Xác định Việt Nam là thị trường gia công phần mềm lớn nhất của mình, song hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự buổi toạ đàm đều cho rằng, hiện nay các công ty phần mềm Việt Nam vẫn còn rất yếu ở vấn đề nhân lực và ngôn ngữ.
Theo đại diện của NEC Solution, một doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản đã có thâm niên hoạt động tại Việt Nam ba năm, các doanh nghiệp Nhật Bản trong đó có NEC kỳ vọng rất lớn khi giao phần mềm gia công cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, hiện trạng ngành CNTT trong đó có phần mềm của Việt Nam lại có quy mô tương đối nhỏ, nhất là số lượng nhân lực.
Vị đại diện này đã đưa ra số liệu so sánh, nếu như nhìn vào con số 35.000 nhân viên làm trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tới vào năm 2010 thì chả thấm tháp vào đâu so với con số 600.000 nhân viên hiện nay của Nhật Bản hay tới 1,3 triệu của Trung Quốc. Vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam ở thời điểm này là phải tăng mạnh nguồn nhân lực CNTT. Có rất nhiều cách trong đó nên mở rộng đầu vào của đại học. Với việc làm này có thể sẽ giảm trình độ nhưng điều quan trọng là mở rộng được nguồn nhân lực nên vẫn phải làm. Chỉ có việc mở rộng nguồn nhân lực mới giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và có thêm các đối tác gia công phần mềm nước ngoài mới.
Không lo lắng tới vấn đề nhân lực, ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc Công ty FCG lại cho rằng các doanh nghiệp CNTT, phần mềm của Việt Nam đã có nhiều cố gắng tham gia vào thị trường Nhật Bản, cũng đã có những kết quả ban đầu khả quan nhưng vẫn chưa thể hiện được đúng năng lực của họ. Nguyên nhân của vấn đề này không phải hoàn toàn vì Việt Nam thiếu nhân lực mà là đang gặp phải rào cản về ngôn ngữ.
Theo ông Phương, hiện nay có tới 80% nguồn nhân lực gia công phần mềm của Nhật Bản là từ Trung Quốc. Ngay cả khi đang hoạt động tại Việt Nam, các công ty Nhật Bản cũng sử dụng nhân lực chủ yếu là người Trung Quốc. Yêu cầu của các công ty Nhật Bản khi tuyển nhân viên là họ phải biết tiếng Nhật, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt và người Trung Quốc đáp ứng được cả hai yếu tố này. Trong khi đó hiện giờ các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm việc với Nhật vẫn đang phải tốn kém khá nhiều về chi phí, cả thời gian cho việc đầu tư đào tạo trình độ, trang bị vốn tiếng Nhật cho nhân viên.
Chính vì vậy, mặc dù kiến nghị mà ông Phương đưa ra không mới, những xem ra vẫn rất thời sự đó là Chính phủ cần tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt chú trọng vấn đề đào tạo ngôn ngữ.
Theo nhận định của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Việt - Nhật , tiềm năng hợp tác CNTT Việt - Nhật là rất lớn, quy mô thị trường phần mềm của Nhật Bản cũng không hề nhỏ với khoảng 117 tỷ USD. Các doanh nghiệp Nhật vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân lực và mong đợi tìm thấy một phần lời giải từ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Được biết, ngày 16/10 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bản quy hoạch định hướng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam tới năm 2020. Cùng với những thông tin được trao đổi giữa doanh nghiệp hai phía trong buổi toạ đàm sáng nay, thời gian tới thị trường CNTT Việt Nam - Nhật Bản sẽ thực sự tìm được sự liên thông, đáp ứng nhu cầu của nhau.
Theo Vnmedia