Từ nguồn tài liệu sẵn có miễn phí của các trường ĐH hàng đầu trên thế giới, trong đó chủ yếu lấy từ Học liệu Mở của Viện Công nghệ Kỹ thuật Massachusetts (MIT), các chuyên gia gồm các giảng viên ĐH ở Việt Nam đã chọn lọc những nội dung thích hợp với chương trình khung của Bộ GD-ĐT, chú giải bằng tiếng Việt những thuật ngữ khó hiểu để tất cả các sinh viên được truy cập miễn phí trên website www.vocw.edu.vn.
Sau hai năm chuẩn bị và triển khai, có 24 giáo trình của ba ngành: Khoa học máy tính, Công nghệ sinh học và Kỹ thuật điện, điện tử đã được đưa lên trang này sau khi được các chuyên gia trong nước và quốc tế phản biện. 14 trường ĐH được VEF hỗ trợ cài đặt máy chủ để truy cập dữ liệu này. Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc kỹ thuật, CNTT và Học liệu Mở của VEF cho biết, tất cả các SV của các trường ĐH đều có thể vào trang web này để tải dữ liệu miễn phí,
Trên thế giới, Học liệu Mở được triển khai đầu tiên tại MIT năm 2002 khi Học viện này quyết định đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên mạng và cho phép người dùng internet ở mọi nơi trên thế giới truy cập miễn phí. Đến nay, Liên minh Học liệu Mở quốc tế đã có 160 thành viên, và Việt Nam là thành viên mới nhất. Trong số này, có ba nước triển khai Học liệu Mở ở quy mô cấp quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
TS Cecialia d’Oliveira, Giám đốc điều hành Học liệu Mở của MIT nói: “Ngay sau lễ khai trương Học liệu Mở của MIT năm 2002, bức thư phản hồi đầu tiên chúng tôi nhận được là từ Việt Nam. Từ đó đến nay, hàng chục nghìn giảng viên, sinh viên của Việt Nam đã truy cập và sử dụng dữ liệu của chúng tôi”.
Bà Cecialia d’Oliveira đánh giá, sau 20 năm nữa, mọi người sẽ thấy việc khai trương trang điện tử Học liệu Mở Việt Nam là một mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi của giáo dục Việt Nam.
Theo thống kê của MIT về đối tượng sử dụng Học liệu Mở, có đến hơn một nửa số người sử dụng tài liệu này là những người tự học, 25% là sinh viên, 15% là giảng viên đại học.
Theo thầy Dương Anh Đức, giảng viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thành viên nhóm phát triển giáo trình Khoa học máy tính của Học liệu Mở Việt Nam, một trong những hạn chế của Học liệu Mở Việt Nam là mới chỉ bằng tiếng Anh có phụ chú tiếng Việt, mà một trong những nhược điểm của SV Việt Nam là tiếng Anh kém. Vì thế, nếu phát triển được Học liệu Mở bằng tiếng Việt thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Được biết, ở Trung Quốc, hai phần ba dữ liệu Học liệu Mở của MIT đã được các chuyên gia nước này dịch sang tiếng Trung Quốc.
Theo Nhân dân