Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/11/2007
"Người hùng số" kể chuyện ngày xưa

Ông Trần Bá Thái, người từng được tạp chí Asia Week bình chọn là "Người hùng kỹ thuật số" (Digital Hero). Ảnh: Thanh Hải

Ông Trần Bá Thái, Giám đốc NetNam, người được Tạp chí Tuần châu Á (Asia Week) chọn là “Người hùng kỹ thuật số” năm 1993 nói về sự phát triển của Internet 10 năm qua.

Lọ mọ tìm kiếm thông tin và hợp tác với nước ngoài để thử Internet từ những năm 1991, năm 1993 được Tạp chí Asia Week bầu chọn là Người hùng kỹ thuật số, năm 1994 được tin tưởng giao phó xây dựng hệ thống email cho Thủ tướng Việt Nam liên lạc với Thủ tướng Thụy Điển. Ông là Trần Bá Thái, hiện là Giám đốc NetNam.

Những kỷ niệm khó quên

Việt Nam bắt đầu mở cửa từ những năm 90, nhưng trước đó Viện Khoa học Việt Nam đã có sự hợp tác quốc tế tương đối tốt. Nhiều cán bộ của Viện đã được đào tạo ở Đông Âu và cả Tây Âu từ những năm trước đó. Đây là lợi thế dẫn đến “cơ duyên” cho chúng tôi trở thành người tiên phong nghiên cứu về Internet tại Việt Nam.

Năm 1992, chúng tôi may mắn được dự cuộc họp về Internet quốc tế lần 2 ở Kobe (Nhật). Thời kỳ đó, Internet mới chỉ dừng lại trong giới khoa học và một số trường đại học của Mỹ và châu Âu. Ban đầu chúng tôi nhìn nhận Internet như là hướng khoa học để tìm hiểu. Cũng trong năm 1991, chúng tôi đã được thử nghiệm Internet với một trường đại học của Đức trong khuôn khổ dự án của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP. Hồi đó, chúng tôi chưa có tên miền Việt Nam, chỉ thử nghiệm email trên máy chủ của trường đại học của Đức, dựa trên công nghệ nền của Unix (thực chất là công nghệ của Internet sau này). Khi thử nghiệm với Đức, chúng tôi chưa làm được gì nhiều vì dự án không có khoản ngân sách nào chi cho công việc này. Đơn giản bởi lúc xây dựng dự án với UNDP, Internet chưa thực sự vươn ra khỏi Hoa Kỳ.

Đến năm 1992, chúng tôi đã kết nối với một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Úc nên việc thử nghiệm này được khởi động lại. Ban đầu, chúng tôi chưa có khái niệm mã nguồn mở nhưng đã mua phần mềm Shareware có mã nguồn về tự phát triển cho chạy trên DOS (lúc đó Windows chưa ra đời) nối với máy chủ Unix của Trường đại học Quốc gia Úc để tạo phần mềm cho người sử dụng cuối cùng. Chúng tôi thử nghiệm với một người Úc, ông Rob Hurle chưa từng gặp mặt mà chỉ nói chuyện qua điện thoại. Lúc đó chúng tôi tập trung tạo account và thử nghiệm với tên miền của Úc vì Việt Nam chưa đăng ký tên miền.

Địa chỉ email đầu tiên của chúng tôi lập ở Úc là hanoi@coombs.anu.edu.au. Địa chỉ này dùng như một thùng thư đầu mối cho toàn bộ email liên lạc giữa Việt Nam và quốc tế. Mỗi người sử dụng ở Việt Nam được tạo một địa chỉ email mang tên miền Việt Nam .vn là username@hanoi.ac.vn. Khi chuyển sang Úc, những địa chỉ này được gắn dưới coombs.anu.edu.au để thông thương quốc tế bởi nước ta chưa đăng ký tên miền quốc gia .vn trên Internet...

Tại Việt Nam, chúng tôi xây dựng hệ thống máy chủ email theo tiêu chuẩn Internet để người dùng kết nối. Nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi phải in ra để họ đến lấy, thậm chí có khi mang đến tận nơi cho họ, vì thời đó rất ít người có modem để nối mạng. Một điều rất thú vị là những người thử nghiệm email đầu tiên tại Việt Nam lại là những người liên quan đến khoa học xã hội và có nhu cầu giao lưu quốc tế như Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, Giáo sư Điểu học Võ Quý, Uỷ Ban Chất độc Da cam, Khoa Sinh học Đại Học Tổng hợp Hà Nội…

Thiết lập email đầu tiên cho Thủ tướng

Đến tháng 4/1994, GS Đặng Hữu lúc ấy làm Bộ trưởng Bộ KHCN và Môi trường đã giao cho chúng tôi thiết lập email để phục vụ cho chuyến viếng thăm của Thủ tướng Thụy Điển. Hồi đó, để phục vụ cho việc thiết lập email cho Thủ tướng, chúng tôi phải tự tạo phương tiện làm việc cơ động cho mình: mua “trao tay” một chiếc laptop đơn sắc (đen trắng) đã qua sử dụng nặng 3- 4 kg của một Việt kiều ở Mỹ mang về.

Ở thời điểm đó, Internet vẫn là chuyện “tranh tối, tranh sáng” nên để có tên miền Việt Nam (.vn) GS. TS. Trần Văn Đắc của Bộ KHCN và Môi trường đã phải ký công văn nhưng không đóng dấu rồi fax sang APNIC để đăng ký tên miền quốc gia .vn. Sau khi có địa chỉ tên miền rồi, chúng tôi mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền Việt Nam kết nối trực tiếp Internet. Thời kỳ đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm lắm về cấu hình, quản lý tên miền, nên địa chỉ email của Thủ tướng là vvkiet@badinh.ac.vn thay vì vvkiet@badinh.gov.vn như mong muốn.

Trước đó, chúng tôi đã trao đổi với Ban thư ký của Thủ tướng và tìm ra một cái tên “badinh” chung chung và có hình ảnh của nơi làm việc của Chính phủ. (Cho mãi đến tháng 9/1997, theo yêu cầu của Tổng cục Bưu điện, chúng tôi chuyển tên miền này cho VDC quản lý). Việc thử email thời đó cũng phức tạp, chúng tôi phải thử cả với nhóm thư ký của Thủ tướng Thuỵ Điển. Nhưng khi nối xong để bắt đầu thử nhận email thì đúng vào dịp lễ Phục sinh nên nhóm thư ký này nghỉ lễ. Thế nhưng điều chúng tôi tưởng là “sự cố” đã được khắc phục dễ dàng nhờ tính chất “mọi lúc, mọi nơi” của Internet, bởi nhóm thư ký này tuy nghỉ lễ nhưng vẫn làm việc ở nhà. Ngay sau đó, chúng tôi đã thử nghiệm tiếp việc gửi và nhận email rồi cài thẳng phần mềm nhận thư này vào máy laptop của Ban Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.   

Mừng như mở Internet

Ngày 19/11/1997, Tổng cục Bưu điện chính thức cấp phép cho bốn nhà khai thác, trong đó có NetNam được cung cấp dịch vụ Internet. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là những mong muốn của chúng tôi cuối cùng đã thành hiện thực và được xã hội chấp nhận như những công trình nghiên cứu triển khai.

Cá nhân tôi hài lòng khi mình tham gia trong nhóm kỹ thuật đầu tiên để đưa Internet vào Việt Nam. Tôi cũng tự hào hơn vì Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm đúng vai trò hạt nhân của đơn vị khoa học mở đường khai thông cho xã hội để phát triển Internet của Việt Nam.

Hồi đó, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là một thứ công nghệ giúp chúng ta trao đổi được thông tin tương đối độc lập với hạ tầng viễn thông, chứ không hề tưởng tượng được sự phát triển mà mức độ xâm nhập của nó vào đến đời sống xã hội như ngày nay. Tuy nhiên, nếu xã hội thời đó đồng bộ hơn, chẳng hạn như sự kết hợp giữa phần quản lý viễn thông và Internet thì Internet có thể sẽ phát triển tốt hơn nữa.

Chúng ta đã nói nhiều đến công nghiệp nội dung, nhưng thực chất chúng ta chưa mở đường cho lĩnh vực này phát triển. Bây giờ, sau 10 năm Internet chính thức được cung cấp, nhiều người hay dùng từ “bùng nổ” hay “cơn lốc” để nói về sự phát triển của Internet. Những từ này có vẻ không đúng khi chúng ta đang có tỷ lệ dân số được dùng băng rộng quá thấp. Nếu làm bùng nổ Internet băng rộng thì đứng về mặt viễn thông  chỉ có công nghệ không dây mọi lúc mọi nơi mới có thể làm được. Còn đứng về mặt CNTT thì không chỉ có máy tính, mà phải là thứ cầm tay được và phải để toàn xã hội tham gia để giải phóng sức sống của thông tin. Tôi cảm nhận được rằng, những năm tới Internet sẽ phải là không dây, cầm tay và tất cả đều có thể tham gia nội dung.       

“Người hùng” của Asia Week

Tôi cũng chẳng biết tại sao năm 1993, Tuần báo Á Châu (Asia Week) lại bình chọn tôi với một kỹ sư của Ấn Độ và Mông Cổ với danh hiệu Người hùng kỹ thuật số (Digital Hero) của năm. Tuần báo Á Châu cũng chưa lần nào gặp tôi và có lẽ họ đã khai thác thông tin độc lập ở đâu đó. Có lẽ ở góc độ nào đó thì tôi cũng tham gia vào việc đưa Internet đến cộng đồng.

Tuy NetNam là một trong bốn ISP tham gia thị trường Internet ngay từ những ngày đầu tiên thế nhưng giờ đây, NetNam lại yếu thế trên thị trường băng rộng ADSL và chỉ nắm thị phần ”khiêm tốn” đối với dịch vụ này. Có người nói với tôi như vậy là không thành công. Tôi cho rằng, đó là quan niệm mang tính chủ quan và tương đối.

Một cá nhân, một công ty nhỏ và vừa cũng có thể thành công, không nhất thiết chỉ các “đại gia” mới thành công... Một doanh nghiệp thành công được cần phải có 3 yếu tố. Thứ nhất là tài chính, thứ hai là công nghệ, nhân lực và thứ ba là các chính sách. Hiện nay NetNam đang bị khuyết yếu tố thứ nhất vì tài chính không có. Thứ hai, chính sách của Nhà nước đối với các ISP không có hạ tầng rất bất lợi. Và thực chất NetNam chỉ có yếu tố nhân lực, là một phòng nghiên cứu trong một viện nghiên cứu trong viện hàn lâm. Như vậy, toàn bộ tam giác điều kiện trên NetNam chỉ có một, không đủ để xây dựng doanh nghiệp lớn.

NetNam tạm hài lòng là thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những cá nhân trong NetNam và cả NetNam không thành công trong sự nghiệp của mình.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0