Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trong trường hợp chúng ta sử dụng những phần mềm không có bản quyền. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm ngày càng được đặt cao hơn. Thế nên, trong một tương lai rất gần, chi phí dành cho phần mềm sẽ tăng lên đáng kể.
itGatevn 0008120.jpgGiải pháp tiết kiệm nhất trong trường hợp này là làm quen và sử dụng các phần mềm nguồn mở càng sớm càng tốt. Đó là chìa khóa của việc tiết giảm tối đa chi phí cho CNTT. Bài viết này chủ yếu đi vào giới thiệu những phần mềm nào mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng ngay.
Phần mềm dành cho máy tính cá nhân
Về hệ điều hành, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về Linux như một hệ điều hành nguồn mở cạnh tranh với hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, có rất nhiều phiên bản Linux khác nhau. Qua thực tế sử dụng thử nhiều phiên bản khác nhau, chúng tôi có thể đề nghị các nhà doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng phiên bản Linux có tên là Ubuntu Desktop (http://www.ubuntu.com/).
Hiện nay, Ubuntu đã ra đến phiên bản 7.0.4. Phiên bản này có giao diện khá thân thiện với người sử dụng từ Windows chuyển sang cũng như có tất cả các tính năng tương đương như khi sử dụng Windows (nghe nhạc, xem phim, Wi-Fi, e-mail, Internet…). Nếu muốn, có thể chọn cài bản Ubuntu có tiếng Việt để tiện sử dụng. Bên cạnh Ubuntu, cũng có một phiên bản Linux khác do người Việt Nam phát triển là Hacao Linux với ưu điểm là giao diện tiếng Việt, nhanh và gọn nhẹ.
Về bộ ứng dụng văn phòng, nếu chọn Linux làm hệ điều hành thì cả Ubuntu cũng như Hacao đều có tích hợp sẵn bộ ứng dụng văn phòng Open Office để sử dụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn duy trì hệ điều hành Windows (vì đang còn phải chạy một số chương trình khác như phần mềm kế toán, hoặc Windows của doanh nghiệp đã có bản quyền), vẫn có thể không cần phải mua Microsoft Office mà sử dụng phần mềm như Open Office (http://www.openoffice.org) hoặc Star Office (http://www.sun.com/software/star/staroffice/). Các phần mềm này cho phép soạn văn bản, bảng tính, trình chiếu... hoàn toàn tương thích với các phần mềm của Microsoft Office như Word, Excel, Power Point. Như vậy, vẫn hoàn toàn có thể bảo đảm nhu cầu trao đổi văn bản giữa doanh nghiệp sử dụng các phần mềm miễn phí và doanh nghiệp sử dụng Microsoft Office.
Để sử dụng Open Office trên Windows, có thể vào trang web http://www.openoffice.org/ để tải bản cài đặt về. Riêng bản Star Office thì hiện nay ở trang web chính thức họ vẫn bán với giá 69 đô-la Mỹ nhưng chúng ta cũng có thể sử dụng miễn phí bằng cách tải Star Office trong góiGoogle Pack cung cấp bởi Google (http://pack.google.com).
Ngoài ra, cũng có thể chọn một giải pháp mới và linh hoạt hơn là sử dụng thẳng các ứng dụng văn phòng chạy trực tiếp trên web. Để sử dụng, chỉ cần có Internet để đăng ký tài khoản trên trang web cung cấp dịch vụ này. Có nhiều trang web cung cấp các ứng dụng văn phòng trực tuyến như Google Docs (http://docs.google.com), ThinkFree (http://www.thinfree.com/), Zoho (http://www.zoho.com/). Các ứng dụng trực tuyến này có ưu điểm lớn là có thể giúp chúng ta làm việc ở bất cứ nơi nào có Internet. Các tài liệu soạn xong sẽ lưu thẳng trên trang web và có thể mở ra khi cần.
Phần mềm dành cho máy chủ
Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng máy chủ cho nhiều mục đích khác nhau. Nếu sử dụng Windows Server cho công việc này, doanh nghiệp sẽ phải tốn một khoản chi phí rất lớn để mua bản quyền phần mềm. Với việc chuyển sang sử dụng các phần mềm hoàn toàn miễn phí dưới đây, doanh nghiệp có thể tiết kiệm rất nhiều. Không như phần mềm dành cho máy cá nhân có thể tự cài, các phần mềm dành cho máy chủ cả trên Windows cũng như Linux đều cần phải có người có kinh nghiệm cài đặt. Nếu doanh nghiệp chưa có nhân viên CNTT chuyên trách, có thể thuê các công ty chuyên nghiệp thực hiện. Chi phí cho việc cài đặt này cũng không cao.
Dưới đây là một số phần mềm để có thể cài đặt trên một máy chủ chia sẻ file trong mạng nội bộ của doanh nghiệp.
- Hệ điều hành: Có nhiều phiên bản Linux khác nhau để lựa chọn. Một trong những phiên bản được nhiều người sử dụng nhất là CentOS (http://www.centos.org/).
- Phần mềm OpenLDAP (http://www.openldap.org/) dùng để hỗ trợ việc quản lý, phân quyền và tra cứu thành viên trong hệ thống.
- Phần mềm Samba (http://www.samba.org/) để hỗ trợ việc chia sẻ file tương thích với hệ thống mạng Windows. Phần mềm này rất có ích cho hệ thống mạng có các máy trạm sử dụng nhiều hệ điều hành khác nhau.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu sử dụng mà doanh nghiệp có thể cài đặt thêm OpenVPN (http://www.openvpn.org/) để tạo thành hệ thống mạng riêng ảo của mình. Với hệ thống này, những người không có mặt ở văn phòng cũng vẫn có thể truy cập vào mạng nội bộ một cách dễ dàng và bảo mật. Nếu doanh nghiệp cần sử dụng Webserver để lưu trữ trang web của công ty thì có thể sử dụng Apache (http://www.apache.org/), trang web của công ty có thể xây dựng bằng ngôn ngữ PHP (http://www.php.net/) và sử dụng cơ sở dữ liệu MySQL (http://www.mysql.com/).
Các phần mềm miễn phí nêu trên đều là những phần mềm đã hoạt động tốt và hoàn toàn có thể thay thế được các nhu cầu phổ thông của doanh nghiệp. Việc chuyển sang sử dụng một hệ thống mới có thể hơi khó khăn nhưng cũng là một việc rất đáng làm nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm đến vấn đề bản quyền phần mềm.
Theo Ictnews