Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hội đồng gồm 20 thành viên từ nhiều đơn vị khác nhau đã họp vào tuần trước để thông qua tiêu chí đánh giá phần mềm văn phòng nguồn mở. Bộ phần mềm văn phòng OpenOffice 2.0 đang được các thành viên Hội đồng sử dụng thử từ một tuần nay và sẽ bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian tới. Nếu vượt qua “thử thách” này, OpenOffice sẽ là bộ phần mềm nguồn mở đầu tiên lọt vào danh mục. Tiếp theo, Bộ TT-TT sẽ thành lập Hội đồng để thẩm định các hệ điều hành nguồn mở và các ứng dụng nguồn mở khác, ông Đường cho biết.
“Vì nhu cầu bức thiết cần chọn một phần mềm văn phòng nguồn mở, bên cạnh phần mềm thương phẩm của Microsoft Office và phần mềm Kingsoft Office của Trung Quốc đang cho phép sử dụng miễn phí tại Việt Nam, chúng tôi đã chọn Open Office để thẩm định đầu tiên”, ông Đường nói. Hợp đồng mua bản quyền phần mềm Microsoft Office của Chính phủ chỉ có thời hạn ba năm. Còn sau đó, chúng ta có còn phải tiếp tục mua hay sử dụng PMNM phụ thuộc vào nhận thức của người sử dụng ngay từ bây giờ.
Khi ngày càng có nhiều phần mềm nguồn mở có đầy đủ tính năng của một phần mềm thương phẩm như hiện nay, thì khó khăn lớn nhất khi phát triển PMNM lại chính là thói quen người sử dụng, ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng Ban Thư ký Ban chỉ đạo CNTT các cơ quan Đảng nói.
Ông Hoàng Quốc Tuấn (đầu tiên bên trái).
Theo ông Tuấn, cách đây hai năm, người sử dụng dễ dàng nhận thấy các PMNM có giao diện không thân thiện, cài đặt khó nên ngại sử dụng. Nhưng đến nay, lý do kỹ thuật không còn đặt ra nữa, có những hệ điều hành máy trạm như Ubuntu còn chạy nhanh hơn Windows và không có virus. Vì thế, nếu vượt qua được thói quen sử dụng phần mềm Microsoft và phải chịu sức ép về chi phí trả cho bản quyền phần mềm này, thì PMNM sẽ có cơ hội phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Quang, phụ trách đào tạo của Viện Tin học Pháp ngữ, đơn vị ứng dụng PMNM ngay từ ngày đầu thành lập, nhận thức của học sinh trong việc sử dụng PMNM là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, từ tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm trong các trường học cho đến chương trình thi đều sử dụng phần mềm Microsoft mà không có thêm sự lựa chọn nào khác.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đường gọi đây là chính sách “gây nghiện” của Microsoft trong việc định hướng thói quen của giới trẻ. Hãng Microsoft bán bộ phần mềm văn phòng cho ngành giáo dục với giá rẻ là 3 USD/bộ, để rồi khi lớp trẻ lớn lên, họ sẽ phải mua phần mềm này với giá hàng trăm USD.
Vì thế, ông Đường cho biết, sau khi Hội đồng tư vấn khẳng định phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice 2.0 sử dụng tốt, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ khuyến cáo Bộ GD-ĐT đưa vào sử dụng phần mềm này trong nhà trường.
Theo Nhân dân