Công việc chuẩn bị các điều kiện cho triển khai xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) đang trong giai đoạn nước rút, từ vấn đề tổ chức bộ máy, tiếp nhận kết quả Đề án 112 đến xây dựng văn bản pháp lý cho việc triển khai CPĐT.
Sắp hết rào cản pháp lý
Xây dựng các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho triển khai CPĐT là hoạt động đang diễn ra gấp rút. Theo ông Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) thì đây là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT từ năm 2005 đến nay. Một loạt văn bản pháp lý cho ứng dụng CNTT đã ra đời, từ Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử đến các nghị định cụ thể hoá. Theo ông Lập thì “nếu các nghị định mà Bộ TT&TT đang soạn thảo được phê duyệt theo đúng dự kiến là cuối năm nay thì có thể nói cơ bản khung pháp lý cho CNTT đã hoàn thiện”. Sau bước này, từ năm 2008 trở đi việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ chuyển tới giai đoạn tập trung triển khai.
Trong đó, nút gỡ lớn nhất có lẽ Nghị định về quy chế quản lý đầu tư các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Văn bản này ra đời sẽ giải quyết được vấn đề thiếu định mức và đơn giá đặc thù cho dự án đầu tư CNTT, nhất là đơn giá cho xây dựng phần mềm và làm cơ sở dữ liệu. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định này vào tháng 11/2007. Cũng liên quan đến ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT và Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho ứng dụng CNTT, dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay để kịp hướng dẫn cho năm 2008. Cũng trong tháng 11/2007, Bộ TT&TT dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành hai văn bản: một là khung tương hợp CPĐT nhằm tạo sự thống nhất và tính tương thích giữa các hệ thống thông tin của các bộ ngành và địa phương; hai là danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia và quy chế xây dựng, cập nhật và duy trì các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đề án CPĐT mới
Kết thúc Đề án 112, việc xây dựng CPĐT tới đây sẽ trên cơ sở chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 (cụ thể hoá nghị định 64). Hiện nay, chương trình này, còn được gọi với tên khác là đề án CPĐT đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ và có thể sẽ được thông qua trong một ngày gần đây. Phương thức triển khai của đề án CPĐT mới này có một số khác biệt so với Đề án 112, nhấn mạnh sự chủ động các bộ ngành và địa phương trong việc triển khai theo những hướng dẫn và mục tiêu mà đề án này đề ra. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai, đề án CPĐT mới nhấn mạnh phải sớm hoàn thiện cơ chế tài chính, định mức cho các dự án đầu tư CNTT, kiến trúc chuẩn CNTT quốc gia, hạ tầng mã công khai (PKI); kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và ban chỉ đạo CNTT của các bộ ngành, địa phương theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Cần nhìn nhận việc hoạt động xã hội, quản lý nhà nước, kinh doanh, văn hóa, đời sống người dân là một thể thống nhất, gắn kết rất hữu cơ với nhau. Nhiều quốc gia đã dừng ứng dụng CNTT trong từng mảng hoạt động xã hội để có chương trình về quốc gia điện tử. VN đi sau, có điều kiện rút kinh nghiệm thì cần xây dựng một chương trình quốc gia về Việt Nam điện tử (e-Vietnam). Trước mắt tập trung vào 3 mảng việc lớn: nhà nước điện tử, thương mại điện tử và công dân điện tử. 3 mảng này cần được triển khai đồng bộ, liên hoàn và tích hợp trong một hệ thống quốc gia thống nhất”
Tiến sỹ Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học - Bộ Khoa học và Công nghệ
|
Về phương hướng triển khai đề án này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã nêu ra 7 giải pháp thúc đẩy. Một là tiếp tục đẩy mạnh nhận thức về vai trò của CNTT; Hai là xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch để ứng dụng CNTT có bước đi khoa học, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình điểm thành công để nhân rộng; Ba là hoàn chỉnh thể chế, ban hành chính sách kích cầu cho CNTT, khuyến khích mọi cấp, mọi ngành và mọi người đầu tư cho ứng dụng CNTT. Bốn là tập trung cao hơn cho đào tạo nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo gắn với tác nghiệp; Năm là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu với ứng dụng CNTT; Sáu là thực hiện cơ chế kiểm tra, tổng kết để có chính sách khen thưởng những điển hình ứng dụng thành công; Bảy là tích cực chủ động trong hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực và tri thức công nghệ của thế giới.
Mặc dù, đề án này đến thời điểm này chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, nhưng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Vũ Đức Đam thì trong quá trình hoàn thiện đề án, Bộ đã chủ động gửi các nội dung của đề án và đã có hướng dẫn cho các bộ ngành và địa phương lập kế hoạch theo đề án CPĐT mới. Đến nay, Thứ trưởng Đam cho biết đã có 45 bộ ngành và địa phương gửi kế hoạch CPĐT lên Bộ xin ý kiến thẩm định.
Tiếp nhận các kết quả Đề án 112
Sau khi Đề án 112 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không triển khai tiếp giai đoạn hai của đề án này, đồng thời giao Bộ TT&TT tiếp nhận các kết quả của đề án cho việc xây dựng CPĐT trong tình hình mới là theo nghị định 64 (về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước). Hiện nay, Bộ TT&TT đang gấp rút chuẩn bị các phương án tiếp nhận và sử dụng các kết quả của Đề án 112. Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thì “Bộ đã sẵn sàng tiếp nhận các kết quả của Đề án 112 và có các phương án sử dụng những kết quả đó hiệu quả”. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho biết phạm vi bàn giao các kết quả của Đề án 112 cho Bộ TT&TT chỉ gồm các hạng mục do Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ quản lý. Các kết quả của đề án này ở các bộ ngành và địa phương thuộc quyền hạn và trách nhiệm của lãnh đạo các bộ ngành và địa phương đó. Việc chuyển giao các kết quả của đề án này dựa trên nguyên tắc là bàn giao nguyên trạng địa điểm (trụ sở ban điều hành Đề án 112 Chính phủ), hồ sơ tài liệu liên quan của dự án, thiết bị máy móc, các phần mềm dùng chung.
Theo thống kê của Cục ứng dụng CNTT, các kết quả của Đề án 112 của Ban điều hành đề án 112 Chính phủ gồm các thiết bị (mạng CPNet, cổng thông tin điện tử chính, trung tâm mạng của Ban điều hành), 43 phần mềm dùng chung (trong đó có 3 phần mềm được triển khai diện rộng), một số giáo trình và chương trình đào tạo cùng với các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, chuẩn hoá và hồ sơ dự án liên quan đến đề án.
Đối với các sản phẩm phần mềm dùng chung và tài liệu của Đề án 112, Bộ TT&TT đã thông báo sẽ công khai trên trang web của Bộ và Cục Ứng dụng CNTT để cộng đồng nghiên cứu sử dụng miễn phí. Với những sản phẩm chưa hoàn thiện, ông Hoàng Quốc Lập cho hay Bộ đã tính đến việc thành lập các hội đồng để xem xét đánh giá các sản phẩm của Đề án 112 để đi đến quyết định có hay không việc tiếp tục triển khai.
Theo Ictnews