|
Ảnh minh họa: Geekpedia. |
Khi người dùng cuối khiếu nại vì bị quấy rối bởi thư điện tử hay tin nhắn không mong muốn, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Internet hay viễn thông di động ngừng dịch vụ của nhà quảng cáo chuyên nghiệp đối với khách hàng có khiếu nại. Trong trường hợp chính các ISP hoặc công ty viễn thông vi phạm Nghị định chống thư rác, họ cũng sẽ bị buộc phải "ngắt" dịch vụ của mình ngay lập tức.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định chống thư rác cho rằng có hai việc thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp Internet hay dịch vụ viễn thông phải thực hiện. Đầu tiên là xây dựng giải pháp lọc thư điện tử, tin nhắn rác càng hiệu quả càng tốt, nhưng cần đảm bảo có thể ngăn chặn spam, spim dựa vào địa chỉ IP, tên miền, số điện thoại. Tiếp đó, thiết lập hệ thống cho phép người sử dụng gửi phản ánh về thư rác. "Ngoài các biện pháp kỹ thuật, nhà cung cấp dịch vụ Internet và di động cũng cần có trách nhiệm trong giáo dục nhận thức người dùng, phối hợp với các tổ chức khác để hạn chế thư rác", ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert), nói.
Trong thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hay Internet có thể đóng hai vai, vừa thực hiện quảng cáo cho chính mình trên dịch vụ họ cung cấp, vừa có thể nhận hợp đồng cung cấp công cụ quảng cáo cho các doanh nghiệp khác. "Trường hợp ISP hay công ty viễn thông gửi thư rác, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm như các đối tượng phát tán spam khác", ông Hải khẳng định.
Dự thảo Nghị định chống thư rác do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo xác định thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà họ không mong muốn hoặc không có trách nhiệm tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, spam từ nước ngoài mới là vấn đề nghiêm trọng bởi số lượng cũng như mức độ nguy hiểm và khả năng dụ người dùng mở thư. Ban soạn thảo thừa nhận đây là vấn đề nan giải mà trước mắt chỉ có một giải pháp là tăng cường hợp tác quốc tế để cùng phối hợp ngăn chặn. "Không chỉ VN, nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng đau đầu với spam 'ngoại'. Vì thế, doanh nghiệp Internet, di động phải có ý thức và biện pháp bảo vệ khách hàng của mình. Chúng ta sẽ đẩy mạnh xây dựng quy chế phối hợp giữa các ISP, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn, thư điện tử để có những phản ứng kịp thời đối với nguồn phát tán", lãnh đạo của VNCert nói.
Khảo sát của hãng Inc.com cho biết, trong năm 2007, mỗi ngày có 97 tỷ e-mail lưu thông trên toàn thế giới, trong đó có 40 tỷ là thư rác.
Hãng Trusecure Corporation đưa ra một so sánh: tỷ lệ thông điệp mang tính quảng cáo trên truyền hình là 15-20%, trên tạp chí là 20-50%, 10-20% trên các kênh phát thanh, còn với e-mail là 67%.
Công ty bảo mật MessageLabs cho biết 9,2% trên tổng số e-mail toàn cầu chứa virus.
Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD ước tính spam tiêu tốn của mỗi ISP ở Âu - Mỹ 600 USD/megabyte mỗi tháng cho băng thông, 70 megabyte mỗi ngày vào băng thông mail, chi phí băng thông vì spam mỗi tháng là 6.300 USD, chi phí lưu trữ hằng tháng cho spam là 5.400 USD, lương cộng chi phí khác cho nhân lực quản trị là 75.000 USD...
|
Các chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định khó có thể tác động đến e-mail không mong muốn từ nước ngoài. Nhưng khả năng dùng biện pháp kỹ thuật để hạn chế thì hoàn toàn có thể. "Sở dĩ trong nước chịu quá nhiều phiền toái với thư rác là vì các nhà cung cấp dịch vụ cũng như các cơ quan, doanh nghiệp chưa áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật chống spam", Giám đốc Trung tâm BKIS Nguyễn Tử Quảng nhận định. "Chúng tôi đã thử nghiệm và kết quả là có tới 95% thư rác bị chặn. Tôi nghĩ, con số này rất khả quan".
Về vấn đề tin nhắn "không theo yêu cầu" trên các mạng điện thoại di động, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng tin học của MobiFone, đề nghị: "Theo tôi, nên cho phép khách hàng đăng ký hoặc từ chối nhận tin quảng cáo qua trang web của nhà cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, để chống nghẽn mạng phải có sự thiết lập thời gian gửi tin tránh giờ cao điểm hoặc cho phép doanh nghiệp viễn thông được hạn chế số lượng tin trong một lần gửi của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn".
Còn đại diện của Viettel Telecom thì băn khoăn về giới hạn độ dài của tin nhắn và những khả năng tận dụng lợi thế dịch vụ của chính mình: "Liệu khi chúng tôi miễn phí một số lượng tin nhắn nhất định cho khách hàng thì chúng tôi có quyền sử dụng 1/3 số ký tự của một tin đó dùng cho việc quảng cáo không?".
Dự kiến, Nghị định chống thư rác sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm nay.
Theo bạn, việc xử lý hành vi phát tán spam chủ yếu bằng biện pháp kỹ thuật có khả thi?
|
|
* Một số yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử và tin nhắn:
Tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo qua thư điện tử phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi hoạt động.
Có trang thông tin điện tử cùng máy chủ dịch vụ gửi thư điện tử, quảng cáo đặt tại Việt Nam và sử dụng tên miền quốc gia .vn. (Đối với dịch vụ thư điện tử)
Sử dụng số thuê bao gửi tin nhắn quảng cáo của nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn VN. (Đối với dịch vụ tin nhắn)
Có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra và cấp mã số quản lý.
Những thông tin về yêu cầu từ chối và thông điệp xác nhận yêu cầu từ chối phải được lưu lại trong thời gian tối thiểu là 60 ngày.
* Đối với thư điện tử quảng cáo cần:
Có chủ đề phù hợp với nội dung và phải được đánh nhãn.
Phải có thông tin về người quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Có chức năng từ chối.
(Trích nguồn: Dự thảo 8 Nghị định chống thư rác)
|
Theo Vnexpress