Ông Phạm Hữu Hà, ngụ tại khu hồ Đống Đa (Hà Nội), giảng viên đại học đã nghỉ hưu, hàng ngày vẫn lên mạng để nói chuyện với con gái và cháu đang sinh sống tại Mỹ. Ngoài ra, ông còn “lướt” qua một trang Web đã được lưu vào “ưa thích” (favorities) là chinhphu.vn. Ông Hà cho biết, ông chưa bao giờ “góp ý” hay kiến nghị gì với Chính phủ qua trang Web này mà chỉ đơn giản “theo dõi” những hoạt động, chính sách điều hành của Chính phủ. “Sự hiện diện của Chính phủ trên mạng, mọi chính sách điều hành của Chính phủ đều công khai trên mạng là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến”, ông Hà, hiện cũng là một nhà tư vấn xây dựng, nhận xét. “Vậy nên, người dân xin giấy phép xây dựng, cải tạo nhà ở... qua mạng cũng có thể lắm chứ”.
Việc cấp phép qua mạng, hay nói chung là cung cấp dịch vụ công qua mạng, là một hình thức tương tác cao nhất giữa người dân và Chính phủ của Chính phủ điện tử. Mục tiêu này được Chính phủ Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang hướng đến. Tuy nhiên, ở một mức độ thấp hơn, Chính phủ vẫn hàng ngày “giao tiếp” với người dân qua mạng, tiếp nhận, xử lý email ý kiến, phản hồi.
Gọi là mức độ thấp như vậy, nhưng thực tế như ông Nguyễn Kim Tùng, Phụ trách Ban Bạn đọc - Đối ngoại, Website Chính phủ (địa chỉ trực tiếp nhận, xử ý email của độc giả gửi tới Website Chính phủ - cho hay công việc không đơn giản một chút nào.
Đọc email mệt nghỉ
Website Chính phủ thực sự gây được sự chú ý của người dân Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài bắt đầu từ cuộc giao lưu trực tuyến đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu tháng Hai năm nay. Tiếp đến là sự kiện Thủ tướng Chính phủ công bố trang tin chính thức vài tháng sau đó. Ngoài ra, qua sóng phát thanh, truyền hình và báo chí, trang Web này cũng đến được với công chúng kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
Sự quan tâm của độc giả tới Website Chính phủ thể hiện ở số lượng thư bạn đọc gửi đến ngày càng nhiều. Ban đầu mỗi ngày Website nhận được 4-5 email và cho đến nay, trung bình email gửi đến (sau khi đã loại thư rác) khoảng 45 thư.
Nội dung thư gửi đến thì muôn hình vạn trạng. Có cô sinh viên ngoại tỉnh học ở Hà Nội email đến Website Chính phủ hỏi cô muốn đổi biển số xe máy từ ngoại tỉnh thành biển số Hà Nội thì phải làm thế nào? Có người lại hỏi mũ bảo hộ lao động có được coi là mũ bảo hiểm hay không?
Cũng có người gửi email kèm theo tệp hơn 100 trang đánh máy hiến kế cho giáo dục. Song đọc hàng trăm trang văn bản định dạng word có khi còn dễ hơn đọc hàng chục trang scan (quét – định dạng tệp ảnh) của một độc giả nào đó. Có thư gửi đến website Chính phủ đồng thời Cc (gửi kèm) cho hàng trăm địa chỉ khác đến nỗi chỉ riêng địa chỉ Cc cũng choán hết màn hình máy tính...
“Khiếu kiện cũng gửi vào (mục) Cải cách hành chính. Tố cáo cũng gửi vào mục này”, ông Tùng nói. “Thực ra, đây là một kênh phản hồi cho các chính sách điều hành của Chính phủ. Nhưng người dân mộc mạc lắm và dù thế nào cũng không được phép bỏ qua lá thư nào của người dân gửi đến”, ông Tùng khẳng định.
“Hậu trường” xử lý email
Ban Bạn đọc – Đối ngoại Website Chính phủ hiện có 5 người. Công việc của mỗi người (phụ trách hộp thư điện tử) đầu tiên là in thư, đọc và lọc thư. Bởi trình độ người viết thư khác nhau nên nhiều nội dung thư phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu và biên tập lại cho rõ nghĩa. Với những email thiếu thông tin, Ban Bạn đọc phải liên lạc với tác giả để bổ sung.
Bước thứ hai là chọn email viết phiếu chuyển (cho cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết) hoặc giải đáp trực tiếp (hướng dẫn tìm thông tin cho độc giả). Trong trường hợp làm phiếu chuyển, phải liên lạc (qua điện thoại) để kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người gửi email.
Sau khi nhận được trả lời từ các cơ quan chức năng, Ban Bạn đọc viết bài đăng trên Website Chính phủ, gửi thư trả lời bạn đọc đồng thời lưu hồ sơ. Ông Tùng giải thích, thông thường nhận được email, cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức có thể trả lời ngay, dù chỉ thông báo rằng họ đã nhận được. Tuy nhiên, đây là trang Web của Chính phủ, mọi thông tin phát ra đều phải có sự cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy mới dẫn đến tình trạng, người dân đã email đến rồi còn gọi điện thoại đến Ban liên tục “nhắc nhở”.
Theo thống kê, hiện trung bình mỗi tháng Ban làm hơn 80 phiếu chuyển. Trong đó, số nhận lại khoảng 50 và đăng trên trang Web khoảng 40. Đây cũng là con số khá cải thiện so với trước, ông Tùng nói. Hồi đầu tiên, phiếu chuyển của Website Chính phủ đến các cơ quan chức năng nhận được phản hồi rất ít, hoặc rất lâu. Nhưng sau đó, đích thân Thủ tướng Chính phủ phải nhắc đến việc này trong cuộc họp Chính phủ và có những hành động mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. “Đầu tàu” đã tăng tốc nên tất cả các cơ quan phía dưới không thể không theo.
Theo Ictnews