Theo thông báo của Ban Tổ chức cuộc thi, năm nay, với hai nhóm sản phẩm dự thi: "Sản phẩm đã ứng dụng" và "Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng" sẽ có hai hệ thống giải chính thức. Mỗi nhóm giải có 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba với trị giá giải thưởng tương 100 triệu đồng, 50 triệu đồng và 30 triệu đồng cùng phần thưởng của các đơn vị tài trợ. Ngoài ra, cuộc thi còn có 7 giải phụ được lựa chọn trong hơn 150 sản phẩm tham gia dự thi bao gồm: Giải Vì lợi ích cộng đồng, giải Nghị lực, giải Vì sự nghiệp khuyến học, giải Tài năng trẻ, giải Nhân tài mọi thế hệ, giải Ấn tượng hội nhập và giải Nhiệt huyết nhân tài.
"Nhóm sản phẩm đã ứng dụng" - gương mặt nào sáng giá nhất đây?
Dù nhóm những sản phẩm đã ứng dụng thực tiễn năm nay theo đánh giá của các thành viên Hội đồng Chung khảo chưa có sản phẩm thực sự nổi trội song vẫn có thể tìm ra những "gương mặt" sáng giá hơn cả.
Trong buổi bảo vệ sản phẩm dự thi chung khảo vừa diễn ra trọn vẹn trong ngày 18/11 vừa rồi, Trịnh Công Thanh đã là thí sinh đầu tiên bảo vệ trước Hội đồng Giám khảo sản phẩm "Cổng thông tin người khuyết tật Việt Nam". Theo ý kiến phản biện của Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Văn Dũng, dù còn một số tồn tại, khuyết điểm song tác giả đã xây dựng được một sản phẩm tốt, mang tính chuyên nghiệp cao, được ứng dụng trong thực tế và đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là những người tàn tật.
Sản phẩm Cổng thông tin người khuyết tật Việt Nam đã được đưa vào sử dụng từ 2003 và được nâng cấp, ngày càng hoàn thiện về tính năng, hình thức, giao diện. Cách đây chưa lâu, "Cổng thông tin người khuyết tật Việt Nam" đã "rinh" giải nhất trong cuộc thi ICT Thắp sáng niềm tin. Rất có thể, trong cuộc thi này, sản phẩm lại sẽ làm nên một cái gì đó cho tác giả Trịnh Công Thanh?
Cũng là một sản phẩm dành cho người khuyết tật, phần mềm "Hỗ trợ trẻ khiếm thính luyện âm, tập nói" của nhóm tác giả đến từ TP.Hồ Chí Minh đã lấy được nhiều cảm tình của ban giám khảo bởi mục đích xây dựng sản phẩm. Đây là những bài học đa phương tiện nhằm hỗ trợ cho trẻ khiếm thính và luyện tập một số kỹ năng phát âm và tập nói.
Với phần mềm "Giải pháp học trực tuyến", người phản biện là PGS.TS Nguyễn Quốc Trung - Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã không ngần ngại đánh giá: "xứng đáng đoạt giải" bởi theo ông, sản phẩm rất có ý nghĩa ứng dụng thực tế ở Việt Nam. Không những vậy, sản phẩm còn có một hình thức, giao diện rất tốt, dễ truy nhập dù cũng còn cần phải hoàn thiện hơn, phát triển thêm các kiến thức về xã hội để nâng cao dân trí, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, xa.
Một sản phẩm cũng không kém phần "nặng ký" khác được các thành viên trong hội đồng giám khảo đánh giá cao đó là "Hệ thống tính cước ghise tập trung dựa trên công nghệ Internet". Sản phẩm là giải pháp áp dụng công nghệ web để tính cước tập trung và hiển thị cước phân tán cho các ghise giao dịch điện thoại, khắc phục nhược điểm của phương pháp tính cước phân tán, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được áp dụng trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh và có triển vọng áp dụng rộng rãi tại các tỉnh, thành khác.
"Sản phẩm có tiềm năng", chọn công nghệ, ứng dụng hay nghiên cứu?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VnMedia, Tiến sĩ Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam đã nhận định: "Những sản phẩm thuộc nhóm có tiềm năng ứng dụng rất đa dạng cả về công nghệ lẫn ý tưởng. Có những tiềm năng được xuất phát ngay từ ý tưởng, có những tiềm năng xuất phát từ công nghệ... Mỗi sản phẩm đều đã thể hiện được những ưu điểm tiềm năng của mình trong lĩnh vực ứng dụng".
Đánh giá cao cho sản phẩm tiềm năng "Hệ thống quản lý nhân viên và dự án", Thạc sỹ Trần Quang Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho rằng, sản phẩm đã góp phần đơn giản hoá thủ tục, giảm giấy tờ, theo dõi và kiểm tra được tiến độ công việc, hỗ trợ đánh giá được năng lực của nhân viên; cùng với đó, đây cũng là sản phẩm có tính tuỳ biến cao, có thể áp dụng cho nhiều công ty phần mềm.
Dù là sản phẩm thuộc nhóm có tiềm năng ứng dụng, song phần mềm "Nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm máy tính hỗ trợ đào tạo tín chỉ" của nhóm thí sinh đến từ trường Đại học Đà Nẵng đã được ban giám khảo nhận định, nếu như được tiếp tục đầu tư hơn nữa, tương lai, đây có thể trở thành phần mềm thương mại.
Rất ấn tượng với phần mềm "An toàn khi tham gia giao thông" của tác giả Trương Ngọc Đại - một học sinh lớp 8 đến từ Hà Nội, tiến sĩ Đặng Công Chiến - Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT đánh giá, với việc xây dựng phần mềm Safe Trafic E3s đã chứng tỏ trình độ tương đối sâu về CNTT và kỹ thuật lập trình trong môi trường mã nguồn mở của tác giả dù em còn rất nhỏ tuổi, sinh năm 1994. Không những vậy, sản phẩm còn rất có ý nghĩa thực tế, tất cả các phiên bản với mức độ khác nhau đều có thể sử dụng cho mục đích giáo dục về an toàn giao thông cho mọi lứa tuổi.
Tiến sĩ Đặng Công Chiến đã đề nghị Ban tổ chức bằng uy tín của mình có công văn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Ủy Ban ATGT Quốc gia có phần thưởng riêng cho tác giả vì những đóng góp của tác giả cho mặt trận đấu tranh với tai nạn giao thông, đồng thời có kế hoạch phối hợp với tác giả hoàn thiện phần mềm để đưa vào sử dụng nhất là trong trường học.
Đúng là một sản phẩm mang tính tiềm năng, vì còn khá nhiều lỗi như giao diện của sản phẩm còn nhiều hạn chế, hình ảnh sử dụng trong giao diện còn xấu, không sắc nét; chưa có đặc thù riêng của sản phẩm dạng trò chơi; tính chuyên nghiệp chưa cao song sản phẩm “Framwork hỗ trợ phát triển game 3D trên Pocket PC” đã được hội đồng giám khảo đánh giá đây là một hướng đi còn khá mới ở Việt Nam và có nhiều triển vọng. Nếu được đầu tư thích đáng và có sự cố vấn của các nhà chuyên môn, phát triển framework theo hướng trò chơi thông minh thì sản phẩm có thể là một Framework tốt hỗ trợ phát triển phần mềm trò chơi trên Pocket PC.
Quả thực rất khó để có thể lựa chọn sẽ trao giải quán quân cho sản phẩm nào bởi hầu như mỗi sản phẩm đều còn những nhược điểm nhưng lại cũng rất có tiềm năng. Tin rằng, với sự làm việc nghiêm túc, công minh của Hội đồng Giám khảo Nhân tài Đất Việt 2007, tối mai, câu hỏi "ai là quán quân" sẽ tìm được câu trả lời chính xác nhất, hợp lý nhất.
Song có lẽ, trên hết những giải thưởng giành được từ cuộc thi, điều mong mỏi nhất từ phía ban tổ chức, cũng như mong đợi của ban giám khảo đó là "các sản phẩm dự thi phải thực sự được ứng dụng rộng rãi nếu thuộc nhóm sản phẩm đã ứng dụng và thực sự có tiềm năng nếu là nhóm có tiềm năng ứng dụng, tính năng, tiện ích của các sản phẩm sẽ đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng và xã hội".
Theo Vnmedia