Hội nghị chính phủ điện tử năm 2007 diễn ra từ ngày 04/12 đến 07/12/2007 do Bộ Thông tin - Truyền thông, Sở BCVT TPHCM và tập đoàn dữ liệu (IDG) tổ chức lần thứ 5. Theo các chuyên gia về vấn đề này, thì hiện nay vẫn chưa có một đề án nào chính thức về Chính phủ điện tử. Sau đây là ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
TS. Mai Anh - Chủ tịch hiệp hội CNTT và TT Hà Nội: Chúng ta cần có một cách nhìn mới về Chính phủ điện tử. Từ trước đến nay trong con mắt các nhà lãnh đạo, các chương trình, dự án này là việc của các chuyên gia về CNTT. Chính phủ điện từ là một khái niệm của các chuyên gia CNTT, không liên quan gì đến chính phủ. Cho nên cần có một cách tiếp cận mới hơn về vấn đề này.
Theo đó, không đề cập trực tiếp đến vấn đề CNTT nữa, cần hoạch định các việc cần làm là của chính phủ, để phục vụ nhân dân tốt hơn. Cần bám sát cách triển khai xây dựng mô hình Chính phủ điện tử đã thành công của các nước trên thế giới. Chính phủ phải luôn quan hệ, giao dịch, phục vụ tốt 4 nhóm đối tượng: người dân (C), doanh nghiệp (B), công chức (E), các tổ chức trong hệ thống chính phủ (G).
Ông James S.L. Yong - Tác giả chính cuốn sách: “Chính phủ điện tử Châu Á: cho phép cải tiến dịch vụ công thế kỷ 21”: Xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam điều đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng CNTT. Những dự án được xây dựng cần được tiếp tục phát triển và chính phủ cần kiểm soát nhiều hơn.
Ở Việt Nam để phát triển Chính phủ điện tử đầu tiên cần tạo sự kết nối giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đặc biệt là chuyện cấp giấy phép kinh doanh cần được làm một cách trực tuyến giảm các thủ tục rườm rà, gây khó khăn. Khi đó sẽ thu hút được nguồn vốn các nhà đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tạo sự phát triển hạ tầng cơ sở mà quan trọng là internet. Cuối cùng là tạo ra sự liên kết giữa chính phủ và người dân.
Ông Krishna Giri – Trường nhóm tư vấn quản lý thị trường, nhóm vận hành dịch vụ công Accenture: Để phát triển Chính phủ điện tử điều đầu tiên là tăng cường sự kết nối cộng đồng chứ không phải là tập trung vào phát triển công nghệ. Bởi cho dù công nghệ có phát triển nhưng không kết nối cộng đồng được, nhân dân không tiếp cận được công nghệ thì không mang lại hiệu quả gì.
Phải chú ý đến công dân chứ không phải công nghệ. Phát triển các hệ thống kênh phục vụ, diễn đàn trao đổi giữa chính phủ và nhân dân, thực hiện chính sách một cửa. Một điều nữa là có được tầm nhìn , nhìn nhận khái niệm chính phủ điện tử một cách chính xác. Bên cạnh đó là có cơ sở hạ tầng bao gồm tất cả mọi thứ liên quan.
Theo cả 3 chuyên gia trên thì việc phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam thì cần phải có sự kết nối cộng đồng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần có sự quan tâm của chính phủ về vấn đề này.
Thế nhưng theo giáo sư Nguyễn Lãm - Cố vấn trường Đại học Lương Thế Vinh ở Hà Nội thì vấn đề trên được chính phủ rất quan tâm cụ thể là đề án 112 là do chính phủ quản lý. Nhiều biện pháp cải cách hành chính, thay đổi cơ chế cũng đã được chính phủ đưa ra cho phù hợp. Cơ sở hạ tầng chúng ta đã có đủ mà tiêu biểu là hệ thống internet đã tới tận huyện xã. Ông cho rằng cái quan trọng bây giờ là con người và việc sử dụng các công nghệ đó.
Phải làm sao cho tất cả các nhân viên trong văn phòng đều ngồi lên chiếc máy vi tính, đơn giản nhất là việc dùng email cũng phải biết. Cán bộ cấp cao hay cấp thấp ít nhất phải biết gõ gõ lên bàn phím nhập vào máy. Không phải bất cứ cuộc họp nào cán bộ cũng phải đi máy bay từ nơi này đến nơi khác mà chỉ cần ở tại chỗ kết nối mạng là được rồi.
Nhìn chung khái niệm Chính phủ điện tử mặc dù đã có từ lâu nhưng theo ông Mai Anh và các cán bộ của các tỉnh về dự hội thảo thì đến nay vẫn chưa có đề án chính thức về vấn đề này. Tất cả bây giờ đều chỉ là định hướng mà thôi và chưa chắc chắn là khi nào sẽ được công nhận chính thức, thậm chí đến 2010 cũng vẫn chỉ là định hướng.
Theo Dân trí