Quản lý Internet và blog là một trong 14 vấn đề lớn được Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thông báo trong chuyến thăm và làm việc với các cán bộ trong ngành thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An vào ngày 17/10/2007.
14 vấn đề lớn đó bao gồm:
1 - “Việc lớn” đầu tiên là mở cửa thị trường viễn thông cho phép cạnh tranh lành mạnh hơn, nhằm tiếp tục giảm giá cước và đem đến chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dân. Một số phân tích chuyên môn cho rằng giá cước viễn thông ở Việt Nam hiện nay vẫn có thể giảm tiếp khoảng 15% nếu có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này.
2 - Vấn đề thứ hai là đặt ra lộ trình giảm bù lỗ, tiến tới kinh doanh có lãi trong lĩnh vực bưu chính. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2013 ngành bưu chính sẽ có lãi. Hiện nay, mỗi năm bưu chính lỗ khoảng 1000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được cho là bộ máy hoạt động quá cồng kềnh, dẫn đến hiệu quả phục vụ thấp. Doanh nghiệp đầu đàn VNPT hiện có tới 93 nghìn nhân viên, trong đó đội ngũ ở các xã là 22 nghìn người. Theo một số chuyên gia, bộ máy của VNPT hiện tại có thể giảm biên chế được, thậm chí có nơi giảm tới 50% mà không hề yếu đi.
3 - Vấn đến lớn thứ ba là tập trung cho ứng dụng CNTT giai đoạn 2007-2010, coi đây là cầu nối, keo dính của mọi thành phần kinh tế và là nền tảng của mọi sự phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện các văn bản mà trước đây thiếu nó đã làm cản trở hoạt động ứng dụng CNTT, cụ thể như định mức kinh tế kỹ thuật cho các dự án CNTT hay quy chế quản lý dự án đặc thù trong lĩnh vực CNTT.
4 - Dồn sức đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, gồm công nghiệp phần cứng, phần mềm và công nghiệp nội dung số. Coi công nghiệp CNTT là ngành kinh tế thời đại, là thế mạnh của trí tuệ Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kích cầu cho công nghiệp CNTT. Trong đó, ưu tiên số một sẽ là chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và dịch vụ CNTT. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng danh mục phần mềm nguồn mở đáp ứng yêu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước; danh mục sản phẩm CNTT trong nước ưu tiên mua sắm trong các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách; cơ chế về mua sắm đấu thầu cho các dự án CNTT nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT trong nước tham gia vào các dự án CNTT.
5 - Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CNTT cũng là việc “cần làm ngay” với ngành thông tin và truyền thông. Định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông là đổi mới tư duy đào tạo có định hướng, gắn với khai thác sử dụng và có kiểm định chất lượng thông qua các chuẩn. Dự kiến, trong vòng 5 tháng tới, sẽ cho ra mắt các chuẩn để đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực CNTT. Ngoài ra, Bộ đang xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực CNTT và nghiên cứu thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng nhân lực CNTT.
6 - Tiếp nhận và triển khai Đề án 112. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận các kết quả của Đề án 112 theo hình thức tiếp nhận là giữ nguyên trạng bộ máy và con người, nguyên thiết bị, địa điểm và phương tiện làm việc. Tuy nhiên, triển khai “hậu 112” sẽ được đối tên đúng với chức năng nhiệm vụ là ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và chính phủ điện tử. Hiện tại, chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 đã được trình Chính phủ.
7 - Vấn đề lớn tiếp theo là tăng cường quản lý nhà nước ở các sở địa phương, trong đó tập trung mạnh vào việc phân cấp cho các Sở BCVT (sắp tới sẽ đổi thành Sở Thông tin và Truyền thông). Dự kiến Bộ sẽ tổ chức phòng theo dõi các địa phương trực thuộc văn phòng Bộ. Bộ cũng mở kênh thông tin trực tuyến để giải đáp vấn đề của các Sở.
8 - Quản lý Internet và blog (nhật ký cá nhân trên mạng) là vấn đề “nóng” và là vấn đề trọng điểm của ngành thông tin và truyền thông. Đây là vấn đề gần đây phát triển rất phức tạp, tuy nhiên quan điểm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ theo hướng mở để quản lý, tạo điều kiện cho Internet phát triển. Việc quản lý blog sẽ theo hướng hậu kiểm, trong đó chú trọng hoàn thiện bộ luật dân sự để có chế tài xử lý thích đáng vi phạm trên môi trường mạng, trong đó có blog.
9 - Bắt đầu từ năm 2008, mỗi tháng các lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông phải trực tuyến một lần trên các phương tiện đại chúng để trả lời thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về chính sách trong ngành.
10 - Tiếp đến là vấn đề bản quyền phần mềm và việc thực hiện biên bản ghi nhớ với hãng phần mềm Microsoft. Việc mua bản quyền phần mềm của Microsoftt còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, “việc mua bản quyền phần mềm của Microsoft là đúng, thức thời và góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia trong hội nhập, đồng thời là động lực thúc đẩy công nghiệp CNTT trong nước phát triển”.
11 - Bộ đang làm đề án tự trang trải tiền lương bằng các nguồn thu hợp pháp của Bộ nhằm thu hút và giữ chân người tài. Chính phủ đã đồng tình cho Bộ nghiên cứu xây dựng đề án này. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, do thu nhập người làm CNTT bên ngoài cao hơn.
12 - Song song với việc xây dựng đề án tự trang trải tiền lương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng rà soát toàn bộ quỹ đất của Bộ, cho chủ chương liên doanh để khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ công tác quản lý.
13 - Tập trung bàn về vấn đề bộ máy của VNPT, nhằm sớm chia tách bưu chính và viễn thông.
14 - Đẩy mạnh hoạt động đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ quản lý trong ngành, trong đó dự kiến sẽ luân chuyển cán bộ giữa Bộ và các Sở địa phương để cải thiện năng lực quản lý.
Theo Ictnews