Thứ tư, 17/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 10/12/2007
Phân loại thư rác để quản lý

Nghị định về thư rác sẽ phân biệt thư rác quảng cáo chuyên nghiệp và không chuyên để áp dụng những quy định khác nhau. Về chế tài xử phạt, nghị định sẽ thiên về các biện pháp mang tính kỹ thuật.

Mô hình “độc”

Theo ban soạn thảo nghị định, điểm đáng chú ý nhất là dự thảo này đề xuất sử dụng cả mô hình opt-in (chỉ được gửi khi có sự đồng ý của người nhận) lẫn mô hình opt-out (được gửi cho đến khi người nhận từ chối). Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, trưởng phòng Nghiệp Vụ của trung tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Máy Tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, mô hình opt-in sẽ được sử dụng cho các đối tượng quảng cáo không chuyên (tự quảng cáo cho mình), còn mô hình opt-out dùng cho các nhà quảng cáo chuyên nghiệp (quảng cáo thuê cho người khác).

Tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý lần cuối cho dự thảo, ngày 7/11/2007, ông Vũ Đức Đam, nguyên thứ trưởng bộ TTTT cho biết, mô hình đề xuất trong dự thảo là “độc nhất” trên thế giới. Hiện nay các nước khác chỉ sử dụng một trong hai mô hình: Nếu muốn quản lý chặt thư rác thì dùng opt-in, và dùng opt-out nếu muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) quảng cáo. Việc lai ghép giữa hai mô hình, theo ban soạn thảo, để vừa hạn chế thư rác, tôn trọng tự do cá nhân, vừa tạo điều kiện cho các nhà quảng cáo chuyên nghiệp hoạt động, nhằm phát triển thương mại điện tử.

Ông Đam cho rằng nghị định này ra đời sẽ rất thuận lợi cho những người quảng cáo thuê. Đối với các đối tượng muốn quảng cáo cho mình, mà thực hiện theo mô hình opt-in chưa thỏa mãn, họ có thể thuê các nhà quảng cáo chuyên nghiệp, sẽ rất nhanh và rẻ, có khi hơn cả tự mình quảng cáo.

Để hoạt động theo mô hình opt-out, tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn phải có trang thông tin điện tử quảng cáo đặt tại VN và sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Thư điện tử quảng cáo phải có chủ đề phù hợp với nội dung, phải được gán nhãn để nhận biết đó là thư quảng cáo (ví dụ QC hoặc ADV). Trong thư phải có thông tin về người quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, có chức năng từ chối. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo không được gửi quá 5 e-mail hoặc tin nhắn quảng cáo tới một địa chỉ e-mail, số điện thoại trong một ngày. Riêng với tin nhắn thì nhà cung cấp chỉ được gửi trong thời gian từ 7h -22h mỗi ngày...

Mặc định và thỏa thuận

Về quy định chỉ được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo/ngày, một số DN viễn thông cho là quá ít. Ông Vũ Đức Đam giải thích: Đó chỉ là quy định mặc định. DN hoàn toàn có thể thỏa thuận với khách hàng để gửi thêm tin nhắn. Ví dụ DN có thể in chữ trên thẻ để thông báo rằng nếu sử dụng dịch vụ thì đồng nghĩa với chấp nhận một số lượng tin nhắn quảng cáo nào đó. Đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc cạnh tranh thu hút khách hàng, khiến các DN phải tự cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng với hiệu quả từ quảng cáo. Nếu không có thỏa thuận riêng với khách hàng, DN phải tuân theo quy định mặc định.

Nếu tuân thủ các quy định trên, ngoài việc được gửi thư đến khi nào người nhận từ chối, theo ông Trần Minh Tân, phó giám đốc trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), các DN quảng cáo chuyên nghiệp có thể được VNNIC và các cơ quan chức năng VN hỗ trợ “giải cứu” nếu IP bị các tổ chức Internet nước ngoài liệt vào danh sách đen và chặn lại. Thông thường, tự các DN giải quyết chuyện này rất khó. Ngoài ra, khi đã có nhãn ADV thì thường các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng ít khi liệt vào danh sách đen. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước cũng cần nhắc nhở các DN sử dụng dịch vụ của mình không gửi thư rác quá nhiều để uy tín chung của VN được nâng cao hơn và các IP VN đỡ bị chặn hơn.

Một điểm khác đối với DN dịch vụ viễn thông và dịch vụ Internet, theo ông Vũ Đức Đam, là cần “phân vai” rõ ràng. Nếu các DN này tự quảng cáo cho mình, họ phải tuân thủ quy mô hình opt-in. Trong trường hợp họ quảng cáo thuê thì được xếp vào loại quảng cáo chuyên nghiệp.

Phạt bằng biện pháp kỹ thuật

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là có nên đưa chế tài xử phạt vào nghị định hay không, nghị định có điều chỉnh nội dung thư rác hay không. Đại diện của hiệp hội Quảng Cáo Việt Nam và nhiều người khác cho là không nên, vì như thế dễ chồng chéo với các văn bản khác, đặc biệt là pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Các đại biểu đã thống nhất với ban soạn thảo là nghị định mới sẽ đưa ra các chế tài xử phạt về mặt kỹ thuật đối với nhà quảng cáo chuyên nghiệp (ví dụ khi có hành vi gửi thư rác vi phạm thì sẽ chặn tên miền và các dịch vụ). Nghị định sẽ không điều chỉnh những vấn đề đã được điều chỉnh bởi pháp lệnh quảng cáo và những quy định khác có liên quan.

Đối với các cá nhân gửi thư rác vi phạm nghị định, theo ông Vũ Đức Đam, khó có thể áp dụng giải pháp kỹ thuật, do đó cần rà soát các quy định hiện nay xem có cần bổ sung quy định phạt tiền không (vì thư rác không chỉ quảng cáo mà còn liên quan đến văn hóa, thuần phong, mỹ tục...). Tinh thần chung là không, nhưng trong trường hợp thật sự cần bổ sung, bộ TTTT sẽ giải trình với Chính Phủ.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0