Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/11/2007
"Không thể hội nhập quốc tế nếu không có Internet!"

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh. Ảnh: Thuỷ Nguyên

"Không thể nào hiện đại hoá đất nước mà không có công nghệ thông tin. Không thể nào phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế mà lại không phát triển Internet" - quan điểm này đã được Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh - một trong những người đã cùng Chính phủ nước ta quyết định đưa Internet vào Việt Nam cách đây đúng 10 năm đưa ra.

Dù đã 10 năm trôi qua song những kỷ niệm của ngày đầu mở Internet vẫn còn như mới hôm qua, Nguyên Phó Thủ tướng đã chia sẻ với phóng viên VnMedia.

Thưa Nguyên Phó Thủ tướng, ông có thể kể lại bối cảnh của Quyết định chính thức đưa Internet vào Việt Nam năm 1997?

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh: Chỉ mấy năm sau khi bắt đầu đổi mới đã có những thông tin đến với cơ quan lãnh đạo Chính phủ về vấn đề xa lộ thông tin. Một số nhà khoa học, chuyên gia về tin học, CNTT đã đề xuất với lãnh đạo của Đảng và Chính phủ là nước ta cần tham gia vào xa lộ ấy, vì thông tin phát triển rất nhanh, đã trở thành nguồn thông tin quốc tế toàn cầu hết sức rộng lớn. Chúng ta có quan điểm đi tắt đón đầu nên phải xây dựng nhanh mạng lưới tin học. Muốn đi nhanh thì phải nắm chắc được công nghệ tin học.

Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Văn hoá thông tin cũng đã kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng xây dựng mạng thông tin kết nối với toàn cầu.

Lúc bấy giờ các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã thấy nước ta cần phải tham gia vào xa lộ thông tin này. Song ở thời điểm ấy chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tế là mở Internet thì sẽ như thế nào? Kết quả tốt xấu sẽ ra sao? Sức của mình có quản lý được hay không? Lại nghe tin ở một số quốc gia triển khai mạng thông tin Internet đã gặp nhiều vấn đề rắc rối không kiểm soát được
Tuy nhiên Đảng và Chính phủ vẫn cho làm. Tháng 3/1997 Chính phủ đã ban hành Quy chế tạm thời về việc Thiết lập và sử dụng Internet ở Việt Nam. Đây là dấu mốc đầu tiên thể hiện quyết tâm của Chính phủ cho mở Internet tại Việt Nam. Chính phủ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải tích cực làm và quản lý cho được.

Nguyên Phó Thủ tướng có thế cho biết những luồng ý kiến, quan điểm trái chiều lúc đó về việc có nên đưa Internet vào Việt Nam như thế nào?

Đúng là trước năm 1997 có những ý kiến khác nhau. Số đông các nhà khoa học rất thiết tha với việc nước ta mở dịch vụ Internet, tham gia vào xa lộ thông tin toàn cầu. Nhưng cũng có một số người làm quản lý tỏ ra lo lắng, e rằng sẽ xảy ra những chuyện không tốt như lợi dụng thông tin toàn cầu, qua thiết bị, máy móc, qua tin học làm những việc xấu. Sợ là khi vào Internet người ta nói đủ thứ chuyện trên mạng, bất lợi cho an ninh quốc phòng, cho việc giữ gìn thuần phong mỹ tục...

Lúc đó điều kiện về cơ sở vật chất của ta còn rất yếu, thông tin kém, chưa có kinh nghiệm nên chủ trương của lãnh đạo là cho mở Internet nhưng không được làm vội vàng mà phải quản lý rất chặt chẽ. Lúc đầu "quản lý được tới đâu thì mở tới đấy". Trong quy chế tạm thời ban hành năm 1997 có một ý "các cơ quan của Đảng, Chính phủ, cơ quan an ninh quốc phòng không được đấu kết vào mạng Internet. Nếu cơ quan nào muốn đầu nối vào thì phải làm mạng riêng, phải mật mã hoá, có những phương tiện tốt để quản lý cho được”.

Tôi thấy sự cẩn thận ấy là đúng, là phù hợp với tình hình nước ta 10 năm trước đây.

Nguyên Phó Thủ tướng có thể cho biết quan điểm của ông lúc bấy giờ trong việc quyết định đưa Internet vào Việt Nam?

Lúc ấy tôi được Thủ tướng giao phụ trách mảng khoa học, công nghệ, văn hoá thông tin. Trong một số cuộc gặp gỡ quốc tế, một số nhà khoa học nói rất mạnh với tôi rằng: bây giờ Internet đã phổ biến lắm rồi, Việt Nam cần hoà nhập vào và đi nhanh, chậm không thể được, trước sau gì cũng phải làm; chỉ có làm rồi dần dần mới khắc phục được những nhược điểm, rồi các vị sẽ thấy có cả lợi và bất lợi nhưng lợi nhiều hơn. Tôi rất tâm đắc với những lời khuyên ấy.

Những người có trách nhiệm về khoa học và công nghệ đã có nhiều cuộc họp, thảo luận, trao đổi rất nhiều và đã có tác động thực sự tới lãnh đạo, quản lý. Tuy đã nhìn thấy trước những khó khăn phức tạp và cả những tiêu cực nhưng phải nhìn nhận đó là điều không thể tránh khỏi, cũng như khi ta mở cửa thì có gió mát vào nhà nhưng cũng có ruồi muỗi vào theo không thể mọi cái đều tốt hết. Nhưng không thể vì có một số tiêu cực mà không mở Internet vì đây là một mũi nhọn trong phát triển khoa học, công nghệ, hiện đại hoá. Không thể nào hiện đại hoá đất nước mà không có công nghệ thông tin. Không thể nào phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế mà lại không phát triển Internet.
Đã 10 năm trôi qua kể từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ và nhiều trở ngại ấy.

Nguyên Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về sự phát triển cũng như lợi ích của Internet đem lại cho Việt Nam chúng ta?

Ngay sau khi mạng Internet được mở thì nó rất được hoanh nghênh và phát triển nhanh. Có thể nói là nhanh ngoài dự kiến của Chính phủ. Khi người dân và các cơ quan, doanh nghiệp thấy được lợi ích của Internet cho bản thân họ thì người ta tham gia rất mạnh. Sự tiến bộ về Internet ở Việt Nam là rất nhanh.

Đến năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định 55 về quản lý Internet. Nội dung đã có nhiều điểm khác so với quy chế được ban hành năm 1997. Quan điểm và sự quản lý của nhà nước đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng khuyến khích phát triển nhanh chóng phổ cập Internet trong các hoạt động kinh tế, trong giáo dục đào tạo, trong y tế và trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhà nước ưu đãi đầu tư, tài trợ cho các cơ quan, cơ sở tham gia sử dụng dịch vụ Internet. Tinh thần chỉ đạo đã khác trước, nếu như trước đây quản lý được đến đâu thì mở đến đấy thì nay quản lý Internet phải theo kịp yêu cầu mới của sự phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng dịch vụ Internet phục vụ công tác chuyên môn, nghiên cứu, kinh doanh nhưng phải tôn trọng pháp luật, không được lợi dụng Internet làm những việc có hại cho đất nước.

Một điều nữa là cơ sở vật chất tiến bộ rất nhanh. Có sự đóng góp đáng kể về công sức và trí tuệ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong đó có Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Năng lực quản lý của nhà nước cũng tiến bộ rõ, cùng với tốc độ tăng, số người sử dụng dịch vụ Internet tăng, số công ty cung cấp dịch vụ Internet. Có một số công ty cung cấp dịch vụ Internet lúc đầu rất nhỏ nhưng chỉ ít năm sau đã phát triển thành doanh nghiệp Internet quy mô lớn.

Giờ đây Internet đã phổ cập trong các cơ quan, doanh nghiệp và cả những hộ gia đình. Rõ ràng là Internet đã phát triển nhanh ở nước ta cùng với sự phát triển nhanh của Internet là cả một sự tiến bộ về tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Chúng ta nên rút ra những bài học gì trong quá trình phát triển 10 năm của Internet, thưa Nguyên Phó Thủ tướng?

Năm nay kỷ niệm 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam, chúng ta đều phấn khởi khi thấy Internet đã trở thành công cụ rất có hiệu quả của công cuộc đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nước ta đã có những bước tiến dài về khoa học công nghệ mà mũi nhọn là lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng phải vẫn quan tâm tới việc khắc phục những nhược điểm, những điểm yếu của ta trong lĩnh vực này. Vẫn phải quan tâm, đề phòng, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong việc sử dụng Internet, không được để cho những tiêu cực ấy gây trở ngại cho chúng ta trong sự phát triển nhanh và bên vững.

Khuyến khích sử dụng Internet, phổ cập Internet đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục ý thức của người dân, người sử dụng và ngăn chặn, đề phòng những hành vi xấu. Tôi bày tỏ niềm vui mừng về sự phát triển của Internet. Rất hoan nghênh các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý để Internet ngày càng phát triển nhanh và lành mạnh.

Thực tế phát triển Internet 10 năm qua là bài học tốt về quyết tâm phát triển công nghệ, quyết tâm đưa công nghệ hiện đại vào nước ta, quyết tâm vượt qua sự yếu kém lạc hậu để theo kịp thời đại, cũng là bài học về tiếp tục đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập quốc tế, làm cho năng lực quản lý tiến cùng nhịp điệu với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Nguyên Phó Thủ tướng!

Theo Vnmedia

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0