thói quen mua bán
Đối với giới trẻ ở khu vực đô thị, việc tiêu dùng, mua sắm qua mạng giờ đây đã không còn lạ lẫm. Nhắn tin nạp tiền vào tài khoản điện thoại, hay vào mạng để mua một cuốn sách, đặt hoa tặng người thân... đã trở thành phổ biến. Tâm lý, thói quen mua bán của nhiều người đã bắt đầu thay đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức mới của thương mại điện tử.
Theo điều tra của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), nếu như trước năm 2007, vấn đề nhận thức là trở ngại lớn nhất cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam thì đến năm 2007, nhận thức đã lui xuống vị trí thứ 3, sau các yếu tố an ninh bảo mật và vấn đề thanh toán.
Phát biểu tại một hội thảo về phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam mới đây, ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận xét: “Năm 2007 là năm thương mại điện tử tại Việt Nam có bước phát triển rực rỡ.”
Việc tiếp cận Internet băng thông rộng ngày càng dễ dàng với chi phí hợp lý khiến cho số người dùng dịch vụ này tăng cao. Thêm vào đó, yêu cầu phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi Việt Nam thực sự bước vào sân chơi toàn cầu ngày càng trở nên cấp bách. Đây là hai điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong năm vừa qua.
Theo báo cáo của Vụ Thương mại điện tử, có tới 93% số doanh nghiệp trong cả nước kết nối Internet, trong đó, tỷ lệ kết nối băng thông rộng lên đến 81%. 38% số doanh nghiệp có website riêng. Số người dùng Internet phát triển mạnh từ thành thị cho đến nông thôn. Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia có số người dùng Internet cao trong khu vực và trên thế giới.
Lượng doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử cả trong và ngoài nước cũng đang tăng rất nhanh. Sau hơn một năm hoạt động, Cổng thương mại điện tử quốc gia ECVN đã có trên 1.500 thành viên. Con số mà Vụ Thương mại điện tử công bố mới đây cho biết, trong cả nước hiện có khoảng 300 sàn thương mại điện tử đang hoạt động.
Theo con số tổng kết của Siêu thị trực tuyến 123mua.com.vn (mới thành lập từ tháng 7 năm 2006), nếu như năm 2006, mỗi tháng 123mua chỉ nhận được từ 150 đến 200 đơn hàng, thì đến năm 2007, con số này đạt 2.200 - 2.500 đơn hàng/tháng. Doanh thu đem lại từ kinh doanh trực tuyến của đơn vị này năm 2007 tăng 200% so với năm 2006.
25h.vn cũng là một trong những website B2C hàng đầu tại Việt Nam. Theo thống kê, cổng thương mại điện tử này hiện có trên 3.000 sản phẩm trong 11 nhóm danh mục mặt hàng chính từ 1.000 doanh nghiệp là thành viên. Đã có 200 doanh nghiệp có showroom trên 25h.vn.
Bùng nổ thanh toán trực tuyến
Thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2007 cũng cho thấy sự phát triển mạnh của dịch vụ thanh toán trực tuyến. Tháng 8/2007, Techcombank khai trương Cổng thanh toán điện tử Fast VietPay, cho phép các trang web bán hàng trực tuyến chấp nhận các giao dịch thanh toán qua thẻ quốc tế mang thương hiệu Visa, Master... của ngân hàng Techcombank.
Trước đó, Techcombank đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử MobiPay, cho phép khách hàng mua sắm online và thanh toán hoá đơn bảo hiểm, điện nước... bằng tin nhắn điện thoại di động cho các nhà cung cấp có tài khoản tại Techcomnbank. Dịch vụ Banking F@st i-bank của Techcombank còn cho phép chuyển khoản trực tiếp thông qua truy cập internet.
Cùng với Techcombank, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Incombank, Agribank... cũng phát hành thẻ và đưa ra nhiều dịch vụ để tăng doanh số thanh toán thẻ. Hiện, Vietcombank đã có 4 sản phẩm là VCB-Money, VCB-iB@nking, SMS B@nking và thanh toán hoá đơn tự động V-CBP. Incombank thì đã có Incom@bank, Bopo... Các loại hình thẻ này ra đời đã phục vụ đắc lực các nhu cầu thanh toán thực tế của hoạt động kinh tế hiện đại.
Gây được sự chú ý nhiều nhất trong năm qua là mạng thanh toán PayNet. Ông Vũ Hoài Vũ, Giám đốc phát triển Mạng thanh toán PayNet, nói: "Trong tình hình có nhiều loại thẻ thanh toán hiện nay, lợi ích lớn nhất PayNet mang lại là kết nối người tiêu dùng, các ngân hàng, các nhà phân phối bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ... trên một thẻ thanh toán duy nhất.” Chỉ sau 1 năm hoạt động, PayNet đã phát triển 1.500 đại lý phát hành thẻ tại 26 tỉnh, thành phố. Doanh số thanh toán của mạng này hiện đạt khoảng 2 tỷ đồng/ngày.
Và không thể không nhắc đến sự xuất hiện của eBay, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới khiến dư luận chú ý nhiều đến thị trường bán lẻ của Việt Nam. Cũng trong năm qua, các mạng Yahoo, Google, cũng đã có những động thái thăm dò để tiếp cận thị trường kinh doanh trực tuyến này.
Những quan tâm của nhà đầu tư ngoại đang tạo sức ép lên các doanh nghiệp trong nước, khiến cho cuộc đua càng được đẩy lên với tốc độ cao hơn. Có hai thời điểm, theo Vụ Thương mại điện tử, sẽ đánh dấu sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Đó là sau khi Thông tư về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử được ban hành (dự kiến vào quý 1/2008) và đầu năm 2009, khi Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài.
Theo Vneconomy