Thứ sáu, 27/12/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/12/2007
Thắp lên ánh sáng tin học

Khởi đầu cuộc sống là người sáng mắt, nhưng một tai nạn khiến đôi mắt của Đặng Hoài Phúc chỉ còn lại một màn đen, thấu hiểu hết những khó khăn của người khiếm thị, nên anh đã góp sức thắp lên ánh sáng tin học...

“Xây dựng thư viện sách nói kỹ thuật số cho người khiếm thị”, “Thiết lập mạng lưới đào tạo tin học từ xa” là hai dự án mà Đặng Hoài Phúc, một thành viên của trung tâm tin học vì người mù Sao Mai đã tham gia xây dựng. Đằng sau nó là sự đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn mà người khiếm thị thường gặp khi sống trong cộng đồng.

Trăn trở thành hiện thực

Đi bộ vận động cho người khiếm thị, ngày 25/11/2007, tại TP.HCM

 

Cũng là một người khiếm thị, Phúc rất hiểu những khó khăn mà họ thường gặp phải trong học tập. Một bộ sách giáo khoa chuyển sang chữ nổi dành người khiếm thị rất đắt, khoảng mấy chục triệu, đó là con số quá lớn. Trong khi 3 năm học cấp ba, người học không chỉ cần 1 cuốn sách. Sách chữ nổi cũng dày hơn sách giáo khoa thường, một ngày học bốn môn mà phải mang bốn quyển như thế rất bất tiện. “Không có cách nào tốt hơn sao?” Câu hỏi này đã thôi thúc Phúc thực hiện dự án “Xây dựng thư viện sách nói kỹ thuật số cho người khiếm thị”.

Sách nói kỹ thuật số là dạng sách giáo khoa được chuyển sang sách nói theo chuẩn Daisy, dùng phần mềm (PM) hỗ trợ đang rất phát triển trong việc làm sách cho người khiếm thị. Sách nói kỹ thuật số hỗ trợ người khiếm thị “đọc” sách dễ dàng bằng cách nghe, dù có thể khó nhớ dai như cách dùng tay “đọc” chữ nổi.

Năm 2005, Phúc mạnh dạn tham gia cuộc thi do Samsung tổ chức với chủ đề “Ngày mai tươi sáng từ ước mơ hôm nay”. Đứa con tinh thần của anh đã vượt lên các dự án đến từ Indonesia, Úc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia để giành giải thưởng 44.535 USD. Phúc cũng đã từng giành giải thưởng 40.475 USD cuộc thi “Hãy sống với ước mơ của bạn” do Samsung tổ chức năm 2003 với dự án “Thiết lập mạng lưới đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị”. Hai dự án này đã góp phần giúp người khiếm thị dễ dàng đến với CNTT hơn.

Phúc còn được chọn làm điều phối viên triển khai dự án cho các nước đang phát triển Đông Nam Á - hoạt động do tổ chức ONNET tài trợ - nhằm thúc đẩy ứng dụng CNNT cho người khiếm thị các nước. Phúc còn giữ vai trò tập huấn cho các giáo viên tin học ở Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Indonesia cách thức đưa CNTT vào cuộc sống của người khiếm thị.

Hồi ức tuổi thơ

     

Hiện có hơn 20.000 trẻ khiếm thị và hàng trăm ngàn thanh niên khiếm thị khác cần được đi học và tiếp cận với CNTT để hỗ trợ cho học tập và làm việc. Nếu mọi người cùng chung tay, ánh sáng tin học, ánh sáng hy vọng sẽ được thắp lên cho người khiếm thị”.
Đặng Hoài Phúc

Đặng Hoài Phúc được sinh ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuổi thơ anh là những chuỗi ngày màu sắc và tung tăng chạy nhảy. Chuỗi ngày hạnh phúc dừng lại ở năm thứ chín khi cậu bé ấy vĩnh viễn mất đi đôi mắt trong một lần đào gốc mai và vướng phải quả mìn bên dưới. Phúc nằm viện hai tháng, từ đó không còn nhìn thấy được nữa. “Lúc gặp tai nạn còn quá nhỏ nên cũng không suy nghĩ gì nhiều, chỉ biết là bực mình vì không được tự do chạy nhảy như hồi xưa”, Phúc tâm sự.

Năm 1992, sau 4 tháng bị tai nạn, bố mẹ đưa Phúc vào Sài Gòn học văn hóa và âm nhạc. Phúc được thầy chủ nhiệm, cũng là chủ cơ sở mái ấm Bừng Sáng và các bạn cùng cảnh ngộ ở đây chia sẻ, đùm bọc như những anh chị em ruột. Nơi này đã ươm mầm tin học cho Phúc, khi mà khái niệm “tin học” còn mơ hồ với người khiếm thị Việt Nam. Với sự hợp tác tài trợ của tổ chức từ thiện Mantovan (Ý), năm 1998, Phúc là 1 trong 10 bạn khiếm thị ở cơ sở Bừng Sáng được chọn tham gia khóa đào tạo giáo viên tin học cho người khiếm thị. Phúc được tiếp cận với PM học tiếng Anh qua máy tính, kỹ năng sử dụng bàn phím, ứng dụng PM, Internet, kiến thức cơ bản về lập trình... Bên cạnh chỉ dẫn của thầy cô, bằng niềm đam mê, Phúc tự tìm tòi học thêm. Qua Internet, Phúc có được tài liệu tin học tiếng Anh, rồi tự dịch và đọc qua tự điển. Phúc tiến bộ rõ rệt. Phúc cho biết hiện nay, anh vẫn tự học và nâng cao kiến thức tin học bằng cách này.

Gần đây nhất, Phúc tham gia dự án thành lập các trung tâm tin học cho người khiếm thị ở các tỉnh thành Việt Nam từ năm 2007 đến 2010, dưới sự phối hợp của trung ương hội Người Mù Việt Nam và sự tài trợ của tổ chức ONNET. Phúc vừa tham gia đào tạo, vừa tìm tòi phát triển dự án mới phục vụ cho người khiếm thị.

Khó khăn và trăn trở

 

Anh Đặng Hoài Phúc

“Vẫn còn nhiều dự án trong ý tưởng chưa thể thực hiện được do không có kinh phí”, Phúc thở dài! Hiện Phúc đang làm việc tại trung tâm tin học vì người mù Sao Mai. Hoạt động và dịch vụ cho người khiếm thị của trung tâm đều miễn phí nên sự vận động tài trợ từ các tổ chức, xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Việc vận động tài trợ không đơn giản là “xin” lòng hảo tâm hay từ thiện - bởi theo Phúc “người khuyết tật rất dễ bị tổn thương” - mà chỉ thực hiện đối với chương trình/dự án cụ thể. Các tổ chức, đơn vị sẽ đóng góp sau khi xem bản mô tả sơ lược chương trình.

Hiện nay, tài trợ cho các dự án của trung tâm đều đến từ các tổ chức nước ngoài. Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM cũng giúp tìm nguồn tài trợ thêm cho trung tâm Sao Mai. Đã có những lúc trung tâm gặp khó khăn về kinh phí nên hoạt động bị trì hoãn hay chậm lại...

Chẳng hạn với dự án sách nói đã được đề cập ở trên, học viên khiếm thị vẫn chưa có được máy đọc Daisy (một loại máy phát âm điều khiển bằng PM, có lưu trữ nội dung sách, người nghe thuận tiện chọn “đọc” phần nào cần thiết và có thể chuyển đến đoạn, chương phù hợp). Người dùng vẫn có thể nghe bằng CD qua máy catsset, nhưng khó chọn nhảy đoạn đến phần cần “đọc”.

Về những dự định sắp tới, Phúc cho biết ngoài việc nâng cao chương trình giảng dạy (như thêm phần lập trình, tổ chức đào tạo trực tuyến cho người khiếm thị) vào năm 2008, trung tâm sẽ hỗ trợ sinh viên khiếm thị đại học - cao đẳng bằng việc chuyển những giáo trình hiện nay sang dạng sách nói kỹ thuật số, giúp người khiếm thị học các môn toán, lý, hóa dễ dàng hơn.

Như Nguyện

 

Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai được thành lập vào đầu năm 2002, tại số 12B/C7 Hoàng Hoa Thám, P.13 , Q.Tân Bình, là một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật TP. HCM. Trung tâm có chức năng nghiên cứu ứng dụng đào tạo tin học cho người khiếm thị, phối hợp với các tổ chức xã hội, các cơ quan hữu quan nhằm phát triển ứng dụng CNTT cho người khiếm thị.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0