Sự kết hợp kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (OLP) thường niên với Kỳ thi vòng loại ACM/ICPC điểm thi Việt Nam trong cùng một thời điểm - trung tuần tháng 11/2007, tại cùng một địa điểm - Trường Đại học Đà Nẵng, đã nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận.
Đặc biệt, sau khi trực tiếp tới dự và khảo sát cuộc thi này, đích thân Chủ tịch ACM/ICPC Châu Á đã khẳng định Việt Nam là một trong những điểm tổ chức ACM/ICPC vòng loại tốt nhất ở khu vực châu Á và ủng hộ xu hướng kết hợp thi quốc tế với thi quốc gia mà Việt Nam sáng tạo ra với 16 năm bề dày kinh nghiệm. Tuy nhiên, để có được thành công đó, Ban Tổ chức OLP – ACM/ICPC đã phải rất nỗ lực, kiên trì thực hiện định hướng hướng tới tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập. Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, phóng viên Tạp chí Tin học & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Trưởng Ban Tổ chức OLP, Giám đốc kỳ thi ACM/ICPC điểm thi Đại học Đà Nẵng năm 2007 về một số vấn đề xung quanh sự kiện này.
PV: OLP và ACM/ICPC đã giúp cho sinh viên CNTT Việt Nam có cơ hội thể hiện và khẳng định mình. Vậy, xuất phát từ lý do nào mà VAIP tích cực khởi xướng những “sân chơi” như vậy?
TTK Nguyễn Long: Trong điều lệ của VAIP đã ghi rõ một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền, phổ cập tin học cho toàn xã hội, trong đó, VAIP xác định rõ đối tượng có thể tiếp cận CNTT nhanh nhất trong đời sống xã hội chính là sinh viên các trường đại học. Với cách nhìn này, 16 năm trước đây, VAIP đã khởi xướng tạo ra một sân chơi phong trào mang tên OLP. Cùng với thời gian, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, và điều không thể thiếu được là sự tham gia nhiệt tình của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Theo xu thế phát triển hội nhập quốc tế, cách thức tổ chức cuộc thi OLP dần dần được cải tiến. Cách đây 5 - 6 năm, khối thi tập thể - “lều chõng” đã thử nghiệm áp dụng quy trình thi theo mô hình quốc tế. Bước thử nghiệm “suôn sẻ” ban đầu đã củng cố lòng tin vào khả năng hội nhập thành công. Đến năm 2005, VAIP tìm cách hội nhập với kỳ thi lập trình quốc tế có lịch sử trên 30 năm là ACM/ICPC bằng cách hỗ trợ cho 3 đội tuyển Việt Nam tham gia các vòng loại tại Châu Á. Lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia cuộc thi quốc tế như vậy nhưng các sinh viên Việt Nam đã làm được điều bất ngờ là lọt vào vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC tại Hoa kỳ. Sau đó, VAIP đã tích cực liên hệ, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một điểm thi vòng loại của kỳ thi toàn cầu ACM/ICPC vào năm 2006 (tại Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội).
Tới năm 2007, Việt Nam tiếp tục tổ chức kết hợp OLP với ACM/ICPC, khẳng định đẳng cấp của các trường cao đẳng, đại học và sinh viên Việt Nam so với bạn bè thế giới. Trong cuộc thi này, sinh viên Việt Nam đã tự tin “tranh chấp” ngôi vị hàng đầu với các đội “gà nòi” quốc tế đến từ Châu Á. Đây là niềm tự hào lớn bởi trên thực tế, có một câu chuyện khá thú vị là khi điểm thi Đại học Đà Nẵng - Việt Nam công khai thể lệ, điều kiện dự thi trên mạng toàn cầu thì không một nước Đông Nam Á nào cử đội tuyển tham dự. Về “hiện tượng” này, có ý kiến cho rằng chính sự tham gia của các đội tuyển từ các trường đại học hàng đầu châu Á như Tổng hợp Tokyo, Đại học quốc gia Seoul, Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, Tổng hợp Hồng Kông, Tổng hợp Đài Loan… tại điểm thi Việt Nam đã khiến các đội tuyển yếu thế hơn e ngại, không muốn “so tài” để giành xuất vào Chung kết toàn cầu.
Một điểm đáng lưu ý khác là đội tuyển Đại học Tổng hợp Tokyo đã đứng thứ 3 (giải nhất) ở site Tokyo (điểm thi duy nhất ở Nhật Bản, có uy tín rất lớn) nhưng chỉ đứng hạng 5 ở Việt Nam. “Quán quân” của site Việt Nam là đội tuyển thuộc Đại học Tổng hợp Tôn Dật Tiên (Zhongshan – Sun Yat – sen, Trung Quốc), cũng là trường đã đứng ở vị trí hạng nhì ở site Seoul, Hàn Quốc. Vẫn biết rằng so sánh thường khập khiễng nhưng qua đây cũng có thể khẳng định chất lượng của điểm thi Việt Nam cũng như tiềm năng, khả năng của các đội tuyển Việt Nam.
PV: Việc kết hợp 2 kỳ thi như vừa rồi đem lại lợi ích gì cho các đội tuyển Việt Nam tham dự, thưa ông?
TTK Nguyễn Long: Việt Nam được chọn là một điểm thi vòng loại ACM/ICPC đã tạo thêm cơ hội cho các trường, các đội tuyển Việt Nam quảng bá thương hiệu và chứng minh năng lực. Nếu tham gia cuộc thi ở nước ngoài, kể cả quốc gia gần nhất như Singapore, Hàn Quốc,… thì chi phí cho 1 đội tuyển cũng có thể lên tới hàng ngàn đô la. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường không chuyên về CNTT như Đại học KHXHNV TP.HCM, Đại học Kiến trúc cũng đã tích cực tham gia để khẳng định thứ hạng của mình qua một cuộc thi lập trình có uy tín hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, nhận thấy việc kết hợp 2 kỳ thi Tin học (quốc gia và quốc tế) vào cùng 1 thời điểm, 1 địa điểm sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho sinh viên và các trường cao đẳng, đại học, VAIP đã mạnh dạn tiến hành ngay trong năm 2007. Sự kết hợp 2 kỳ thi như vậy đã được các trường đại học, cao đẳng trong nước đánh giá cao và được sự ủng hộ tích cực của các Bộ Giáo dục & Đào tạo, Thông tin – Truyền thông và Khoa học Công nghệ.
PV: Kết hợp 2 kỳ thi làm một thì công tác tổ chức đã nảy sinh những khó khăn như thế nào?
TTK Nguyễn Long: Theo thông lệ, tất cả các đội tuyển trên thế giới thường thi vòng loại ACM/ICPC vào tháng 11 để lựa chọn các đội vào vòng chung kết và tiếp tục thi vòng chung kết khoảng tháng 3 – 4 năm sau. Trong khi đó, tháng 11 – 12 ở Việt Nam là thời điểm thi cử của sinh viên, mặt khác, mùa này, ở miền Trung và miền Nam thường có bão lũ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã cố gắng chọn thời gian tốt nhất, quy trình tổ chức tốt nhất.
Khó khăn thứ hai là việc tổ chức quy mô ngày càng lớn (tổng lượt sinh viên dự thi mỗi năm khoảng 800 – 1.000 sinh viên) đã tạo một sức ép đối với Ban Tổ chức và trường đăng cai. ACM/ICPC và OLP không phải cuộc thi ngồi bàn giấy mà phải dựa trên công cụ, công nghệ và nền tảng công nghệ, do đó, đòi hỏi việc chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, phải lường trước rất nhiều sự cố kỹ thuật có thể xảy ra, nghĩa là đòi hỏi rất nhiều sức người, sức của.
PV: Mặc dù lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi quốc tế như ACM/ICPC nhưng đã được Chủ tịch kỳ thi ACM Châu Á đánh giá rất cao. Ông có thể cho biết cụ thể Ban Tổ chức đã có sự chuẩn bị ra sao?
TTK Nguyễn Long: Nhận thức rằng việc tổ chức ACM/ICPC là cơ hội tạo sân chơi hội nhập và nâng cao vị thế, thương hiệu của ngành giáo dục đào tạo bậc đại học Việt Nam, do đó, chúng tôi đã nghiên cứu và tổ chức hết sức cẩn thận. Khu vực diễn ra các “trận so găng trên bàn phím” được bài trí hoành tráng ngang ngửa với khu vực thi chung kết ACM/ICPC toàn cầu.
Về mặt công nghệ, chúng tôi đã tiếp cận các công nghệ mới nhất trên thế giới. Chúng tôi đã mạnh dạn cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ mạng Wireless không dây cho cuộc thi này (hiện nay, các nước khác cũng chỉ thường dùng công nghệ mạng có dây). Đồng thời, chúng tôi mời Câu lạc bộ Doanh nghiệp Máy tính Việt Nam đưa những PC tiêu chuẩn nhất vào sử dụng trong cuộc thi, tạo nên một sự hứng khởi cho sinh viên, tạo ra một cuộc đua tài rất quyết liệt mà cũng rất công bằng, minh bạch, trong sạch.
Còn về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đội ngũ ra đề của điểm thi Việt Nam, đích thân Chủ tịch kỳ thi ACM châu Á và một vị giáo sư Tổng hợp Washington (Mỹ), thành viên hội đồng giám khảo khu vực Bắc Mỹ, đã đánh giá rất tốt. Theo họ, hệ thống chấm và hội đồng giám khảo đã có tính mở và chuyên môn cao. Trong khu vực thi khu vực Châu Á, chưa điểm thi nào công bố đề bài và kết quả và đề bài nhanh như ở điểm thi Đại học Đà Nẵng - Việt Nam.
Trên thực tế, trong quá trình chuẩn bị cuộc thi OLP – ACM/ICPC, với tư cách một tổ chức xã hội nghề nghiệp, VAIP đã kêu gọi sự đóng góp, tham gia tự nguyện của các chuyên gia, thày giáo, các nhà khoa học để đảm bảo chất lượng của việc ra đề, bài test, hệ thống kỹ thuật. Trong số các thành viên hội đồng ra đề đã góp sức làm 10 đề thi ACM/ICPC quốc tế thì có tới 50% là những người trẻ tuổi Việt đã có những học vị cao tiến sĩ, sau đại học đang làm việc, nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới, độ tuổi hầu hết dưới 30. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đã kêu gọi sự tham gia của được đội ngũ chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm. Có thể nói, cuộc thi năm nay hội đủ cả yếu tố kinh nghiệm với yếu tố tuổi trẻ, công nghệ mới, có thể tiếp cận những định hướng và xu thế phát triển trong lĩnh vực rất hẹp là kỹ năng và tính thuật toán.
Sau quá trình nỗ lực chuẩn bị như vậy, chúng tôi rất vui mừng khi biết Chủ tịch kỳ thi ACM Châu Á đã trực tiếp sang xem từng công đoạn kỳ thi rồi đánh giá ngay: Việt Nam là một trong những điểm tổ chức ACM/ICP thuộc hàng tốt nhất ở khu vực châu Á, và Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đăng cai điểm thi vòng loại ACM/ICPC 2008 tại TP.HCM. Ông Chủ tịch cũng rất tán thành xu hướng tích hợp cuộc thi quốc gia với cuộc thi quốc tế như ở Việt Nam.
PV: Với tư cách là người nhiều năm đồng hành sát cánh với sinh viên qua các kỳ thi OLP, theo ông, đâu là ưu điểm nổi bật nhất của sinh viên CNTT Việt Nam, và đâu là hạn chế thể hiện rõ nhất?
TTK Nguyễn Long: Theo tôi, điểm mạnh ở sinh viên CNTT Việt Nam chính là kỹ năng, ý chí, trình độ, kiên trì phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản là tính làm việc tập thể còn yếu. Thông thường, mỗi cá nhân chỉ có thể coding, làm tốt được nhiều khoảng 4-5 bài, trong khi đó, để đạt thứ hạng cao trong cuộc thi ACM thì một đội tuyển phải giải được 6 – 7 bài, nghĩa là đòi hỏi phải có tính phối hợp tập thể rất lớn để tạo chiến thuật thi đấu, phân chia, phối hợp công việc, đánh giá các đối thủ. Điểm yếu khác là trình độ ngoại ngữ. Nếu không có ngoại ngữ thì không thể làm tốt CNTT. Hiện nay, nếu chỉ tính tới chuyện đọc hiểu thì trình độ của sinh viên Việt Nam đạt được mức tương đối, nhưng ở mức cao hơn như nghe nói thì cần phải tiếp tục trau dồi. Chúng tôi rất mong rằng Việt Nam sẽ có những quy định cụ thể hơn với các ngành đào tạo công nghệ tiên tiến như như CNTT phải chuyển sang đào tạo trực tiếp bằng ngoại ngữ. Dẫu sao thì những điểm hạn chế này cũng đang được tự bản thân các sinh viên dần dần khắc phục.
PV: Phải chăng chính vì những điểm yếu đó nên đội tuyển Việt Nam chưa thể giành thứ hạng cao nhất trong kỳ thi quốc tế như ACM/ICPC?
TTK Nguyễn Long: Thực ra, có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới sự thành công hoặc thất bại của một đội tuyển tham gia ACM/ICPC. Đơn cử như yếu tố công nghệ và xu hướng phát triển quốc tế. Những đề bài thi hoặc công nghệ sử dụng trong cuộc thi quốc tế thường mới nhất, nội dung định hướng trong đề thi cũng phát triển mới nhất. Thế nhưng, sinh viên Việt Nam tiếp cận những nội dung, công cụ như thế chưa nhiều. Chẳng hạn, các nước phát triển như Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc tiếp cận các công cụ mới liên tục hàng ngày. Còn ở Việt Nam, sinh viên nhiều khi thiệt thòi hơn ở chỗ trên lớp thì học Pascal còn về nhà lại phải sử dụng các công cụ phát triển tiên tiến khác. Và điều cuối cùng Việt Nam luôn phải đọ với các tên tuổi lớn từ Trung Quốc đã nhiều năm gần đây nhất, nhì ACM/ICPC toàn cầu.
PV: Nhìn lại bảng kết quả năm nay của kỳ thi OLP-ACM/ICPC, đã có những bất giờ gì xảy ra, thưa ông?
TTK Nguyễn Long: Năm nay, OLP khối chuyên Tin học đã có 1 sự đổi ngôi, Học viện Bưu chính Viễn thông sau nhiều năm vắng bóng đã quay lại TOP hàng đầu. Khối Không chuyên Tin học thì có một sự tụt hạng, chất lượng thi kém, nếu không có sự đổi mới thi kỹ năng trên bảng tính Excel thì chắc còn kém hơn (qua trao đổi với cávctrưởng đoàn từ các trường không chuyên đều mong muốn đề thi không chuyên cần định hướng ứng dụng nhiều hơn là lập trình thuật toán, do đó, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp để thay đổi định hướng nội dung thi cho khối các trường không chuyên Tin học). Còn tại khối thi ACM (thi chung cả 2 khối chuyên và không chuyên), 2 trường là Học viện Bưu chính Viễn thông và Học viện An ninh nhân dân đã vượt qua những trường khác đã có tên tuổi như Học viện Quân sự… để giành vị trí giải cao. Một trường hợp đặc biệt nữa là trường Đại học KHXHNV TP.HCM, tuy mới gia nhập gia đình OLP 1 – 2 năm nhưng cũng giải được 1 bài, còn xếp trên 17 đội không có điểm đến từ những trường không phải là không có danh tiếng. Bên cạnh đó, nhiều đội không chuyên Việt Nam đã có thành tích cao hơn đội tuyển chuyên và ngay cả quốc tế. Rõ ràng, OLP-ACM/ICPC năm nay đã giúp các đội tuyển của Việt Nam khẳng định được đẳng cấp của mình khi so tài với các đội tuyển “ngoại quốc”.
PV: Vậy, cuộc thi năm sau sẽ diễn ra vào thời gian nào? Có dự định đổi mới gì hay không?
TTK Nguyễn Long: Kỳ thi năm sau cũng sẽ diễn ra vào mùa vòng loại ACM toàn cầu, tức là vào khoảng tháng 11 – 12. Ban Tổ chức sẽ không mở rộng thêm khối thi nhưng sẽ cải tiến về quy chế. Về khối thi ACM, chúng tôi sẽ tuân thủ ngặt nghèo hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Ở khối giải cá nhân OLP, quy chế sẽ thay đổi theo hướng hướng đối tượng, hoạch định rõ, phân rõ khối chuyên - không chuyên và sẽ thay đổi nội dung cho phù hợp. Khối chuyên sẽ nâng cấp lên để xứng tầm sinh viên được đào tạo chính quy về CNTT, còn khối không chuyên sẽ rộng mở hơn, giảm bớt các yếu tố thuật toán, tăng cường yếu tố khai thác tận dụng các thuật toán có sẵn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng, chuẩn hóa hơn cho khối phần mềm nguồn mở, Micro Mouse. Địa điểm thi sẽ diễn ra ở TP.HCM, một môi trường, thị trường năng động, kể cả cho giáo dục đào tạo. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn, tích cực hơn của các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, trường cao đẳng, đại học và của toàn xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Linh Anh (TH&ĐS 12/2007)