Thứ bảy, 27/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/11/2007
Internet: Bài học về sự thắng thế của tư duy mới

"Từ bài học Internet vào Việt Nam, ông có liên hệ nào tới những vấn đề khác trong sự phát triển và hội nhập của Việt Nam hôm nay?" - đó là câu hỏi đặt ra với GS Chu Hảo nhân kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam.

 

"Vào những năm 1996, 1997 mà vẫn không cho phép mở cửa Internet thì chỉ trong vài ba năm sau đó, Việt Nam sẽ thành ốc đảo...", Giáo sư Chu Hảo đã từng "cảnh tỉnh" điều đó cho tương lai phát triển của Internet tại Việt Nam. Khi đó ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường, thành viên Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia về CNTT.

Vai trò, sức mạnh của mạng toàn cầu Internet trong cuộc sống hiện đại hôm nay đã rõ. Nhưng 10 năm trước, Internet vẫn còn là khái niệm xa lạ, người dân và các nhà lãnh đạo còn nghi ngờ, lo ngại về nó.

Những nguy cơ rình rập nếu Internet tràn vào Việt Nam được kể ra là vấn đề an toàn thông tin, những luồng văn hóa, tư tưởng độc hại tràn vào, chứng "nghiện" net trong giới trẻ... Hơn cả là sự e dè với cái mới, nhất là khi cái mới đó chưa thể định hình, định tính.

Khi đó, với tư cách là đại diện cho Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT, ông Chu Hảo đã cùng các đồng sự phải đứng trước bài toán thuyết phục các nhà lãnh đạo để mở đường cho Internet vào Việt Nam.

GS Chu Hảo (Ảnh: B. D)


GS Chu Hảo kể với VietNamNet: "Chúng tôi khi ấy gồm các anh Phạm Gia Khiêm - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, anh Đỗ Trung Tá, anh Nguyễn Khánh Toàn, anh Mai Liêm Trực... được Ban Bí thư triệu tập lên báo cáo. Đồng chí Lê Khả Phiêu, thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp". 

"Khi sang Mỹ dự hội thảo khoa học vào những năm 1995 - 1996, được anh em đồng nghiệp bên Mỹ và Việt kiều giới thiệu, tôi tiếp xúc với Internet lần đầu. Tôi đã nhận ra ngay rằng, nó có những tiện ích kết nối không gì sánh được.

Sau đó, khi đã dùng Internet ở trong nước để trao đổi với bạn bè quốc tế, tôi thấy ngay không thể có cách nào dừng được mà chỉ có cách phải phát triển. ..

Lợi ích của Internet hiển nhiên đến mức nguồn lợi của nó được khai thác đến đâu là tùy vào người sử dụng. Thiếu nó sẽ không có cơ hội để tận dụng được kho tàng tri thức thông tin vô hạn của mạng toàn cầu".



Quan điểm lúc ấy nhóm phụ trách đưa ra là khi mở cửa Internet, đó là chuyện của con người chứ không phải của kỹ thuật và "firewall" không phải là cánh cửa vạn năng để ngăn xấu, lọc tốt.

"Đã đi vào cánh cửa thế giới hiện đại là phải chấp nhận rủi ro. Càng hiện đại, nguy cơ rủi ro càng cao. Nếu không chấp nhận điều này thì sẽ bị bỏ rơi lập tức", GS Chu Hảo kể.

Sau những phần thuyết trình được chuẩn bị kỹ càng với tư duy, quan điểm mới, điều mà GS Chu Hảo và những cộng sự chờ đợi đã được đền đáp xứng đáng. Từ băn khoăn, phân vân, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đã trả lời quyết đoán: "Tôi tin các anh. Cứ làm thử đi!". Và Intetnet vào Việt Nam bắt đầu từ chặng đường đó...

Trong phòng làm việc của G.S. Chu Hảo tại Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ông Chu Hảo - nay là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tri Thức - trò chuyện với Tuần Việt Nam sau chặng đường 10 năm đó. 

Internet vào Việt Nam: Sự thắng thế của tư duy mới 

- Nói về những gì Internet mang lại, hãy thử đặt giả thiết ngược: Nếu một ngày không Internet, một tuần không Internet… hay nếu Internet vào Việt Nam sớm hơn thì theo giáo sư tình hình sẽ ra sao? 

- Vì còn đang làm việc, còn nhiều mối quan hệ phải trao đổi thường xuyên nên sẽ thực sự là khó khăn khi tôi vắng Internet dù chỉ trong một ngày. Tuy nhiên công việc của tôi cũng không quan trọng và cấp thiết đến nỗi nếu bị ngắt mạng thì sẽ gây thiệt hại đáng kể cho bất cứ ai.

Tôi nghĩ là thời điểm tham gia mạng thông tin toàn cầu của Việt Nam khó có thể sớm hơn năm 1997 được, cho nên cũng chẳng nên băn khoăn quá vì chúng ta đã tham gia... hơi muộn.

Giám đốc NXB Tri Thức - GS Chu Hảo (Ảnh: B.D)


- Theo ông, sức mạnh và điểm yếu lớn nhất của Internet là gì? Ông có cách nào để khai thác tốt nhất công cụ Internet?

- Tôi sử dụng Internet vẫn còn hơi kém so với nhiều người, nhất là các bạn trẻ (cười). Sức mạnh chủ yếu của Internet là tốc độ truyền tin ngày càng cao và chứa đựng một kho dữ liệu thông tin mênh mông trên mạng. Điểm yếu cốt tử của Internet là nguy cơ bị các loại virus ngày càng tệ hại hơn tấn công.

So với 10 năm trước ngày nay Internet đã được cải thiện hơn rất nhiều: nhanh hơn, độ tin cậy cao hơn và... rẻ hơn.

- Ông có ngạc nhiên về sự phát triển của Internet tại Việt Nam? Sự thay đổi ấy gợi đến ông điều gì?

- Tôi mừng nhưng không ngạc nhiên vì tốc độ phát triển của Internet Việt Nam. Lẽ ra còn có thể phát triển tốt hơn nữa. Số người sử dụng Internet càng nhiều thì xã hội càng phát triển. Với ý nghĩa đó tôi lạc quan đối với tương lai của đất nước ta, dân tộc ta.

- Theo ông, mỗi người có thay đổi gì về tư duy khi tiếp cận thường xuyên với Internet hay không? Riêng với cá nhân ông, Internet có tác động đến tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, tư duy của người làm khoa học?

- Tiếp xúc nhiều với Internet sẽ giúp cho mỗi người mở mang trí tuệ, mở rộng quan hệ giao lưu, năng động hơn và quyết đoán hơn. Điều đó có lợi cho bất cứ ai: nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý hay người làm công tác nghiên cứu.

-  Khi Internet vào VN thì kéo theo rất nhiều lo lắng, nhiều ý kiến khác nhau; thậm chí đã diễn ra sự tranh luận rất mạnh mẽ về tác động, thách thức của nó. Tuy nhiên, đến nay, như ông từng nói: “không Internet, Việt Nam sẽ thành ốc đảo”. Từ bài học Internet, ông có liên hệ nào tới những vấn đề  khác trong sự phát triển và hội nhập của Việt Nam hôm nay?

-
Chúng ta cần tự tin hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực khác của xã hội để thu ngắn khoảng cách phát triển của Việt Nam với bên ngoài. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng: khi chúng ta hô hào rút ngắn khoảng cách phát triển và rất tự hào vì những thành tích đã đạt được thì thực chất chúng ta vẫn đang tụt hậu xa hơn nữa so với bên ngoài, chẳng những về mặt kinh tế, mà cả về mặt y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ...

Nhiêm vụ của các cơ quan truyền thông đại chúng là phải nói thật cho toàn dân biết điều đó để mỗi người dân phải có trách nhiệm hơn đối với tiến bộ xã hội đồng thời phải giám sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt đông của các cơ quan Nhà nước theo Luật định. Mở rộng hơn nữa việc sử dụng Internet cũng là một cách hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ này.

- Ngày nay, một đời sống online đã hình thành. Theo ông, giới trẻ được gì, mất gì từ đây? Họ nên ứng xử thế nào với thế giới mạng?

- Thế giới mạng là cơ hội vừa là cạm bẫy đối với các bạn trẻ. Là cơ hội cho những ai ham học hỏi, thích sáng tạo và có bản lĩnh. Là cạm bẫy đối với những bạn ham chơi, tham lam và nhẹ dạ. Cái gì cũng có hai mặt cả: Cơm lành như vậy mà ăn quá nhiều cũng có khi bội thực gây tử thương cơ mà!

- Dự đoán của ông về chiều hướng phát triển của Internet tại Việt Nam và trên thế giới?

- Công nghệ Internet càng tiến bộ thì công nghiệp nội dung (content industry) càng phát triển. Ngoài khía cạnh kinh tế của vấn đề thì khía cạnh văn hóa sẽ nổi lên như là một thách thức.

Văn hóa Blog mới là khúc dạo đầu của một nền văn hóa mạng mới đang hình thành trên cơ sở tôn trọng tối đa tính đa dạng, tính cá biệt của mọi cộng đồng xã hội và của từng cá nhân. Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận trào lưu ấy một cách bình tĩnh, nghiêm túc và rất có văn hóa. 

- Xin cảm ơn ông!

Tuần Việt Nam tổng hợp những phát biểu đáng chú ý của một số nhân vật  có ảnh hưởng lớn đến quá trình đưa Internet vào Việt Nam.

* Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh:

Không thể vì có một số tiêu cực mà không mở Internet vì đây là một mũi nhọn trong phát triển khoa học, công nghệ, hiện đại hoá. Không thể nào hiện đại hoá đất nước mà không có công nghệ thông tin. Không thể nào phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế mà lại không phát triển Internet.

Thực tế phát triển Internet 10 năm qua là bài học tốt về quyết tâm phát triển công nghệ, quyết tâm đưa công nghệ hiện đại vào nước ta, quyết tâm vượt qua sự yếu kém lạc hậu để theo kịp thời đại, cũng là bài học về tiếp tục đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập quốc tế, làm cho năng lực quản lý tiến cùng nhịp điệu với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

* GS. TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ Thông tin và truyền thông):

Tác dụng to lớn của Internet là tải chất xám, trí tuệ của nhân loại về Việt Nam, gắn đất nước với toàn cầu, gắn thị trường của chúng ta với "chợ" quốc tế.

Nhận thấy cần phải phát triển mạnh hơn, Chính phủ đã quyết định cho phép đảo ngược nội dung phương châm quản lý, từ "Quản lý tới đâu, phát triển tới đó" chuyển sang "Phát triển đến đâu, quản lý tới đó". Đó chính là những quyết định hết sức ấn tượng, mạnh mẽ về tư duy, tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta.

Đối với VN, Internet cộng với sức trẻ, với giáo dục đào tạo là phương tiện tốt nhất để đưa chúng ta vào xã hội thông tin.

Khi thông tin trở thành tài nguyên, trở thành lực lượng sản xuất và động lực sản xuất, thì có thể nói CNTT - viễn thông là lĩnh vực đưa chúng ta đi tắt đón đầu, cho chúng ta có những cung cách quản lý mới, thay đổi cách ứng xử của con người trong một môi trường mới.

Bản thân ICT cũng sẽ giúp VN gần gũi hơn với các nước khác, các doanh nghiệp của VN cũng dễ dàng đưa được thương hiệu của mình ra với thế giới. Như vậy, kể cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa... chúng ta đều đã hưởng lợi từ sự phát triển của CNTT.

* TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông:

"Tôi thấm nhuần câu nói của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là: "Nếu làm việc mà cứ nhìn vào "chân ghế" của mình thì chẳng làm được việc gì cả".

Tôi cũng đã xác định, nếu mở Internet mà có việc gì xảy ra, mình sẽ phải là người lãnh trách nhiệm đầu tiên và phải sẵn sàng chấp nhận những trách nhiệm này.

Thời đó, lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước quyết định cho mở Internet không phải chỉ nghe về những cái lợi của Internet và những giải pháp ngăn chặn tiêu cực của nó, mà quan trọng đó là niềm tin vào những người thực thi chủ trương này".

* Kỹ sư Trần Bá Thái, Giám đốc công ty Netnam, "Người hùng kỹ thuật số" (Digital Hero) do AsiaWeek bình chọn:

 “Tháng 4/1994, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ nhận được một yêu cầu từ Văn phòng Thủ tướng Thụy Điển: Thiết lập một hệ thống e-mail để thủ tướng Thụy Điển (bấy giờ là ông Carl Bildt) trực tiếp liên lạc, trao đổi công việc.

Bộ KHCN&MT đã giới thiệu nhóm làm việc của tôi cho Văn phòng Thủ tướng. Với một chiếc máy tính xách tay, tôi cùng một số người đến Văn phòng Thủ tướng lắp đặt e-mail cho thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ trong nửa giờ đồng hồ. Với địa chỉ vvk@badinh.ac.vn, thủ tướng Võ Văn Kiệt và C.Bildt đã trở thành cặp nguyên thủ thứ hai trên thế giới trao đổi công việc qua Internet. (Trước đó, thủ tướng Carl Bildt và tổng thống B.Clinton là những nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện trao đổi công việc qua e-mail).

Đầu năm 1994, nhóm của tôi đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đăng ký tên miền .vn. Nhờ đó, tên miền của Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới, có thể coi như một cuộc cách mạng Internet ở VN.

Theo Tuanvietnam

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0