Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 07/12/2007
Cần những "cú hích" đột phá

Kết quả khảo sát về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp (DN) ở miền Trung cho thấy DN chi đến 85% cho phần cứng; chỉ 8% DN có chức danh lãnh đạo CNTT (CIO); gần 20% DN có website, nhưng đa số ở dạng tĩnh; hơn 60% DN không sử dụng dịch vụ qua mạng. Số DN CNTT chưa tới 5%, trong đó hầu hết là các công ty cung cấp sản phẩm phần cứng… Điều này dẫn đến việc ứng dụng chưa mang lại hiệu quả.

Đầu tư manh mún, bất hợp lý

Năm 2007, viện Tin Học Doanh Nghiệp chi nhánh Đà Nẵng (ITB ĐN thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN - VCCI), đơn vị triển khai đề án 191 tại khu vực miền Trung, đã phối hợp với các đơn vị ở địa phương và đối tác như HP, Intel, Microsoft, VDC, Lạc Việt, Mắt Bão... tổ chức 9 hội thảo ứng dụng CNTT cho DN tại: Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hòa. Theo ITB ĐN, trong hơn 1 năm triển khai đề án, ITB ĐN đã thực hiện 4 cuộc khảo sát về thực trạng ứng dụng CNTT (Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế), tổ chức gần 60 khóa đào tạo CNTT cho DN, trong đó có 10 khóa về chiến lược đầu tư ứng dụng, 44 khóa về kỹ năng theo từng lĩnh vực quản lý tại DN, phát hành gần 2.000 cuốn sổ tay và hơn 6.000 bản tin ứng dụng CNTT cho DN. Trong năm 2007, ITB ĐN đang kết hợp với một số công ty CNTT và cơ quan ban ngành tại địa phương lựa chọn triển khai đầu tư thí điểm 7 mô hình DN mẫu ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi với chi phí hỗ trợ từ 40-60% giá trị đầu tư.

Các kết quả điều tra, khảo sát tại miền Trung cho thấy một số vấn đề bất hợp lý trong đầu tư ứng dụng CNTT. Trừ một số ngành đặc thù như ngân hàng, tài chính và rất ít DN tại các thành phố, thị xã như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang…, việc ứng dụng CNTT trong phần lớn DN còn lại thật sự chưa hiệu quả. Tuy có quan tâm đến CNTT, hơn 90% DN đã trang bị máy tính, hơn 50% đầu tư hệ thống máy tính kết nối mạng nội bộ, nhưng ứng dụng công nghệ gì, và như thế nào thì DN vẫn còn mù mờ. Theo ITB ĐN, lãnh đạo DN chưa thật sự quan tâm, đa số DN không có người phụ trách và chịu trách nhiệm về ứng dụng CNTT (CIO), chỉ 8% DN có CIO. DN chưa có kế hoạch và lộ trình cho ứng dụng tổng thể dài hạn mà chỉ ứng dụng ở vài bộ phận trong DN, mang tính tự phát, manh mún và thiếu liên kết. Các DN chỉ chú ý về đầu tư phần cứng (máy tính, máy in...) mà thiếu đầu tư cho phần mềm (PM), không chú ý đến vai trò tư vấn, đào tạo.

Cũng theo số liệu của các cuộc khảo sát, DN chi đến hơn 85% cho phần cứng. Sự đầu tư bất hợp lý dẫn đến hiệu quả thấp chính là yếu tố làm DN chưa tin tưởng và mạnh dạn ứng dụng CNTT. Đa số các DN mới chỉ sử dụng bộ PM MS Office, mục đích là để soạn thảo các hợp đồng, văn bản qua Word; lưu trữ, tính toán và xử lý số liệu qua Excel làm các báo cáo. DN trang bị PM chuyên dụng khác chỉ khoảng 40% DN ứng dụng và đa số là chạy độc lập, trong đó PM kế toán chiếm đến hơn 70%, còn lại là PM quản lý bán hàng - kho, quản lý khách sạn, quản lý tổng đài, quản lý nhân sự…

Về ứng dụng CNTT trong thương mại điện tử, tuy số lượng DN kết nối Internet khá cao (hơn 70%), nhưng mức độ khai thác rất hạn chế. Đến hơn 60% DN thừa nhận không sử dụng dịch vụ nào qua mạng. Chỉ có khoảng gần 20% DN có website, nhưng hầu hết ở dạng tĩnh, mang tính chất giới thiệu công ty, sản phẩm (SP), chứ chưa được dùng để điều hành và tương tác với khách hàng. Việc ứng dụng thư điện tử vào trao đổi thông tin trong DN cũng chưa thật sự phổ biến và hiệu quả, đa số vẫn dùng địa chỉ email của Yahoo, không có hộp thư riêng của công ty. Mặc dù hơn 40% lãnh đạo DN có địa chỉ email, nhưng mức độ sử dụng không cao. Theo các điều tra viên, nhiều lãnh đạo DN không nhớ được hộp thư của mình, lúc hỏi đến mới "loay hoay" tìm chỗ đã ghi lại, hoặc mật khẩu để truy nhập.

 

Trong hai năm thực hiện đề án 191, đơn vị chủ trì là VCCI cùng với các đơn vị khác đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp tại hơn 49 địa phương. Cụ thể đã tổ chức 11 cuộc khảo sát, 55 hội thảo, gần 500 khóa học cho hơn 12 nghìn lượt học viên, biên soạn nhiều tài liệu nhằm phổ biến ứng dụng CNTT cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, VCCI cũng đã xây dựng 2 trung tâm tư vấn (TP.HCM và Hà Nội) hỗ trợ DN ứng dụng CNTT. Trong năm 2008, sẽ có thêm một trung tâm tại ĐN và theo kế hoạch sẽ có trên 70% địa phương (năm 2010 là 100%) phối hợp triển khai đề án nhắm tới mục tiêu có 50% doanh nghiệp ứng dụng CNTT.

 

Kỹ năng sử dụng hạn chế

Kỹ năng sử dụng và ứng dụng CNTT của nguồn nhân lực trong DN cũng là một điều đáng lo ngại. Tuy gần 100% DN ứng dụng bộ PM văn phòng vào quản lý, nhưng chỉ có khoảng hơn 35% nhân viên ứng dụng thành thạo. Các nhân viên hầu hết biết thao tác vận hành và khai thác cơ bản, nhưng nếu có sự cố hoặc tình huống bất thường thì rất lúng túng. Nhiều lúc gọi nhà cung cấp để xử lý nhưng không nói tường tận hoặc không hiểu tiếng Anh trên các chức năng, đến khi nhà cung cấp thiết bị đi hàng mấy chục km đến xử lý thì phát hiện ra phím Numlock không bật chứ không phải bàn phím bị hỏng... Điều này cho thấy kỹ năng sử dụng CNTT trong các DN là một trở ngại lớn, hạn chế việc khai thác hiệu quả của ứng dụng.

Nhiều cán bộ làm quản lý và nghiệp vụ tốt nhưng lại không có kỹ năng sử dụng CNTT. Lẽ ra việc cần làm là đào tạo về ứng dụng CNTT cho các cán bộ này thì nhiều DN lại tuyển thêm cán bộ chuyên về CNTT. Nhưng vì không hiểu biết về nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức, quản lý nên số cán bộ này hầu như chỉ lo bảo trì máy tính và diệt virus. Như vậy gây nên một sự lãng phí nguồn lực cũng như chi phí cho DN. Điều này khẳng định nhu cầu đào tạo cho nhân lực để sử dụng tốt các ứng dụng và giải pháp CNTT giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả là điều các DN cần có kế hoạch thực hiện.

Ngoài các lý do nêu ở trên, một yếu tố làm hạn chế sự phát triển ứng dụng CNTT trong các DN tại miền Trung là số lượng và năng lực của các DN cung cấp SP CNTT, đặc biệt là các DN cung ứng PM. Số DN CNTT chiếm gần 5% tổng số DN trong khu vực, trong đó hầu hết là các công ty cung cấp SP phần cứng, còn số lượng DN cung cấp PM thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ thực trạng trên, cần thiết phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức, ban ngành và sự nỗ lực, quyết tâm từ các DN để thay đổi lại cách triển khai, đầu tư ứng dụng sao cho phù hợp hơn, thực tế hơn.

 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan, chủ tịch HĐQT, giám đốc công ty cổ phần In và Dịch Vụ Văn Hoá Gia Lai
“Thật sự là qua hội thảo (VCCI và sở BCVT Gia Lai tổ chức ngày 9/11/2007) tôi mới biết website là gì! Công ty chúng tôi đầu tư 17 máy tính, nhưng chỉ sử dụng khoảng 10%, chủ yếu là gõ văn bản. Chúng tôi mong muốn ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho công việc và muốn có một nơi cung cấp những thông tin, tư vấn cho chúng tôi”.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi
"Qua thực tế đợt khảo sát vừa qua, chúng tôi nhận thấy chỉ có DN lớn như công ty Đường Quảng Ngãi bước đầu chú trọng đến CNTT trong sản xuất kinh doanh, quản lý và bán hàng. Một số DN đã có website nhưng chỉ giới thiệu công ty, nhà máy và các SP. Còn phần lớn DN vừa và nhỏ trong KCN thì chỉ sử dụng máy tính ở cấp độ văn phòng như: soạn thảo văn bản, gửi thư điện tử, lướt web... DN có ứng dụng TMĐT để giới thiệu SP, thông tin kinh doanh cho các khách hàng và đối tác trên mạng còn rất hạn chế và xa lạ. Lý do là DN ít hướng ra bên ngoài qua CNTT, chưa thấy lợi ích của CNTT, hạn chế về việc tiếp thu, kỹ năng quản lý và triển khai CNTT... Bên cạnh đó, khả năng tài chính hạn chế, cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ và môi trường CNTT chưa thuận lợi…
Nên chăng, có môi trường CNTT thuận lợi để khuyến khích DN trong KCN mạnh dạn ứng dụng CNTT như: hỗ trợ xây dựng mô hình DN mẫu, trao giải thưởng cho DN ứng dụng CNTT hiệu quả, gắn kết cộng đồng DN CNTT với DN sản xuất kinh doanh, xây dựng trung tâm hỗ trợ DN ứng dụng CNTT từ xa… Với DN, nếu có quyết tâm đầu tư, niềm tin vào CNTT và có "sức ép" để nhân viên nhận thức ứng dụng CNTT là có lợi thì không cần khuyến khích, họ vẫn hào hứng. Cần tạo cơ chế “đẩy” thay dần cơ chế “kéo” như lâu nay.
Cũng cần cơ chế khuyến khích gián tiếp như xây dựng cơ sở dữ liệu chung, thông tin được cung cấp một cách hệ thống mà chỉ có thể truy cập qua Internet, không cho phép làm trực tiếp bằng giấy tờ, như thế DN sẽ bắt buộc phải tự trang bị, tự học hỏi để khai thác được thông tin... Ví dụ như người khai báo nộp thuế qua mạng thì sẽ được ưu đãi hơn, hoặc khuyến khích tiếp nhận đăng ký kinh doanh, khai báo hải quan qua mạng... Việc tạo thuận lợi cho DN sử dụng hình thức giao dịch điện tử sẽ là cơ chế “đẩy” trong việc phổ cập ứng dụng CNTT."

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0